ClockChủ Nhật, 07/02/2016 14:54

Học giả Nguyễn Duy Chính và bộ biên khảo đồ sộ về nhà Tây Sơn

TTH - Tôi biết tên Nguyễn Duy Chính cũng hơn chục năm nay, khi đọc những bài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của anh in trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế. Về sau thì biết thêm, anh còn là dịch giả xuất sắc nhiều tiểu thuyết võ hiệp lừng danh của Kim Dung và là tác giả nhiều biên khảo có giá trị về văn hóa, lịch sử Trung Quốc xuất bản ở Việt Nam và Hoa Kỳ.

Mến mộ Nguyễn Duy Chính tôi quyết tìm cho được địa chỉ e-mail của anh để liên lạc. Từ đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi, thảo luận những vấn đề sử học cùng quan tâm. Tháng 4/2013, trong chuyến sang Mỹ làm phim tư liệu Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời (do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh sản xuất) tôi có dịp gặp gỡ Nguyễn Duy Chính ở Santa Ana (California). Anh mời tôi đến nhà uống trà, trao đổi chuyện nghiên cứu sử học, rồi tặng cho tôi hai tập bản thảo Thanh - Việt nghị hòa. Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung và Việt - Thanh chiến dịch mà anh vừa biên soạn hoàn chỉnh.

Tác giả và học giả Nguyễn Duy Chính (bên phải) tại Santa Ana năm 2015

Tôi đón nhận món quà quý của anh và say mê đọc. Đây là những công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có nhiều sử liệu mới mẻ, với những phân tích xác đáng và khách quan về quá trình chuẩn bị chiến tranh xâm lược Đại Việt của triều đình Mãn Thanh, về diễn biến cuộc chiến và sự thất bại nặng nề của quân Thanh trước cuộc phản công chớp nhoáng của quân Tây Sơn do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo, đặc biệt là những câu chuyện hậu trường trong quá trình đàm phán để “bình thường hóa quan hệ” giữa Đại Thanh và Đại Việt sau khi cuộc chiến kết thúc. Hai biên khảo này “trưng ra” nhiều tư liệu quý, khai thác từ kho sử liệu gốc của nhà Thanh, có đối chiếu và kiểm chứng với sử liệu Việt Nam, nên những phản ánh, nhận định trong hai biên khảo này của Nguyễn Duy Chính rất khác so với những thông tin, sử liệu mà tôi được tiếp nhận từ trước đến nay. Sau khi về Việt Nam, tôi  giới thiệu hai bản thảo này Nxb Văn hóa - Văn nghệ ở TP Hồ Chí Minh, với mong mỏi Nxb Văn hóa - Văn nghệ sẽ cho xuất bản hai biên khảo giá trị này.

Nguyện vọng của tôi được đáp ứng. Sau quá trình thẩm định công phu, cùng với sự bổ sung, điều chỉnh và cập nhật tư liệu liên tục từ phía Nguyễn Duy Chính, vào tháng 9/2015 cuốn sách Thanh - Việt nghị hòa. Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung chính thức ra mắt độc giả Việt Nam. Cuốn Việt - Thanh chiến dịch cũng đã vào nhà in, dự kiến sẽ xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam vào tháng 1/2016.

Cuối tháng 12/2015, tôi trở lại Santa Ana và gặp lại Nguyễn Duy Chính. Anh lại mời tôi đến nhà để hàn huyên và tặng cho tôi thêm hai bản thảo biên khảo mới, cũng viết về quan hệ Đại Thanh - Tây Sơn thời hậu chiến. Đó là cuốn Phái đoàn Đại Việt và lễ bát tuần khánh thọ của Thanh Cao tông và cuốn Giở lại một nghi án lịch sử ‘giả vương nhập cận’. Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? Kèm theo hai bản thảo này là một chiếc usb, bên trong chứa 4 bản thảo sách như đã đề cập trên đây và hai tập Tiểu luận lịch sử và Tiểu luận văn hóa mà Nguyễn Duy Chính đã dày công nghiên cứu, dịch thuật và biên soạn trong những năm qua.

Tôi dành ba ngày ròng rã đọc gần 2.500 trang bản thảo chứa trong USB, nhưng cũng chỉ đủ thời giờ lướt qua của nội dung chính yếu của sáu công trình khảo cứu công phu này.

Về triều đại Tây Sơn và bang giao Việt - Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, ngoài bốn biên khảo đã đề cập trên đây, Nguyễn Duy Chính còn có nhiều khảo luận đặc sắc khác được tập hợp trong tập Tiểu luận lịch sử như: Tương quan Xiêm - Việt cuối thế kỷ XVIII; Từ chiến dịch Ai Lao đến trận thủy chiến Thị Nại; Quốc ấn từ An Nam quốc vương đến Việt Nam quốc vương; Nghi vấn lịch sử triều Quang Trung: Cầu hôn công chúa nhà Thanh; Lê Duy Kỳ đáng thương hay đáng trách?; Văn hiến chi bang; Khai quan thông thị; Lê Quýnh; Cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Triều Tiên và Ðại Việt ở triều đình nhà Thanh năm Canh Tuất [1790]; Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ… Ngoài ra, còn có bản dịch tựa đề Chiến dịch sau cùng của vua Quang Trung do Nguyễn Duy Chính dịch từ bài nghiên cứu The Lao - Tay Son alliance, 1792 and 1793 của Kennon Breazeale.

Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận một bộ biên khảo đồ sộ, tập trung vào một nhân vật lịch sử đặc biệt của Việt Nam: Nguyễn Huệ - Quang Trung và bối cảnh lịch sử - xã hội đương thời liên quan đến nhân vật này. Những khảo cứu của Nguyễn Duy Chính về Nguyễn Huệ - Quang Trung không tập trung phản ánh những chiến công hiển hách của người “anh hùng áo vải” đất Tây Sơn, mà là những nghiên cứu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XVIII, cùng những nhân vật lịch sử giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh xã hội đương thời.

Dựa vào nguồn tư liệu gốc của triều đình nhà Thanh, Nguyễn Duy Chính có những phân tích xác đáng về thực trạng Trung Quốc lúc bấy giờ; những ẩn khuất đằng sau hành động xâm lược Đại Việt của Thanh triều vào cuối năm 1788 để hứng chịu thất bại nặng nề vào đầu năm 1789; những toan tính và hành động mà nhà Thanh sử dụng trong quá trình tái lập bang giao với Đại Việt sao cho không mất mặt “Thiên triều” nhưng cũng không “chọc giận” Quang Trung thêm một lần nữa.

Nguyễn Duy Chính cũng dựa vào những sử liệu của cả hai bên, đặc biệt là những văn thư trao đổi giữa các đại thần của hai triều cùng những chỉ dụ của Quang Trung và Càn Long để làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến cuộc chiến Thanh - Việt và quá trình nghị hòa sau đó. Anh có những kiến giải và phân tích sâu sắc về tương quan lực lượng của hai bên, khác xa với những thông tin mà chúng ta từng được biết; về chiến lược quân sự táo bạo, hiệu quả và chính sách ngoại giao khôn khéo, cương quyết mà Quang Trung đã sử dụng để đối phó với nhà Thanh, buộc nhà Thanh không chỉ chịu chấp nhận bại trận, mà còn phải hòa hoãn, không động binh trả đũa và phong vương cho Quang Trung, chính thức chấp nhận triều đại Tây Sơn. Đó là những thắng lợi ngoạn mục mà Nguyễn Huệ - Quang Trung và các quan tướng của ông đã giành được trước kẻ thù.

Theo Nguyễn Duy Chính, “Trong tiến trình đàm phán, nhà Thanh đã dàn ra một vở kịch lớn để từ từ xoá đi nỗi nhục bại trận với nhiều tướng lãnh cao cấp tử thương. Vở kịch đó hoàn hảo đến nỗi nhiều sử gia Trung Hoa - cả đại lục lẫn Đài Loan - vẫn nhấn mạnh vào việc nước ta cầu hòa (mà họ gọi là khất hàng) được nhà Thanh chấp thuận mặc dù trên ngôn từ ngoại giao, cầu hòa không đồng nghĩa với khiếp nhược”. Anh nhận định rằng: “Việc phong vương cho vua Quang Trung là một tiến trình cam go không chỉ thu hẹp trong việc nhà Thanh chấp nhận một An Nam Quốc vương mà còn là một cuộc đấu trí để đi đến một ‘win-win solution’ như lối nói ngày nay. Thành quả của đường lối ngoại giao này hoàn toàn không do đút lót cho Phúc Khang An như vài hàng trong sử triều Nguyễn đã ghi chép”. Điều này trái hẳn với những gì chúng ta đã biết khi đọc những công trình nghiên cứu về Quang Trung và nhà Tây Sơn trước đây.

Nguyễn Duy Chính còn làm sáng tỏ nhiều nghi án khác, như: việc Quang Trung cầu hôn công chúa nhà Thanh, về lễ bảo tất hay bảo kiến trong lễ bát tuần khánh thọ Càn Long… Đáng chú ý là anh đã dựa trên nhiều nguồn tư liệu xác thực đương thời để bác bỏ quan điểm cho rằng người cầm đầu phái đoàn Đại Việt sang Trung Hoa mừng thọ Càn Long vào năm 1790 là Quang Trung giả. Theo Nguyễn Duy Chính, đích thân Quang Trung, mà nhà Thanh gọi là Nguyễn Quang Bình, đã sang Bắc Kinh dự lễ bát tuần khánh thọ Càn Long và những luận thuyết về một vị giả vương đóng thế Quang Trung chỉ là do cựu thần nhà Lê và sử gia triều Nguyễn bịa ra để hạ thấp uy danh của vua Quang Trung và triều đình Tây Sơn trong mối quan hệ với triều đình Đại Thanh mà thôi.

Các công trình khảo cứu của Nguyễn Duy Chính về quan hệ giữa Đại Việt với Đại Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, cho thấy dù nước ta là một nước nhỏ, nhưng nếu biết cương, biết nhu đúng lúc và không biết khiếp nhược trước kẻ thù, thì dù kẻ thù có lớn mạnh hơn ta gấp bội, cũng phải kiêng dè và tôn trọng ta.

Nguyễn Duy Chính tốt nghiệp cử nhân rồi thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh; có thêm bằng thạc sĩ về Quản lý hệ thống thông tin và bằng tiến sĩ ngành Quản lý và ứng dụng khoa học máy tính. Một người “ngoại đạo” với sử học nhưng có những công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam sâu sắc, thuyết phục và hấp dẫn; một chuyên gia về Tây Sơn có hạng ở hải ngoại, và có lẽ là ở cả Việt Nam cũng khó có người theo kịp.

Santa Ana, 25/12/2015

Trần Đức Anh Sơn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top