ClockThứ Ba, 05/07/2016 04:51

Hình thành thị trường thực phẩm sạch

TTH - Đi ngang đường Đặng Huy Trứ, thấy một thùng xốp nhỏ có dòng chữ “Bán giá sạch”. Giá đỗ thì chợ nào chẳng có, nó cũng thường được bán kèm theo hàng rau sống.

Điều này gây vài nghĩ ngợi chứ cũng chẳng lạ lùng gì. Bởi ngày càng có nhiều thứ người ta quảng cáo là sạch hoặc siêu sạch được trưng ra - rau sạch, trứng gà sạch, gạo sạch... thậm chí là nước mía siêu sạch. Điều này chẳng ai kiểm nghiệm nhưng chắc ít ra người quảng cáo tin rằng, ghi như thế sẽ làm người tiêu dùng có chút yên tâm hơn. Nếu người nào ghé mua thì cũng là dịp để quảng bá thêm: “ Tôi làm giá như thế này thế kia, không có chất kích thích sinh trường như báo chí từng nêu...”

Cửa hàng trưng bày, bán rau sạch ở đường Hai Bà Trưng được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Tâm Huệ

Vấn đề là tại sao trong hàng hóa thực phẩm hàng ngày, xuất hiện ngày càng nhiều những từ “ sạch”, “ siêu sạch”? Có lẽ là người tiêu dùng đã quá nghi ngờ về những loại thực phẩm tiêu dùng không sạch và người ta quan tâm nhiều đến thực phẩm sạch. Đây phải chăng là lúc, là cơ hội để các quy trình sản xuất thực phẩm sạch, có chứng nhận, có nguồn gốc xuất xứ là sạch phát triển.

Không nghi ngờ gì, người tiêu dùng bây giờ quan tâm nhiều đến thực phẩm sạch cho bữa ăn gia đình của mình. Thỉnh thoảng chúng ta nghe truyền tai nhau, ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh bây giờ, vài gia đình có thu nhập cao về vùng ven thành phố đặt hàng cho những nông dân đáng tin cậy hay quen biết nuôi con gà, con heo, trồng rau... thậm chí là trồng vài sào lúa theo cách mà cách đây mấy chục năm đã làm, là không dùng hóa chất. Nuôi con lợn là phải cho ăn rau, chuối cây, cám, nước gạo... Sau đó chia nhau cấp đông sử dụng dần dần. Người ta đã không tin bất kỳ hàng gì gọi là “hàng chợ”.

Quy trình trồng sạch, nuôi sạch, sản xuất sạch bao giờ cũng tốn kém hơn nhiều so với qui trình không sạch, có thể là gấp đôi hoặc gấp ba lần. Khi đời sống đại bộ phận người dân được cải thiện, ngày càng nhiều người hơn không đắn đo gì khi mà mua một bó cải có thể giá gấp đôi, nhưng biết chắc chắn sạch. Nhu cầu của người tiêu dùng về sạch, an toàn rõ ràng tăng cao, thị trường đòi hỏi một lượng cung lớn, nhưng tại sao các điểm bán thực phẩm sạch không phát triển được ? Là vì cung cách quản lý, cách thức tổ chức của chúng ta. Thói quen tiêu dùng của đại bộ phận người dân vẫn là các chợ truyền thống. Nhưng mọi thứ ra chợ rồi thì khó phân biệt được là sạch hay không sạch, thậm chí hàng sạch giá còn rẻ hơn hàng không sạch. Cách đây mấy năm, vùng rau Quảng Thành (huyện Quảng Điền) cũng đã sản xuất thí điểm theo quy trình Vietgap nhưng sau đó nghe nói rất khó tiêu thụ. Giá thành sản xuất cao nhưng ra thị trường là ngang giá như nhau. Dù có đóng bao bì, có xác nhận nhưng người tiêu dùng vẫn cứ nghi ngờ.

