ClockThứ Năm, 06/08/2015 22:58

Hỗ trợ “cần câu” chứ không cho “cá”

TTH - 14 năm sống ở Việt Nam, trong đó có 13 năm ở Huế, chị Katayama Emiko hiện là Giám đốc dự án của Tổ chức phi chính phủ Cầu châu Á (BAJ) tại Việt Nam, người đang giúp nông dân Huế có cái nhìn mới, cách làm mới là đưa sản phẩm do mình nuôi trồng đến tay người tiêu dùng bằng hệ thống cửa hàng nông sản đầu tiên ở Huế và trước đó là hàng loạt các hoạt động ý nghĩa khác để giúp người dân vạn đò thay đổi cách nghĩ, nếp sống... Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã gặp và có buổi trò chuyện thú vị cùng chị Emiko.  

Chị Emiko (giữa, không đội nón) hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cho nông dân TP Huế

 

Chào chị, cơ duyên nào đưa chị đến với Việt Nam và Huế?

Trong chuyến thâm nhập thực tế để thực hiện đề tài “xóa đói giảm nghèo cho vùng đô thị”, tôi có dịp đến nhiều nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Đến đây, tôi có cơ duyên gặp gỡ, tìm hiểu và nắm bắt được mục đích, ý nghĩa hoạt động của BAJ. Trở về nước, tôi dễ dàng hoàn thành đề tài, tốt nghiệp cao học và trở thành nhân viên chính thức của BAJ.
Chuyến công tác đầu tiên của tôi là trở lại Việt Nam tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo và hội thảo ở TP Hồ Chí Minh. Tại hội thảo này, sau khi đề xuất hỗ trợ người dân vạn đò của anh Lê Viết Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Bình được thông qua, tôi đến Huế và “ở lỳ” từ đó (2003) cho đến nay (cười).
Và chị bắt đầu bằng những hoạt động nào ở Huế?
Đối tượng mà chúng tôi hỗ trợ là những người dân vạn đò nên tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với trẻ em, phụ nữ sống trên sông nước. Tôi tìm hiểu hoàn cảnh, công việc, cách sống của họ. Một tháng ở đây, tôi nắm được gần như toàn bộ sinh hoạt của người dân. Điều làm chúng tôi trăn trở nhất đó là cha mẹ các em chưa quan tâm đến việc học hành của con cái. Chúng tôi làm cuộc điều tra nhỏ mới hoảng hốt, giật mình là đến hơn 60-70% trẻ em vạn đò lúc đó không được đến trường. Con số buồn này khiến chúng tôi lập tức hành động bằng việc tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra những phân tích, giải pháp làm thay đổi nhận thức của cha mẹ.
Tuy thế, điều đó không hề dễ dàng, bởi hầu như các bậc phụ huynh đều phải bươn chải với cuộc sống, thu nhập không ổn định nên chỉ quan tâm đến việc lo ăn, mặc hàng ngày. Khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được người dân.
Bằng cách nào?
Tôi hướng dẫn cho họ cách tiết kiệm chi tiêu hàng ngày bằng chính nguồn thu nhập của họ. Ví dụ thế này, nếu một ngày cả hai vợ chồng kiếm được 60 ngàn đồng, thì họ cần để dành 10 ngàn đồng để lo cho vài đứa con đi học. Đưa ra con số này, khi chúng tôi đã điều tra khá kỹ về chi phí học tập một năm của học sinh cộng với các chi phí khác, gồm kỵ, chạp, đám cưới, đám ma... rồi chia bình quân cho 365 ngày trong năm. Số tiền này không phải quá lớn nên người dân bắt đầu tiết kiệm bằng việc bỏ ống. Sau một thời gian, những đứa trẻ vạn đò lần lượt đến trường bằng chính nguồn tiền mà bố mẹ tiết kiệm, cộng với sự hỗ trợ ban đầu của dự án.
Ba bốn năm sau đó, bằng cách này, số trẻ em vạn đò đến trường được cải thiện đáng kể, nhất là số trẻ em trong độ tuổi đến lớp đạt hơn 90%.
Nghe qua có vẻ không khó khăn lắm như chị nói để thay đổi ý thức, nhận thức của phụ huynh đối với việc đầu tư cho con cái học hành. Hay BAJ và chị còn có thêm những hoạt động hỗ trợ khác?
Hẳn nhiên rồi, chúng tôi còn song song với nhiều hoạt động khác. Đó là khi tìm hiểu sinh hoạt của người dân vạn đò, chúng tôi thấy không nhà nào có thùng rác. Tất cả đều được ném xuống sông. À, hình như bạn có điều chưa rõ về BAJ. Xin nói thêm là Tổ chức BAJ, ngoài hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật... cải thiện cuộc sống, còn thay đổi nhận thức về môi trường trên tinh thần làm cho môi trường sạch đẹp hơn. Thế nên, chúng tôi phân tích cho người dân thấy được tác hại của hành động ném rác xuống sông và từ bỏ thói quen đó bằng việc mang rác lên bờ. Đối tượng lâu dài mà chúng tôi hướng tới là các em học sinh, thanh thiếu niên. Việc thành lập nhóm, tổ phân loại rác, thu gom rác cho các em là cách bắt đầu hiệu quả để dần thay đổi hành vi của người lớn.
