ClockThứ Tư, 08/02/2017 06:01

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể

TTH - Hội Nông dân (HND) các cấp tham gia hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp, nông thôn, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Nông dân tham gia THT sản xuất tăm hương

Nhiều mô hình tiền tỷ

Một thời gian dài, dầu tràm Lộc Thủy, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm chưa có thương hiệu, nhiều sản phẩm nơi khác mạo danh, pha trộn là trở lực lớn trong quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD). HND xã Lộc Thủy đã tư vấn và chủ động triển khai hồ sơ, thủ tục, đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy. Sản phẩm dầu tràm được Trung ương HND Việt Nam công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Khi đã có thương hiệu, HND hỗ trợ, tập hợp bà con thành lập HTX dầu tràm.

Ông Trương Viết Du, Chủ tịch HND xã Lộc Thủy đánh giá: “Sự hỗ trợ của HND đã tác động tích cực, hiệu quả đến hoạt động SXKD dầu tràm Lộc Thủy. HTX dầu tràm ở Lộc Thủy thu hút 80 hộ với trên 100 lao động tham gia. Có 3 hộ thoát nghèo bền vững, còn lại đời sống, kinh tế đều khá giả, thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 3,5 triệu đồng/tháng nhờ tham gia SXKD dầu tràm”.

Cũng tại huyện Phú Lộc, HND xã Lộc Tiến hỗ trợ nông dân thành lập tổ hợp tác (THT) du lịch sinh thái. HND vận động hội viên góp vốn xây dựng khu du lịch Suối Voi, mở rộng quy mô bến bãi, nhà nghỉ, hàng quán. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Lộc Tiến đầu tư xây dựng đường vào khu du lịch Suối Voi với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các lớp tập huấn nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho hội viên  được quan  tâm.

Ông Phan Ninh, Chủ tịch HND xã Lộc Tiến thông tin, từ khi thành lập THT, hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch bài bản, hiệu quả hơn. Lượng khách đến với Suối Voi hằng năm từ 4.000-6.000 lượt, tổng doanh thu đạt từ 3,5-4 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 24 hộ với thu nhập từ 150-220 triệu đồng/năm/hộ và 120 hội viên có thu nhập mỗi hội viên 3-4 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết: Nhiều mô hình KTTT thu hút đông đảo hội viên nông dân  tham gia cho thấy tính liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa hội viên ngày càng được phát huy. Điển hình như mô hình sản xuất tăm hương ở xã Dương Hòa (TX .Hương Thủy) thu hút 23 hộ tham gia. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại xã Phú Lương (Phú Vang) với 59 hộ hợp tác sản xuất. Mô hình trồng keo ở xã Sơn Thủy (A Lưới) có 35 thành viên. Hay các mô hình du lịch cộng đồng ở xã Thủy Biều (TP. Huế), đội tàu đoàn kết trên biển ở các xã: Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An (Phú Vang) với hàng chục hộ đến cả trăm hộ tham gia...Hầu hết các mô hình SXKD theo THT đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng trở lên/năm.

Xây dựng, quảng bá thương hiệu

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam đánh giá cao vai trò của các cấp HND trên địa bàn tỉnh trong việc kết nối  giữa nông dân với Tập đoàn Quế Lâm và một số doanh nghiệp liên kết SXKD. Từ đó, các doanh nghiệp, thị trường có được nguồn sản phẩm chất lượng, dồi dào, còn nông dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra.

Tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp tỉnh, Công ty TNHH Liên Việt, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương… đã liên kết với nông dân sản xuất gạo hữu cơ, an toàn và một số mô hình “cánh đồng mẫu lúa liên kết” mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa lớn, được các doanh nghiệp, tổ chức bao tiêu ngay tại đồng ruộng. Quá trình sản xuất, các công ty, tập đoàn hỗ trợ giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật. Nhiều mô hình “cánh đồng mẫu lúa” do hộ nông dân liên kết thực hiện thông qua “dồn điền đổi thửa” mang lại hiệu quả, như sản xuất gạo thơm ở xã Thủy Thanh (TX.Hương Thủy), gạo ngon xã Phong Hiền (Phong Điền). Hay mô hình trồng rau sạch ở Quảng Điền được các siêu thị, HTX liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm...

Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh Trần Văn Lập chia sẻ, các cấp HND tổ chức vận động, hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Bước đầu nông dân đã xây dựng thành công một số thương hiệu thanh trà Thủy Biều, dầu tràm Lộc Thủy, rau má Quảng Thọ, gạo ngon Thủy Thanh... Các cơ sở ngành nghề nông thôn, các trang trại, HTX, THT được các cấp HND hỗ trợ tham gia các hội chợ “Triển lãm thành tựu nông nghiệp, nông thôn” các tỉnh, TP diễn ra tại Ninh Thuận năm 2012; hội chợ “Triển lãm nông nghiệp- thương mại” các tỉnh, TP khu vực Bắc Trung bộ năm 2014; festival “Sản phẩm nông nghiệp và thương mại” các tỉnh, TP khu vực Bắc Trung bộ và Tây Nguyên năm 2015; mới đây là hội chợ “Triển lãm nông nghiệp- thương mại” khu vực Tây Nguyên năm 2016. Đây là cơ hội giúp HVND quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

5 năm qua, các cấp HND đã tổ chức 9 lớp đào tạo cho 360 cán bộ HND các cấp về mô hình HTX và các nội dung liên quan KTTT. HND tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn cho 100 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, kế toán, kiểm soát viên HTX về mô hình, hoạt động của KTTT. Các cấp HND tổ chức 223 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật HTX năm 2012 cho hơn 11 ngàn HVND có tham gia HTX, THT. 3 năm trở lại đây, các cấp HND đã hỗ trợ HVND thành lập 466 mô hình kinh tế hợp tác, KTTT, trong đó có 115 THT, liên đoàn, nghiệp đoàn...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Return to top