ClockThứ Tư, 11/08/2010 16:28

Hồ nơi phố mới

TTH - Phố mới khang trang và hiện đại. Khoảnh đất rộng giao nhau giữa những con đường mới ở Huế, hình thành nên hồ bán nguyệt. Một bãi cỏ xanh rộng thoáng được các nhà thiết kế để dành lại. Có cả những cây xanh nữa. Những hoàng hôn của ngày hè, tôi vẫn thường qua lại. Hồ nơi phố mới này trở thành điểm hội tụ vui. Người già dạo vòng quanh bờ hồ, tìm phút giây thư giãn. Những đôi bạn trẻ ngồi bên nhau trong những phút giây đẹp của tình yêu. Kẻ bán hàng cũng rất thông minh. Cà phê, nước ngọt giải khát và cả những loại bánh trái nữa đều sẵn có. Có điều nó không cần bàn ghế xênh xang...

Tôi đang nói đến một hồ mới hình thành không lâu dọc tuyến 4 tuyến đường mới giao nhau là Nguyễn Thị Minh Khai - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Huyên - Lê Quý Đôn, vùng quy hoạch mới, nơi có nhiều trụ sở cơ quan của tỉnh. Chợt nhớ hôm rồi nghe chuyện. Một kiến trúc sư từ Sài Gòn ra cứ xuýt xoa và nhắc mãi điệp từ nhỏ nhỏ- xinh xinh khi bàn về vẻ đẹp đặc trưng của cảnh quang và kiến trúc Huế. Ừ thì nơi này, hồ nơi phố mới cũng là một mẫu hình nhỏ nhỏ - xinh xinh. Đẹp chứ lỵ!

Ra Hà Nội, tôi vẫn thích lang thang đến những bờ hồ. Đặc sản của Thủ đô là hồ, cả hồ lớn và hồ bé phong phú và đa sắc màu. Có người bảo với tôi, rằng Hà Nội không có biển lại chẳng có sông nên người ta phải đào hồ. Và rồi, Thủ đô đã có những công trình hồ để đời, đi vào sử sách và lòng người. Tôi lại nghĩ, không phải có thủ đô không có sông đi vào lòng phố thị mới cần hồ mà ở Huế ta, có hẳn con sông Hương vắt ngang qua thành phố mà hồ kia vẫn cần.
 

Hồ Tịnh Tâm - ảnh chỉ mang tính minh họa
 
Có điều lạ, cái ao hồ có vẻ dân dã kia lại có lịch sử ra đời gắn liền với Kinh thành Huế. Nhà Huế học người Pháp L. Cadière trong một bài viết đăng trên BAVH đã cho biết trong Kinh thành Huế có đến 33 chiếc ao hồ. Còn theo một nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn thì con số thống kê có được lên đến 43. Huế vẫn có hồ lớn mà vẻ đẹp cùng sự sang trọng, tiếng tăm của nó, chẳng kém gì hồ lớn ở thủ đô, ví như hồ Tịnh Tâm ở Đại Nội hay hồ Thiên An ở phía tây nam Huế được xem là di tích lịch sử và là cảnh quan văn hoá Huế.
 
Khác với sông suối có sẵn trong đất trời, ao hồ chủ yếu là công trình do chính con người tạo ra, bởi thế, nó tồn tại là để phục vụ cho nhu cầu nhiều mặt của người đời. Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hồ trong Kinh thành Huế gắn liền với với các công trình quan trọng của triều Nguyễn, tạo nên không gian đẹp ứng với những nguyên tắc về phong thuỷ, về cảnh quan văn hoá và kiến trúc Huế. Tuy nhiên, trong thực tế, hồ còn làm được nhiều điều hơn thế. Chẳng hạn, đã góp phần cân bằng sinh thái, điều tiết tiêu thoát nước cho Huế, cho Kinh thành xưa và cho cả hôm nay. 
 
Khi mà nhiều lý do, trong đó có sự ích kỷ và tầm nhìn hạn hẹp của con người, không ít ao hồ trong lòng đô thị bị gặm nhấm để rồi thu hẹp dần, thậm chí bị biến mất thì sự xuất hiện của những hồ nơi phố mới kia là sự dũng cảm. Đó cũng là một ý tưởng tuyệt vời. Đô thị hiện đại và phát triển, cho dù là Huế thì rồi đây càng ngày sẽ càng ken dày những công trình xây dựng để trở nên chật chội hơn.
 
Mới hay, sự ra đời của những công trình hồ giữa phố thị đáng quý biết bao. Nó tạo ra những khoảng không thoáng đãng, những điểm nhấn xanh, những điểm đến đẹp dành cho con người cần đến sự lắng dịu và thư giãn cần thiết, rất cần có nơi phố xá chật chội, xênh xang. Chưa kể rất nhiều điều khác nữa mà nếu không có hồ, có khi con người ta phải đối mặt với những hiểm nguy chết người, đặc biệt là ở vùng đất xứ Thần kinh, được mệnh danh là xứ sở của lụt bão này.
 
Đình Nam
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top