ClockThứ Năm, 31/12/2015 14:31

Hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp chưa mặn mà

TTH - Việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) thay thế dần hóa đơn giấy là xu hướng mới, nhằm tiết giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan thuế trong việc quản lý, lưu trữ. Song, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm sử dụng.

Ngoài triển khai thu tiền nước tại quầy, HueWACO còn triển khai HĐĐT

Tiện ích

Là doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai HĐĐT, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế khá thuận lợi trong việc lưu các hóa đơn cũng như tiết kiệm khá nhiều chi phí in ấn, lưu trữ. Với hơn 269.000 khách hàng hiện nay, nếu bình quân mỗi tháng phải in hóa đơn cho mỗi khách hàng, chi phí tính ra không hề nhỏ. Ban đầu, tuy còn nhiều khách hàng chưa quen với việc sử dụng hóa đơn này, song dần dần HĐĐT sẽ được chấp nhận.

Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho hay, khi cần tra cứu hóa đơn, khách hàng chỉ cần vào trang web của công ty, gõ mã khách hàng là có thể in hóa đơn để kiểm tra, đối chiếu với biên lai thu tiền. Việc này giúp khách hàng không lo rách, mất hóa đơn và lúc nào cần cũng có thể tự in hóa đơn, đồng thời dễ dàng kiểm tra hóa đơn nhiều tháng trước.

Hóa đơn xác thực có tính pháp lý cao hơn và tránh làm giả

Từ tháng 7/2015, Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế cũng đang triển khai sử dụng HĐĐT trong thanh toán tiền nước song song cùng việc triển khai thu tiền nước tại quầy. Theo ông Trương Công Hân, Phó Giám đốc Công ty hiện 100% khách hàng đều sử dụng HĐĐT trong thanh toán tiền nước. Doanh nghiệp này chia sẻ, lượng khách hàng khá lớn và không ngừng tăng lên qua các năm, khi triển khai đưa nước về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, việc sử dụng HĐĐT ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nước, còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giúp việc lưu trữ hóa đơn dễ dàng, thay vì sau một thời gian phải xử lý lượng hóa đơn cũ chất đầy kho.

Cũng theo ông Trương Công Hân, Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế là doanh nghiệp đi đầu trong ngành cấp nước Việt Nam triển khai HĐĐT và hiện đang chuyển giao mô hình này cho một số công ty cấp nước khác như Vũng Tàu, Đồng Nai, Hải Phòng.

Lĩnh vực viễn thông, ngoài doanh nghiệp FPT đã thực hiện, Viễn thông Thừa Thiên Huế đang hoàn tất các thủ tục, thiết bị, công nghệ cần thiết để triển khai HĐĐT.

Cần tuyên truyền, vận động

Ông Đinh Văn Phú, Phó Trưởng phòng Hành Chính - Quản trị - Tài vụ - Ấn chỉ Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho hay, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 4 doanh nghiệp đã và đang triển khai HĐĐT. Những doanh nghiệp khác, dù đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, vận động, khuyến khích song vẫn chưa có chuyển biến.

“Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định bắt buộc sử dụng HĐĐT mà mới chỉ khuyến khích nên doanh nghiệp chưa mặn mà. Lý do khác nữa là phần mềm để triển khai HĐĐT hiện nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận, đầu tư, nâng cấp, bởi đa số doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc, kết nối công nghệ thông tin và các phần mềm chuyên dụng chưa được quan tâm”, ông Đinh Văn Phú giải thích nguyên nhân khó triển khai HĐĐT rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp kinh doanh ngành vật liệu xây dựng cho rằng, HĐĐT chỉ phù hợp với những doanh nghiệp kinh doanh phi hàng hóa, vật chất. Với những doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cần hóa đơn bằng giấy để đối chiếu khi giao hàng và phục vụ việc kiểm tra trong quá trình vận chuyển. “Không thể có chuyện khi bị cơ quan chức năng dừng xe cần xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng thì phải vào mạng để in ra. Do đó, HĐĐT chỉ phù hợp với một số lĩnh vực kinh doanh”, vị này nói.

 Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho rằng, điều doanh nghiệp nói cũng là thực tế hiện nay. Song, trong xu thế hội nhập, nhất là khi Việt Nam gia nhập TPP thì việc sử dụng HĐĐT là tất yếu. Ngoài HĐĐT thông thường, sắp tới, ngành thuế sẽ còn áp dụng hóa đơn xác thực. Với loại hóa đơn này, khi thực hiện giao dịch, hệ thống sẽ hiển thị thông tin ở phần mềm quản lý của ngành thuế, do đó, tính xác thực cao hơn, người dân, doanh nghiệp yên tâm bởi không lo hóa đơn giả hoặc trùng lặp. Tuy nhiên, hiện mới chỉ triển khai thí điểm lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với trên 400 doanh nghiệp, sau đó mới tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng mô hình trong cả nước. Hiện, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị  đầu tư các phần mềm cần thiết để khi có chủ trương sẽ triển khai hóa đơn xác thực với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền trong lĩnh vực ăn uống:
Tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh

Cùng với thúc đẩy việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán trong lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế còn tập trung đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với cơ sở ăn uống, tạo cú hích trong thúc đẩy hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho các lĩnh vực khác.

Tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh
Khởi tố 4 phụ nữ mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính

Sáng 5/3, tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết, đơn vị vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đối với Nguyễn Thị Nhung, Phạm Thùy Dung, Châu Thị Hoài, Lê Thị Ngọc Anh.

Khởi tố 4 phụ nữ mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính
Chạy đua triển khai hóa đơn xăng dầu:
Không sợ khó, chỉ sợ không công bằng - Bài 2: Tạo thói quen mua hàng lấy hóa đơn

Khó khăn là điều không tránh khỏi khi thực hiện một chính sách mới, song các doanh nghiệp xăng dầu đang nhận được sự đồng hành rất lớn từ chính quyền cũng như các đơn vị cung ứng giải pháp trong thực hiện chuyển đổi từ xuất hóa đơn một lần trong ngày sang xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế theo từng lần bán.

Không sợ khó, chỉ sợ không công bằng - Bài 2 Tạo thói quen mua hàng lấy hóa đơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top