ClockThứ Năm, 31/05/2012 05:27

Hệ thống tỉnh lộ - hiện trạng và giải pháp

TTH - Bên cạnh những tuyến đường được đầu tư nâng cấp, vẫn còn quá nhiều tuyến đường tỉnh đang bị xuống cấp ảnh hưởng đến lưu thông.

Tỉnh lộ 7 (TL7) từ phường Thủy Phương đi Dương Hòa (Hương Thủy) là một minh chứng. Do tuyến đường ngang qua các mỏ đất, mỏ đá nên đã tập trung rất lớn các phương tiện tải trọng nặng chở đất đá tham gia. Mặt đường bị bong tróc, nứt rạn. Nhiều đoạn bị cày xới, hình thành những ổ voi, ổ gà lớn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Mùa nắng, bụi tung mù mịt. Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ 12, phường Thủy Phương (Hương Thủy) cho biết: “Nhà hai bên đường, ngày nào cũng phải đóng cửa, nhưng bụi vẫn lọt vào bám đầy trong nhà. Ra đường cũng rất nguy hiểm, vừa tránh xe ben, vừa tránh ổ gà, lo lắm...”

Cũng như TL 7, nhiều tuyến đường khácnhư TL4 đoạn từ Quảng An đến Sịa, TL 9 đoạn qua xã Phong Mỹ, TL 17 từ Phò Trạch đi Hòa Mỹ, TL 16 qua thị xã Hương Trà... cũng rất xấu. Số liệu từ đơn vị quản lý đường tỉnh, hệ thống đường tỉnh hiện nay có tổng chiều dài hơn 330 km thì loại đường tốt chiếm chỉ xấp xỉ 157 km, còn lại hơn một nửa là loại đường trung bình, xấu và rất xấu.

Theo ông Phan Thanh Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường bộ I, sở dĩ nhiều tuyến đường tỉnh bị rơi vào tình trạng rất xấu hiện nay là do để quá lâu không được nâng cấp, sửa chữa. Về mặt kỹ thuật, một tuyến đường thảm nhựa chỉ đảm bảo trong 7 năm, sau đó, phải thảm lại; trong lúc, đa số các đường tỉnh hiện nay đã thảm nhựa trên 10 năm chưa được thảm lại. Bên cạnh đó, phương tiện gia tăng, mặt đường nhỏ hẹp cũng là nguyên nhân dẫn đến đường xuống cấp nhanh. Phần lớn mặt đường tỉnh của chúng ta rộng 3,5m nên khi phương tiện tránh nhau phải đi xuống bên lề, phá hỏng mặt lề, dần dần phá hỏng vào lòng đường.

Những năm gần đây, UBND tỉnh và Sở GTVT đã quan tâm đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, từng bước cải thiện điều kiện lưu thông ở một số tuyến... Điển hình là TL11B nối QL 1A tại ngã tư An Lỗ đi các xã miền núi Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ của huyện Phong Điền. Một thời gian dài, tuyến đường này bị xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông, đi lại của người dân. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có Quyết định đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, với nền đường rộng 9 mét, mặt rộng 6m. Đến nay, TL11B đi các xã miền núi huyện Phong Điền cơ bản được êm thuận… TL18 từ QL1A đi cầu Trường Hà nhập với QL49B cũng được nâng cấp lớn trong năm qua. Đây là tuyến đường thường bị sạt taluy âm nặng nề sau mỗi trận lụt; có năm sạt đến mặt đường. Năm 2011, UBND tỉnh đã có quyết định nâng cấp toàn bộ tuyến đường dài hơn 14km, tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng. Đến nay, dự án đang bước vào giai đoạn cuối, khả năng sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm tới. Một dự án nâng cấp đường tỉnh khác rất được nhiều người quan tâm là TL4 đoạn từ Hương Vinh đến Sịa, đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư. Đến nay, gói thầu từ Hương Vinh đến cầu Thanh Hà đã hoàn thành, cải thiện đáng kể lưu thông trên TL4…

Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT nói: Mặc dầu thời gian qua, UBND tỉnh và ngành giao thông vận tải đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư, nâng cấp đường tỉnh. Song, do hệ thống đường tỉnh quá lớn; nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên kết quả có hạn; chủ yếu tập trung ở một số tuyến đường có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương, hoặc hư hỏng quá nặng. Sở đang tiếp tục khảo sát, lập thiết kế nâng cấp thêm 1 số tuyến đường nữa như: Đường 12B Hương Hồ đi đường tránh Huế; đoạn còn lại của TL4... đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý đẩy mạnh công tác duy tu bảo dưỡng, đảm bảo lưu thông, trong thời gian chờ bố trí vốn để sửa chữa lớn...

Ngoài các giải pháp trên, theo chúng tôi các cơ quan chức năng cần có giải pháp phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện (đặc biệt là những phương tiện hạng nặng) tập trung lưu thông trên một tuyến đường, để kéo dài tuổi thọ cho các tuyến đường!

Bài, ảnh: Đặng Thành

Thực trạng TL 7

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top