ClockChủ Nhật, 03/09/2017 13:33

Hồ Chí Minh - Những chuyện chưa phải ai cũng biết

TTH - Cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh phong phú, trải rộng trên nhiều châu lục, với nhiều lĩnh vực hoạt động, bao nhiêu sách báo đã viết về Người mà vẫn chưa hết chuyện. Chỉ riêng lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, được sự ủng hộ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cuối năm 2013, sau 4 năm thực hiện, NXB Hội Nhà văn đã hoàn thành bộ sách đồ sộ “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, gồm 11 cuốn khổ lớn, dày gần 5.000 trang.

Ảnh bìa bộ sách về Hồ Chí Minh

Tập 4 với tiêu đề phụ “Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ Việt Nam”, gồm 71 bài viết, trong đó, riêng với Huế có bài của nhà thơ Thanh Hải kể lần được Bác Hồ ôm hôn khi ở trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng ra thăm miền Bắc (tháng 10/1962); chuyện bà Tuần Chi, chủ khu nhà vườn An Hiên gặp Bác Hồ và bài của Ngô Minh viết về vở ca kịch Huế “Hồ Chí Minh - Hồi ức mầu đỏ” trình diễn tại rạp Hưng Đạo ngày 2/11/2010 mà nhiều người đã biết.

Câu chuyện ít người biết hơn là việc dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập mà tác giả Thảo Vi ghi theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Đang, nhà báo từng ngồi tù thời Pháp thuộc, năm 1943 là Ủy viên ban chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc. Ngày 28/8, ông được Hồ Chí Minh mời đến giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ.

“… Đó là lần đầu tiên được gặp mặt Cụ. Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ áo quần chàm, tay chống lên ba toong… Như vậy chỉ còn có 4 ngày nữa thôi… Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó, vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ”… Lúc đó, không chỉ ông Đang “chỉ có hai bàn tay trắng”, mà Chính phủ lâm thời cũng gần như “trắng tay”, tổ chức một Đại lễ quả là “khó khăn như núi”. Vậy là nhờ có 2 “bảo bối” mà Đại lễ đã thành công mỹ mãn.

“Bảo bối” thứ nhất là khi ông Đang xin Cụ Hồ trao cho quyền huy động tất cả nhân tài vật lực cho tổ chức buổi lễ, Cụ Hồ nói ngay: “Được, tôi trao cho chú cái quyền đó…”. Có quyền, nhưng không biết cách huy động cũng khó thành công nên phải có “bảo bối” thứ hai mà ngày nay gọi là “sức mạnh thông tin”. Ông Đang thảo một thông cáo ngắn đăng lên trang nhất, chữ đậm trên tất cả báo hàng ngày: “… Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí tri phố Hàng Quạt… Sáng hôm sau, đồng bào tập hợp trong ngoài chật kín Hội quán. Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận. “Biết bao anh hùng, liệt sĩ góp xương máu cho nền Độc lập, đâu có lấy giấy biên nhận”, họ nói vậy…”. Việc đầu tiên phải lo là dựng một Lễ đài Độc lập, thật lớn, uy nghi…, cần phải có người chuyên môn tài giỏi. Ngay lập tức, “một người trạc ngoài ba mươi tuổi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng bước ra, nói: “Tôi là họa sĩ Lê Văn Đệ (họa sĩ sang La Mã, được phong Họa sư, được chính Giáo hoàng Pie XI giao cho trang hoàng điện Vatican). Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Trưa nay, tôi sẽ mang bản phác thảo lễ đài đến...”.  Tiếp theo là kiến trúc sư danh tiếng Ngô Huy Quỳnh (sau này là Thứ trưởng Bộ Xây dựng...).

Bác Hồ ở hang Pác Pó. (Tranh của họa sĩ Trịnh Phòng)

Đúng ra phải nói còn nhờ “bảo bối” thứ 3, là uy danh của Cụ Hồ và lòng yêu nước của nhân dân ta mới có sức tập hợp hiệu quả thần tốc như vậy, nhưng đó là điều rõ ràng, ai cũng biết rồi.

