ClockThứ Tư, 10/08/2016 14:13

Hiệu quả đầu tư

TTH - Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa được diễn ra tại TP. Huế đã giành được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Một trong những thành công của hội nghị là đã khơi dậy được niềm tin của các nhà đầu tư từ những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cũng như những chính sách ưu đãi, thông thoáng trong thủ tục hành chính. Điều đó được chứng minh tại hội nghị, khi UBND tỉnh đã trao 16 giấy chứng nhận đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 7.744 tỷ đồng và ký 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp khẳng định sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược để kêu gọi, liên kết thêm các nhà đầu tư khác đến Thừa Thiên Huế, nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Công tác thu hút đầu tư đã được lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương và các sở ban ngành trên địa bàn đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay. Ngoài điều kiện tự nhiên sẵn có, Thừa Thiên Huế đã quan tâm quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; tiến hành nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư tại Huế và nhiều tỉnh thành; có nhiều chính sách ưu đãi, đẩy mạnh cải cách hành chính trong làm thủ tục, cấp phép đầu tư. Nhờ vậy, đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư. Riêng các khu công nghiệp đến nay đã thu hút hơn 100 dự án trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực vẫn gặp không ít những tồn tại. Đó là tình trạng một số dự án tuy đã được cấp phép, khởi công xây dựng một cách rầm rộ nhưng sau rồi lại không triển khai; trong đó, có nhiều vị trí đắc địa, đất “vàng” bị choán phần từ năm này qua năm khác. Điển hình như nhà máy xi măng Nam Đông, với tổng vốn đầu tư hơn 4.430 tỷ đồng, đặt tại vùng có trữ lượng nguyên liệu dồi dào; nằm bên đường La Sơn-Nam Đông thông với QL1A, cảng nước sâu Chân Mây và tuyến đường Nam Đông- A Lưới thông qua Lào đang được thi công… nhưng đã triển khai 7 năm nay giờ vẫn “im hơi lặng tiếng”. Ngoài ra, còn một số dự án khác ở ven biển, đô thị, các điểm du lịch nổi tiếng cũng tương tự; gây bức xúc trong người dân và chính quyền các địa phương, nơi dự án đang “án binh bất động”.

Trước sự chậm chạp của các dự án, UBND tỉnh đã có động thái quyết liệt như đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư một số dự án vào năm ngoái. Đây là điều không mong muốn nhưng cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư trên địa bàn những năm tiếp theo.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Return to top