Chúng tôi hướng dẫn các em cách phân loại rác để các em học được cách tiết kiệm, kiếm thêm thu nhập từ rác thải. Với các loại rác thải bằng chai, lọ, nhựa... được thu gom riêng để bán ve chai, kiếm thêm thu nhập cho các em trang trải học hành và hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Rác hữu cơ được tập hợp cho người dân làm phân bón cho cây trồng.
Nhưng Phú Bình là phường nội đô, đất nông nghiệp không có, làm sao xử lý hết rác thải hữu cơ?
Bạn nói đúng, vì thế nên chúng tôi cùng với các nhóm, tổ thu gom rác bàn bạc, liên hệ với các phường để cung cấp rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng. Hương Long là phường đầu tiên tiếp nhận rác thải này khi chúng tôi đặt vấn đề vận chuyển rác thải đến. Tất nhiên là chúng tôi cũng hướng dẫn phương pháp làm phân bón hữu cơ từ rác thải cho cả các em và người dân để sử dụng trong nông nghiệp. Ý tưởng này là cầu nối tiếp theo để chúng tôi tiếp tục triển khai dự án mới đó là hỗ trợ hầm khí biogas để người dân nuôi lợn, gà, trồng rau theo phương pháp mới, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và cách tiêu thụ sản phẩm bằng hệ thống cửa hàng nông sản mà cửa hàng ở số 44 đường Hai Bà Trưng (Huế) là mô hình đầu tiên khá thành công cho chuỗi các mô hình chuẩn bị triển khai sắp tới.
Qua các hoạt động, có vẻ như BAJ không hỗ trợ nhiều về kinh phí mà chủ yếu là kỹ thuật, phương pháp...?
Phương châm hoạt động của chúng tôi là cho “cần câu” chứ không cho “cá”. Điều bạn hỏi cũng là thắc mắc của không ít người. Khi chúng tôi đến Việt Nam và cả đến Huế, một số người nói, người Nhật giàu, chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều tiền cho Việt Nam. Thế nhưng, qua quá trình làm việc, hoạt động, chúng tôi đã thay đổi được suy nghĩ đó. Tất cả các hoạt động của chúng tôi đều trên tinh thần tạo sự tương tác, cộng hưởng từ người dân. Với bất kỳ giai đoạn, công đoạn nào của các dự án, chúng tôi cũng yêu cầu người dân cùng tham gia, chúng tôi chỉ hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương án còn cách triển khai sẽ do chính người dân thực hiện. Như việc hỗ trợ nông dân các phường Thủy Biều, Hương Long, Thủy Xuân triển khai dự án trồng rau, nuôi lợn, gà theo hướng an toàn, chúng tôi chỉ tập huấn phương pháp, hỗ trợ hầm khí biogas ban đầu. Kể cả việc đầu tư xây dựng cửa hàng cũng một phần kinh phí từ nông dân, từ nguồn thu nông sản...
Và phương pháp đó đã được kiểm chứng?
Sau mỗi dự án, chúng tôi đều có đánh giá, báo cáo kết quả. Bạn thấy đó, thực tế trẻ em vạn đò đã đến lớp nhiều hơn trước và mô hình nhóm, tổ học tập thu gom rác vẫn phát huy hiệu quả. Còn mô hình chăn nuôi, sản xuất an toàn cũng đang được mở rộng. Sắp tới chúng tôi còn triển khai ở nhiều địa phương khác. Chắc chắn là mở rộng ra trên địa bàn tỉnh chứ không chỉ gói gọn trên địa bàn TP Huế.
Về dự định sắp tới, chị và BAJ sẽ còn có những hoạt động hỗ trợ nào cho Huế?
Như vừa nêu, chúng tôi còn tiếp tục dự án ở Huế và một số địa phương khác của tỉnh. Điều chúng tôi hướng tới là tạo cho nông dân thói quen, phương pháp trồng trọt chăn nuôi mới để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chúng tôi thấy rằng, Huế có khá nhiều nơi giữ được thói quen canh tác, trồng trọt tốt, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Người Huế còn giữ cách phân biệt vị rau và ưa chuộng rau an toàn. Nên chúng tôi hướng tới tạo ra sản phẩm an toàn từ chính nhận thức của người nông dân chứ không phải theo đơn đặt hàng. Từ một vài hộ sẽ nhân rộng lên toàn tỉnh là tham vọng mà chúng tôi hướng đến.
Xin cảm ơn chị!

 

Tâm Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long

Nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu, An ninh nội địa Công an Nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2024), Đoàn Thanh niên Phòng Tham mưu, Đoàn Thanh niên Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở.

Hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Hạ Long
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Huy động nguồn lực xóa nhà tạm

Sáng 13/4, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025 (phong trào).

Huy động nguồn lực xóa nhà tạm
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Return to top