Những kỷ niệm ấm lòng, những lời lẽ tốt đẹp nhất đối với Hồ Chí Minh khó kể hết, từ những tên tuổi, như Huy Cận, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyên Hồng, Hồ Phương, Thuận Yến… cho đến lớp trẻ hơn như Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thụy Kha…; chỉ xin ghi lại thêm câu chuyện cũng vào một ngày đầu tháng 9 đặc biệt qua lời kể của nhà văn Bùi Huy Phồn: “…Giờ làm việc đã hết. Chúng tôi vẫn còn quây quần bên chiếc bàn tòa soạn Tạp chí Tác phẩm Mới ở trụ sở Hội Nhà văn để chờ đón thêm những tin tức về bệnh tình của Hồ Chủ tịch. Chợt thấy anh Nguyễn Công Hoan đi ngang qua. Chúng tôi hầu như hỏi cùng một lúc: “Thế nào, anh?”. Không trả lời chúng tôi, anh đưa tay bưng mặt, gục xuống thành bàn, khóc nức nở, rũ rượi, tiếng khóc mà riêng tôi, biết nhau từ mấy chục năm trời, chưa bao giờ tôi thấy ở Nguyễn Công  Hoan cả…”.

***

Trong khi tập 4 (“Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ Việt Nam”) - hẳn là chưa sưu tập đầy đủ - chỉ có 71 bài viết thì tập 3 với phụ đề “Hồ Chí Minh trong trái tim văn nghệ sĩ thế giới” gồm 126 bài. Cũng thật đặc biệt, không chỉ các nhà báo, nhà văn ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, như Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Cu Ba… nồng nhiệt ca ngợi Hồ Chí Minh, mà rất nhiều văn nghệ sĩ lừng danh ở thế giới phương Tây cũng dành sự kính trọng, yêu mến đối với Hồ Chí Minh.

Từ cuộc tiếp xúc đầu tiên với “Vua hề Sác-lô” ngay khi Hồ Chí Minh còn là “anh Ba” , theo lời kể của con gái tài tử nổi tiếng người Anh Charlie Charplin (tức “Vua hề Sác-lô”) thì sau đó, hai người còn gặp nhau nhiều lần: “Cha tôi nhiều lần kể cho chúng tôi nghe về những cuộc gặp gỡ này và lần nào cũng tỏ ra sung sướng thực sự khi nhớ lại ông Hồ Chí Minh, vì đó là người mà ông rất yêu quý”.

Tình bạn giữa Hồ Chí Minh và danh họa Tây Ban Nha Pablô Picatxô (P. Picasso) kéo dài tới mấy chục năm. Năm 1946, khi sang Pháp dự hòa đàm, Hồ Chí Minh đã đến thăm Picasso. Sau khi đưa Hồ Chí Minh xem xưởng họa, Picasso muốn nghe “lời khuyên” và Người đã nói: “Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về Picasso chỉ là nét viền chung quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi, một người am hiểu về hội họa quá ít…”. Thật không ngờ, nhà danh họa đã vui vẻ nói: “Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria, anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu… Ngày ấy, tôi nói với Henri Barbusse(*): “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong…”. Năm 1961, nhân dịp Picasso tròn 60 tuổi, Hồ Chí Minh đã viết thư bằng tiếng Pháp mừng ông: “…Đồng chí Picasso thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với hòa bình và Nhân loại… Con chim hòa bình do Picasso vẽ rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam…”.

Cũng như với văn nghệ sĩ Việt Nam, không thể kể hết tình cảm tốt đẹp của văn nghệ sĩ thế giới đã dành cho Hồ Chí Minh. Xin kết thúc bài viết này về một đề tài quá bao la bằng ý kiến của nhà thơ Nga (gốc Do Thái) Ôxip Manđenxtam, từ năm 1923, trong cuộc phỏng vấn “có một không hai” với Nguyễn Ái Quốc tại Moscow đã kết luận: “Qua câu chuyện, tôi thấy Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hóa, không phải thứ văn hóa châu Âu mà có lẽ đó là văn hóa của tương lai…”.

Gần một thế kỷ đã qua từ ngày đó. Có thể nói, nhà thơ đã tiên tri, đồng thời chứng tỏ Hồ Chí Minh từ thời trẻ đã biểu hiện một khí chất và sức hấp dẫn phi thường…

(*) Nhà văn Pháp nổi tiếng, từng chủ trì Đại hội Thế giới chống chiến tranh ở Amsterdam năm 1932…

Nguyễn Khắc Phê

(Nhân đọc bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” – NXB Hội Nhà văn)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Điển hình về học và làm theo Bác

Chi hội Nông dân (HND) tổ dân phố (TDP) Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền là một trong những điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các hội viên trong Chi HND TDP Thạch Bình đã từng bước khẳng định mình; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Điển hình về học và làm theo Bác
Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Return to top