ClockThứ Tư, 16/10/2019 07:00

Hoàn thiện mạng lưới chợ truyền thống

TTH - Quy hoạch lại mạng lưới chợ và tập trung kêu gọi đầu tư để chuyển đổi mô hình quản lý (CĐMHQL) là giải pháp cấp bách mà UBND TP. Huế đã và đang triển khai nhằm đưa chợ Huế trở thành chợ văn minh thương mại.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước ​

Khu vực chợ cá chợ Bến Ngự xuống cấp, nhếch nhác

Xuống cấp

Hình thành từ sau giải phóng miền Nam 1975 với quy mô nhỏ, đến năm 1999, chợ Bến Ngự được UBND TP. Huế đầu tư xây dựng và trở thành trung tâm mua sắm sầm uất phục vụ nhu cầu của người dân khu vực phía tây thành phố cũng như khách du lịch. Chợ có diện tích 3.200m2, bao gồm 380 lô chính, 30 lô rong bạ, trong đó mỗi lô có diện tích từ 1- 7,5m2.

Qua 20 năm hoạt động với lưu lượng tiểu thương và khách đến chợ khá đông, trên dưới 1.000 người/ngày, trong khi thiếu kinh phí sửa chữa, cải tạo, chợ ngày càng xuống cấp, nhếch nhác. Mặt khác, do diện tích hẹp, số hộ kinh doanh đông, hàng hóa nhiều trong khi hệ thống PCCC chưa được đầu tư đồng bộ nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Chị Nguyễn Thị Gái, kinh doanh gần 20 năm tại chợ Bến Ngự chia sẻ, chợ là ngôi nhà thứ 2, là nơi tiểu thương gắn bó hơn 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày nên luôn mong muốn được đầu tư nâng cấp, sửa sang để tiểu thương yên tâm mua bán. Nghe thông tin sắp tới sẽ CĐMHQL, thành phố giao cho nhà đầu tư để xây dựng lại chợ khang trang và rộng rãi hơn, tiểu thương rất mừng.

“Điều chúng tôi lo lắng là sau khi CĐMHQL từ nhà nước sang doanh nghiệp, giá thuê lô liệu có tăng cao và quyền lợi của tiểu thương có đảm bảo như trước”, bà Gái băn khoăn.  

Trưởng ban quản lý chợ Bến Ngự,  bà Trần Thị Thúy Hà cho rằng, thực hiện chủ trương của tỉnh về CĐMHQL, chúng tôi luôn tuân thủ và tuyên truyền, vận động tiểu thương. Do chợ lâu ngày không được bố trí kinh phí để nâng cấp, cải tạo, hiện cơ sở hạ tầng xuống cấp, hệ thống điện quá cũ không đảm bảo an toàn; nếu thực hiện việc chuyển đổi thì nên triển khai sớm.

Bà Hà cho biết, hiện khu vực chợ cá xuống cấp và nhếch nhác luôn trong tình trạng ngập nước, ban quản lý đã xây dựng phương án sửa chữa với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng, đồng thời cải tạo nhà vệ sinh trên 100 triệu đồng, song do thành phố đang xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư CĐMHQL, chỉ bố trí trên 100 triệu đồng để cải tạo nhà vệ sinh nên ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương.  

Tại các chợ Trường An, An Hòa, Vỹ Dạ…, do không có kinh phí đầu tư cải tạo nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, các thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh mua bán của tiểu thương cũng như người dân đến chợ.

Chị Trần Thị Hoa, tiểu thương chợ Trường An cho rằng, bên trong chợ xuống cấp, các lô hàng nằm san sát nhau đi lại khó nên khách ngại vào, trong khi bên ngoài chợ thì hàng rong, hàng xén bày bán tràn lan nên bán buôn ngày càng ế ẩm. 

Chuyển đổi mô hình quản lý

Theo quy định, hiện nhà nước không đầu tư kinh phí xây mới và cải tạo chợ nhằm từng bước thực hiện CĐMHQL, đồng thời các địa phương tăng cường công tác kêu gọi đầu tư để thực hiện mục tiêu xã hội hóa trong đầu tư, quản lý chợ.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trần Song thông tin, theo chủ trương của UBND tỉnh, giai đoạn 2019 - 2020, thành phố xây dựng phương án kêu gọi đầu tư triển khai CĐMHQL chợ nhằm thực hiện lộ trình tái đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đảm bảo tính văn minh thương mại. Trước mắt, sẽ thực hiện việc di dời chợ Cống (Xuân Phú) vì quỹ đất bị thu hẹp do dự án mở rộng cầu Vỹ Dạ và đường Bà Triệu, đồng thời CĐMHQL đối với chợ Bến Ngự (thuộc phường Vĩnh Ninh) và chợ An Hòa (thuộc phường An Hòa).

Theo ông Song, trước đây, Nhà nước xây dựng hệ thống chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu kinh tế vùng, qua thời gian, số lượng dân cư phát triển nhanh, lưu lượng người tham gia kinh doanh nhiều nên một số chợ không đảm bảo về diện tích, không trang bị đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh, khuôn viên dẫn đến quá tải. Vì vậy, CĐMHQL để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế chợ truyền thống là nhu cầu cấp bách và cần thiết để hoàn thiện hệ thống chợ, đồng thời phát triển theo đúng quy hoạch, tiêu chí chung.

Hiện, có nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng phương án đầu tư, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ CĐMHQL cho 3 chợ nói trên, sau khi phát huy hiệu quả, thành phố tiếp tục xây dựng phương án để chuyển đổi các chợ còn lại.

Sở Công thương thông tin, các chợ trên địa bàn tỉnh sau khi CĐMHQL từng bước đưa hoạt động chợ đi vào nề nếp, thu hút thêm nhiều lao động vào kinh doanh và làm dịch vụ, đồng thời đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường.

Hiện trên địa bàn TP. Huế có 1 chợ đầu mối và 24 chợ truyền thống với tổng diện tích gần 100 ngàn m2 với gần 8 ngàn hộ kinh doanh cố định, trong đó có 4 chợ loại I, 6 chợ loại II và 15 chợ loại III. Trong số 25 chợ có 20 chợ tập trung ở khu vực thành thị và 5 chợ vùng ven; 17 chợ được xây dựng kiên cố và 8 chợ bán kiên cố và chỉ có 1 chợ là chợ đầu mối Phú Hậu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp quản lý.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Khi chợ Đông Ba có cả tên đường

Chợ Đông Ba đã có một bước tiến chưa từng có trong lịch sử hơn 120 năm của mình với việc lần đầu tiên có tên đường.

Khi chợ Đông Ba có cả tên đường
Return to top