Để quy trình sản xuất sạch phát triển, thiển nghĩ có hai vấn đề cốt lõi cần giải quyết. Về mặt quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, cần phải có sự thay đổi để đi vào thực chất để tạo niềm tin cho người dân nơi các cơ quan quản lý. Bằng mắt thường thôi, đi nhiều hàng quán thấy cung cách chế biến đã không đảm bảo vệ sinh, ví dụ như dùng dao và thớt chung cho cả thịt sống và thịt chín, thế nhưng nhìn lên tường nhà hàng, quán vẫn thấy giấy chứng nhận về những cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Không phải là người quản lý có trách nhiệm nên tôi không thể đề xuất phải thay đổi như thế nào để đi vào thực chất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng cần phải thay đổi, không thay đổi không tạo dựng được niềm tin. Mà như thế thì không có điều kiện, môi trường để quy trình sản xuất thực phẩm sạch phát triển. Sự thay đổi cung cách quản lý, kiểm tra giám sát như thế nào là thuộc về cơ quan quản lý nhà nước chuyển ngành thực phẩm.

Cửa hàng trưng bày, bán rau sạch ở đường Hai Bà Trưng được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Tâm Huệ

Trước khi tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng các xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước, có một điều tôi cho rằng có thể thực hiện được hoặc thí điểm thực hiện để đánh giá lại kết quả. Chẳng hạn như sản xuất rau sạch. Quy trình sản xuất rau sạch đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện. Trong khi người tiêu dùng chưa tin, nhà nước có thể can thiệp vào các khâu từ giám sát sản xuất đến phân phối để tạo niềm tin. Ví dụ như chọn một vùng sản xuất rau truyền thống nào đó, nhà nước hỗ trợ hoặc quản lý để người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất sạch. Đi kèm với đó là công tác truyền thông có hệ thống và liên tục để người tiêu dùng cùng nhận biết và giám sát. Khi đã làm ra thực phẩm sạch thì hỗ trợ tổ chức phân phối. Ví dụ như ở TP. Huế, hầu như tổ dân phố nào cũng có nhà văn hóa dùng để sinh hoạt cộng đồng. Thường là một năm tổ chức hội họp vài lần rồi đóng cửa, hoặc dùng vào mục đích khác. Chúng ta có thể tạo điều kiện dành một phần mặt bằng phù hợp để ra đời các điểm bán rau sạch. Đây không đơn thuần là một hoạt động kinh tế thuần túy, mà còn là thực hiện một biện pháp quan lý nhà nước giúp ích rất thiết thực cho đời sống người dân. Ở khâu này cũng cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Và bằng nhiều cách truyền thông và bảo chứng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Vừa qua xảy ra “ sự cố cá biển”, lãnh đạo của nhiều tỉnh đã đứng ra bảo chứng là cá biển an toàn bằng cách ăn cá biển. Thế thì tại sao không có cách nào đó bảo chứng cho các điểm bán rau sach.

Trong điều kiện hiện nay, “nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn”, niềm tin của người tiêu dùng bị “ lung lay” thì để tạo niềm tin là không dễ. Nhưng nếu chúng ta không có động thái gì cho vẫn đề này thì tình hình sẽ không thay đổi. Hay nhen nhóm và kiên trì nhen nhóm những điểm sáng. Một khi có nhiều điểm sáng, rồi chuyển hóa trở thành nhiều vùng sáng thì cơ hội cho thực phẩm sạch ngày càng phát triển. Đến một lúc nào đó, thị trường thực phẩm sạch mạnh hơn thực phẩm không sạch, chắc chắn thị trường thực phẩm không sạch sẽ dần tự biến mất. Quá trình này có thể là rất dài, nhưng đó cũng là quá trình để hoàn thiện cung cách quản lý, hình thành văn hóa cung ứng và tiêu dùng, hình thành nên một thị trường thực phẩm tiêu dùng hoàn toàn sạch.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp
Bất chấp suy thoái, thị trường văn phòng phẩm thông minh mỗi ngày kiếm hơn 35 tỷ đồng?

Sau năm 2022 cực kỳ thành công khi cả doanh thu và lợi nhuận đạt giá trị 487,1 triệu USD (BlueWeave Consulting), tưởng chừng thị trường văn phòng phẩm và thiết bị văn phòng Việt Nam sẽ tận dụng đà hồi phục để bùng nổ hơn nữa trong năm 2023 nhưng báo cáo tài chính của ngành hàng này vừa cho thấy kết quả ngược lại.

Bất chấp suy thoái, thị trường văn phòng phẩm thông minh mỗi ngày kiếm hơn 35 tỷ đồng
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3

Thị trường trái phiếu bền vững của các nền kinh tế thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mở rộng 29,3% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng euro, báo cáo mới vừa công bố ngày 21/3 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết.

Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3

TIN MỚI

Return to top