ClockThứ Bảy, 25/05/2019 06:30

Học kỹ năng phòng ngừa xâm hại qua hoạt động trải nghiệm

TTH - “Giáo dục kỹ năng phòng xâm hại tình dục (XHTD) cho trẻ là nội dung rất cần thiết. Hoạt động trải nghiệm này giúp rèn luyện cho các em kỹ năng biết tự bảo vệ mình chứ không chỉ là những kiến thức chung chung”, thạc sĩ (ThS) Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý & Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho hay.

Giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại thông qua hoạt động trải nghiệmPhòng ngừa xâm hại cho trẻ vị thành niên

TS.Nguyễn Thị Ngọc Bé hướng dẫn học sinh cách thoát khỏi kẻ xấu khi bị cầm tay lôi đi

Hiểu

Sau khi khởi động với trò chơi Yoga cười, ThS.Thúy Hằng giới thiệu với các em học sinh chủ đề đầu tiên - Quyền trẻ em một cách nhẹ nhàng thông qua hoạt động khám phá âm nhạc - cùng nhau hát bài Quyền trẻ em của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Nghe các bạn hát xong, ThS.Thúy Hằng giảng giải: “Trẻ em được quyền sống hạnh phúc, được chăm sóc, được bảo vệ, che chở trước bạo lực nguy hiểm, trước những điều không hay như xâm hại tình dục (XHTD); các em được đi học, được vui chơi, giải trí,... Các em nhớ về quyền của mình chưa nào?”. Tụi nhỏ đồng thanh thật to: “Dạ nhớ!”.

Bước sang chủ đề thứ hai Em yêu và làm chủ bản thân em, học sinh được tham gia trò chơi Nào mình cùng vẽ để nhận diện cơ thể và vùng bất khả xâm phạm. Mỗi học sinh được phát một tờ giấy và được yêu cầu tô vào những vị trí trên cơ thể của bé trai và bé gái mà các em cho là vùng kín. “Qua đây, các em hiểu thế nào là vùng kín và vì sao được gọi là vùng kín rồi chưa? Đi bơi các em có mặc đồ bơi không?”, ThS.Thúy Hằng hỏi. “Vùng kín còn gọi là vùng mặc đồ bơi. Gọi là vùng kín vì đây là vùng không được để lộ ra ngoài đó mấy em. Cơ thể em thuộc về em, không ai có quyền đụng chạm vào cơ thể em đặc biệt là vùng kín, nếu chưa có sự đồng ý của em, các em nhớ nhé!”.

Chuyển sang chủ đề thứ ba, học sinh được trải nghiệm trò chơi Hành quân về đích để nhận diện các các tình huống báo động không an toàn. Ở trò chơi này, học sinh được hướng dẫn cách đi vào những ô an toàn, tránh đi vào những ô nguy hiểm. “Những ô nguy hiểm cũng giống như những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống, các em cần biết để tránh nhé”,  TS. Nguyễn Thị Ngọc Bé, Trung tâm Tư vấn Tâm lý & Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm nói và đưa ra các ví dụ để giải thích cụ thể về 5 tình huống nguy hiểm đáng báo động, đó là: báo động nói, báo động ôm, báo động chạm, báo động một mình, và báo động nhìn. “Nếu một người nào đó chạm vào vùng kín của các em hoặc dụ dỗ các em chạm vào vùng kín của họ thì gọi là báo động chạm. Vậy ai mới có quyền chạm vào vùng kín của chúng ta? Các em cùng bước vào hoạt động tiếp theo nhé”, TS.Ngọc Bé nói.

Thực hành

Ở chủ đề thứ 4  Em hành động để bảo vệ cơ thể em, hoạt động đầu tiên là phòng chống và ứng phó với tình huống xâm hại. Với hoạt động này, các em được các cô khuyến khích mô tả đặc điểm người xấu cần cảnh giác và hướng dẫn cách thức làm thế nào để không bị người xấu lợi dụng xâm hại bản thân như: không nhận quà người lạ, đặc biệt khi không có ba mẹ ở nhà; không ở một mình với người lạ; không để ai bế và hôn mình...

Thích thú nhất với các em là hoạt động thứ hai: Kỹ năng thoát hiểm. Các em được nghe TS.Ngọc Bé hướng dẫn những cách thức đơn giản mà hiệu quả để phòng vệ bản thân, thoát ra khỏi kẻ xấu khi bị kẻ xấu cầm 1 hoặc 2 tay, bị kẻ xấu túm tóc lôi đi… đồng thời được nghe các chuyên gia tâm lý khuyến khích về việc nên chia sẻ với bố mẹ những bí mật vui, buồn của mình để bố mẹ có thể giúp con trong những tình huống cần thiết.

“Con thấy vui khi tham gia buổi học này. Giờ con đã biết không được nhận quà của người lạ, không để người lạ ôm, không được để người lạ đụng vào vùng kín”, Uyên Nhi, học sinh lớp 2/3 hào hứng nói. Theo dõi buổi ngoại khóa từ đầu đến cuối, cô Phan Thị Minh Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 chia sẻ: “Kiến thức về phòng ngừa XHTD là vấn đề không dễ nói và nói sao để các em tiếp thu được là rất khó nhưng với hình thức vừa chơi vừa học này, các kỹ năng phòng ngừa XHTD được chuyên gia tâm lý giới thiệu một cách nhẹ nhàng nên các em rất hào hứng tham gia và dễ tiếp thu”.

Theo cô Phan Thị Thu Sương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Sơ thì đây là lần đầu tiên, Trung tâm Tư vấn Tâm lý & Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Huế phối hợp với trường tổ chức giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại thông qua hoạt động trải nghiệm cho các học sinh khối 1 và 2.  Hy vọng sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức được nhiều hơn nữa những buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích như thế này cho các học sinh khối 3, 4, 5”.

"Mỗi năm, ở Việt Nam có hơn 1.200 trẻ em bị XHTD, mỗi 8 giờ lại có thêm một trẻ bị XHTD. Trong đó, những con số thống kê về đối tượng XHTD trẻ em, độ tuổi trẻ em bị XHTD rất đáng lo ngại: 93% thủ phạm là người quen của nạn nhân, 47% thủ phạm là họ hàng, người trong gia đình; độ tuổi của nạn nhân đang giảm dần, trước là từ 13-18 tuổi, nay có cả những vụ nạn nhân chỉ từ 5-13 tuổi. Khoảng 20% bé gái (1/5) và 8% bé trai (1/12,5) bị XHTD trước 18 tuổi”.

(Số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về nạn XHTD đang diễn ra hằng ngày tại Việt Nam do ThS.Phạm Thị Thúy Hằng cung cấp)

Bài, ảnh: NGỌC HÀ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top