ClockThứ Năm, 01/12/2016 13:51

Hoạch định nguồn lực cho một thiết chế

TTH - Theo chủ trương của UBND tỉnh, Đề án hình thành trục không gian văn hóa Huế trên tuyến đường Lê Lợi đã được Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng.

Theo đề án này, bên cạnh các thiết chế đã có như Trung tâm trưng bày các tác phẩm mỹ thuật Phật giáo Huế, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm trưng bày các sản phẩm Nghề truyền thống Huế, Công viên Tứ tượng, khu vực công viên tượng đài cụ Phan Bội Châu, Đài tưởng niệm Thánh tử đạo, sẽ có thêm Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (dời chuyển từ  Phan Bội Châu về 17 Lê Lợi, Bảo tàng Nghề thêu (tại số 1 Phạm Hồng Thái) và Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Việc thực hiện Đề án này sẽ quy tụ các điểm tham quan, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thưởng lãm của người dân cũng như giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa, danh nhân văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật của những tác giả tên tuổi đã được vinh danh trong và ngoài nước.

Bảo tàng Văn hóa Huế sẽ trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Ảnh: Phượng Lê

Việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế (dựa trên Bảo tàng Văn hóa Huế) đáp ứng được sự đồng thuận và mong mỏi đã lâu của những người yêu nghệ thuật, nhất là những người hiểu và có nhiều trăn trở về một nơi chốn xứng đáng với loại hình nghệ thuật này của Huế - nơi được xem là một trong những địa chỉ quan trọng, có nhiều đóng góp cho dòng chảy mỹ thuật Việt Nam suốt từ thời vua Nguyễn (trang trí cung đình, miếu mạo) đến các loại hình mỹ thuật đương đại không chỉ ở tác phẩm mà cả trong đào tạo, với sự trưởng thành của cả một đội ngũ không chỉ cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên...

Ý tưởng và việc manh nha một bảo tàng mỹ thuật cho Huế đã được định hình khá lâu. Tôi nhớ điều này khi gặp lại những bức tranh được treo trong phòng họp của Sở Văn hóa và Thể thao, khi mà ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở đã quyết định trích kinh phí hoạt động hàng năm để có thể đem về những bức tranh được giải, hoặc những tác phẩm được đánh giá cao tại các triển lãm của một số họa sĩ Huế.

Trao đổi về việc đã chuẩn bị lộ trình như thế nào cho việc hình thành bảo tàng, về số lượng tác phẩm và cả việc xây dựng một cơ chế như thế nào trong việc hướng đến có một quỹ tranh chất lượng, cơ hữu cho bảo tàng khi nó đi vào hoạt động, nhất là khi chúng ta không thể chỉ trông chờ vào nguồn tranh (có thể) được hiến, trao tặng; hoặc việc trưng bày, triển lãm chỉ phụ thuộc vào việc giới thiệu sáng tác của các họa sĩ… Điều cơ bản hơn, làm thế nào để có thể chủ động và cạnh tranh được trong việc sưu tập tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi của Huế và hướng đến một hoạt động dài lâu, thật sự là một bảo tàng mỹ thuật của Huế với những tính chất, đặc trưng riêng có trong buổi làm việc gần đây với cán bộ chuyên trách của Sở, câu trả lời mà chúng tôi nhận được (cũng như biết trước) là còn khó. Sở Văn hóa và Thể thao hiện có khoảng 15 tác phẩm hội họa được sưu tầm trong khoảng ngần ấy năm; việc bố trí nguồn cho việc này cũng chưa khả dĩ hơn. Trong khi đó, để sưu tầm tranh, người ta gần như phải tính bằng tiền USD, như tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào chẳng hạn, được định giá ít nhất cũng vào khoảng 20.000 USD. Chúng tôi cũng thấy rõ sự băn khoăn, tiếc nuối khi không đủ lực để giữ tranh của một số họa sĩ Huế ở lại và đã có không ít những tác phẩm này đã thuộc về bộ sưu tập khác ngoài Huế.

Hẳn nhiên là để làm được điều này không thể và không chỉ là việc riêng của ngành Văn hóa. Nhiều ý kiến chia sẻ với chúng tôi khi đề cập đến vấn đề này là không đến nỗi phải quá lo lắng ở những khởi động đầu tiên. Huế vẫn còn là nơi để các họa sĩ trao tặng, gửi gắm đứa con tinh thần của mình, kể cả những người sống xa Huế. Bảo tàng trong lòng thành phố sẽ là nơi có thể hội tụ nhiều hoạt động mỹ thuật khác nhau thông qua hoạt động thường xuyên của bảo tàng, thông qua các festival mỹ thuật ở nhiều cấp độ và quy mô; thông qua nhiều nguồn hỗ trợ, đóng góp bằng phương thức xã hội hóa khác… nhưng dẫu sao thì bên cạnh những vấn đề khung như cơ sở hạ tầng, nhân lực, cơ chế, việc định lượng và duy trì một hướng hoạt động và khai thác dài hơi, lâu dài và hiệu quả để tạo quỹ tác phẩm ở nhiều loại hình mỹ thuật khác nhau (chứ không riêng tác phẩm hội họa) cũng là điều cần được hoạch định để có hướng chuẩn bị và vận hành khi thiết chế này đã được xác định trong một không gian văn hóa.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang đô thị

Phát triển hạ tầng đô thị là một trong 5 chương trình trọng điểm của thị xã Hương Trà. Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, chương trình này đang được các cấp, ngành, địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang đô thị
Nguồn lực từ cựu sinh viên

Trong quá trình xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, cần tận dụng tối đa các nguồn lực, trong đó có các cựu sinh viên (CSV).

Nguồn lực từ cựu sinh viên
Return to top