ClockThứ Ba, 16/07/2019 11:45

Học Hà Nội để làm sạch các dòng sông ô nhiễm ở Huế

TTH - Từ ngày 16/5/2019, Hà Nội thí điểm phương án làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor. Sau đó vào ngày 6/6/2019, chuyên gia Nhật Bản công bố kết quả thí điểm, trong vòng hơn 20 ngày, công nghệ này cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi đã giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó.

Ô nhiễm khi chợ gần sôngCá chết trên sông An Cựu sau mưa lớnHồ sinh thái lại bốc mùiQuản lý rác thải trên sông bằng bẫy rác

Sông An Cựu bị ô nhiễm nặng, màu nước ngả đục, không còn trong xanh

Nhiều con sông ở Huế ô nhiễm

Một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp thơ mộng cho Huế là nhờ những dòng sông chảy qua thành phố. Song những năm trở lại đây, do sự thiếu ý thức của một số người dân đổ thải trực tiếp ra môi trường; nhiều cống thải nước sinh hoạt của nhà dân cũng được đấu nối xả thải trực tiếp ra những con sông, có  không ít đơn vị sản xuất, kinh doanh đã thải nước bẩn một cách vô tội vạ xuống sông… khiến hầu hết các con sông Huế đang từng ngày bị ô nhiễm nặng.

Đến bất cứ dòng sông nào ở Huế, từ sông An Cựu, Ngự Hà, Như Ý… cho đến sông Đông Ba, Bạch Yến, Kẻ Vạn… đều thấy rõ đủ các loại rác và nước không trong xanh. Chẳng hạn, sông An Cựu (đoạn từ Cầu An Cựu về đến An Đông) nước đục ngầu và dòng sông dường như không chảy; hay sông Ngự Hà, chảy trong lòng kinh thành Huế, là con sông đẹp nổi tiếng, có tác dụng điều tiết nước, chống ngập lụt của thành phố thời triều Nguyễn, nay chứa đầy bèo, đen ngòm. Sông cũng là nơi... phóng uế và là "túi" đựng rác của nhiều cư dân sinh sống quanh đây…

Nhiều người dân Huế bức xúc: Nếu chính quyền không có biện pháp hữu hiệu thì một lúc nào đó hầu hết các con sông ở Huế đều bị bức tử vì ô nhiễm. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị thành phố mà còn gây ô nhiễm nặng cho người dân.

Một số người dân sống dọc đường Hải Triều, Đặng Văn Ngữ cho hay: Dòng sông An Cựu đẹp và nổi tiếng như vậy nay giống như ao hồ không thoát được nước, sông ô nhiễm, mùa nắng nhiều lúc nghe mùi hôi. Chúng tôi sống dọc sông không thể không chịu ảnh hưởng vì môi trường ô nhiễm như thế.

Nên ứng dụng công nghệ làm sạch như Hà Nội

Sông Tô Lịch - Hà Nội nổi tiếng ô nhiễm, người dân sống ở đây không chịu đựng được mùi hôi nồng nặc bốc lên hàng ngày hàng giờ. Hà Nội đã nhiều lần triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để giải cứu dòng sông này và một trong những biện pháp đó là ứng dụng công nghệ Nano - Bioreactor.

Theo báo cáo của các nhà khoa học, sau khi sử dụng công nghệ này trong vòng 20 ngày nước sông Tô Lịch đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi đã giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó. Theo tính toán, chỉ trong vòng thời gian ngắn nữa thôi, sông Tô Lịch sẽ trong xanh trở lại. Và điều này đã khiến cho người Hà Nội rất vui mừng.

Trở lại vấn đề ở Huế, thời gian qua, tỉnh cũng đã triển khai dự án thoát nước thành phố, trong đó có mục tiêu làm giảm nguy cơ ô nhiễm các dòng sông ở Huế. Tuy nhiên, công việc này hiện nay vẫn đang tiếp tục triển khai do nhiều hạng mục chưa được hoàn thành đúng tiến độ đề ra khiến cho các dòng sông vẫn chưa được cải thiện.

Song song với việc triển khai dự án thoát nước, nên chăng Huế cũng cần học Hà Nội để xử lý các dòng sông ở trung tâm thành phố. Trước mắt, chọn một số dòng sông tiêu biểu và có môi trường nước ô nhiễm nặng như sông An Cựu, sông Ngự Hà, sau đó kêu gọi sự tài trợ của các nước phát triển, có công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường nước tiên tiến do kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp.

Bài, ảnh: Trọng Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

TIN MỚI

Return to top