ClockThứ Hai, 22/02/2016 05:46

Học sinh bỏ học sau Tết giảm

TTH - Sau Tết, các trường học thường “mất” học sinh. Đối tượng này thường rơi vào học sinh nghèo và học sinh học yếu. Năm nay, học sinh bỏ học sau Tết không nhiều...

Nhìn từ Phú Lộc

Đến thời điểm này, huyện Phú Lộc có 23 học sinh bỏ học (100% là học sinh THCS), trong đó Trường THCS Lộc Sơn có 3 em đã làm xong hộ chiếu để đi Lào. Hai em Nguyễn Thị Hồng Thắm và Nguyễn Thị Hồng Thuyết, học sinh khối 9 Trường THCS Lộc Trì bỏ học vào Đà Nẵng bán hàng thuê. Đây là chị em ruột, mồ côi cha. Nhiều năm qua, các em là đối tượng được trường ưu tiên dành cho các suất quà, học bổng, miễn các khoản đóng góp… Trước Tết Nguyên đán, Trường THCS Lộc Trì dành cho các em nhiều suất quà do học sinh và giáo viên của trường và của dự án Rồng xanh tặng. Sau Tết, BGH, lãnh đạo địa phương đến tận nhà vận động, nhưng người mẹ dứt khoát buộc hai chị em bỏ học, lý do đã nhận lời người chủ.

Học sinh Trường THCS Lộc Sơn, Phú Lộc trong giờ ngoại khóa (ảnh minh họa)

Phú Lộc là huyện có nhiều thanh thiếu niên bỏ quê đi làm ăn xa nhiều. Việc bỏ học sau mỗi dịp Tết vẫn thường diễn ra. Do đây là thời điểm các thanh niên đi làm ăn xa trở về đoàn tụ với gia đình. Các đối tượng này, dù làm ăn vất vả nơi xa nhưng trở về vào dịp Tết nên bao giờ cũng trưng diện, ăn chơi thoải mái. Điều này gây ngộ nhận rằng không học cao cũng chẳng sao, chỉ cần theo anh chị vào miền Nam hoặc qua Lào là có tiền, nhất là số học sinh học yếu, gia đình khó khăn.

Trong các đối tượng về Tết còn có người được các dịch vụ tìm người thuê hoặc nhờ có chi phí. Nguyễn Thị T. (Vinh Thanh, Phú Vang) bỏ học đi làm giúp việc từ năm 12 tuổi cho biết, chủ nhà của em rỉ tai nói nếu em tìm cho bạn của bà một em gái dưới 14 tuổi vào trông em, T. sẽ được thưởng 4 triệu đồng, bà còn đưa trước cho T. 1 triệu đồng để em lo tiền tàu, xe, ăn uống khi vào cùng bạn. Cũng vậy, Dương Văn N. là một chủ thầu xây dựng ở Lào, dịp nghỉ Tết này dự định tìm thêm mấy thiếu niên để tăng cường lực lượng lao động phụ ở các công trình… Rõ ràng, nguyên nhân chính dẫn tới bỏ học sau Tết không phải do hoàn cảnh gia đình học sinh quá khó khăn, mà chủ yếu do bị cám dỗ một cuộc sống tự lập sớm, tập trung vào đối tượng vị thành viên. Với bé gái làm nghề giúp việc, bé trai qua Lào làm phụ thợ nề, vào Nam làm nghề vặt cho các xưởng may (đơm nút, cắt chỉ…). Ở Phú Vang, sau Tết giảm 21 học sinh (13 em lớp 8; 2 em lớp 9; 4 em lớp 7 và 2 em lớp 6). Trong đó, có 3 em đi Lào lao động, 3 em chuyển trường dạng đoàn tụ gia đình và 16 em nghỉ học đi học nghề.

Áp dụng nhiều biện pháp

Học sinh bỏ học sau Tết không phải là tình trạng của riêng Phú Lộc, Phú Vang… mà của chung toàn tỉnh. Để ngăn chặn tình trạng này, ngay từ trong kế hoạch năm, tất cả các phòng GD&ĐT đã đặt vấn đề bảo vệ sĩ số học sinh vào nhiệm vụ chính để các trường trực thuộc lưu tâm. Trước Tết, các phòng có công văn đến 100% đơn vị yêu cầu các trường điều tra tình hình chung của học sinh để tìm ra các đối tượng có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp với từng học sinh. Ngoài việc nắm rõ đối tượng để phối hợp cùng địa phương khuyên răn, tư vấn đến phụ huynh, các trường còn tổ chức quyên góp từ học sinh, giáo viên. Tận dụng các nguồn kinh phí để tặng quà, trao  học bổng trước Tết Nguyên đán cho những em hoàn cảnh khó khăn. Trước Tết, các “địa chỉ nóng” của huyện Phú Lộc như các xã Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn đã trao tặng 46 suất quà, mỗi suất 400 ngàn đồng hỗ trợ các em khó khăn. Ngoài ra, 100% các đơn vị trường học của huyện đã tổ chức trao quà, học bổng Xuân cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ giúp cải thiện trong dịp Tết mà còn giúp các em có sách, vở, áo quần, đồ dùng học tập để đảm bảo điều kiện đến trường.

Học sinh Trường Phan Đăng Lưu trong giờ học sau Tết

Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng Phòng GD&ĐT A Lưới cho biết, các trường vẫn bảo vệ tốt sĩ số. Được như vậy là nhờ trước đó phòng đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt và tham mưu với UBND huyện chỉ đạo với lãnh đạo các xã tuyên truyền cho phụ huynh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn để các em không bỏ học đi làm ăn xa. Trên cơ sở đó, có sự hỗ trợ kịp thời các em nghèo trong dịp Tết. Ngay sau Tết, phòng tiếp tục chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm đến các gia đình học sinh khó khăn thăm hỏi, động viên học sinh đến trường. Ở Hương Trà, chỉ có biểu hiện nghỉ học cao hơn ngày thường. Qua điều tra, các em bỏ học tạm là số ham chơi, nhiều em theo gia đình đi ăn Tết chưa về. Theo ông Trương Văn Đới, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã, tỷ lệ bỏ học dịp sau Tết để đi làm ăn ở Hương Trà không cao, khả năng không có. Các trường cũng không đánh vắng học sinh trong hai ngày đầu nên không gây tâm lý sợ đến trường, đến ngày thứ ba tỷ lệ đến trường ở Hương Trà trở lại bình thường.

Phong Điền là huyện có địa hình khá phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của huyện, Phòng GD&ĐT Phong Điền nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung nắm tình hình học sinh có nguy cơ bỏ học để phân loại. Từ ngày 15/2,  100% cán bộ giáo viên của huyện có mặt tại nhiệm sở. Ngay ngày đầu tiên sĩ số đến trường đạt từ 95 đến 98%. Số học sinh vắng học đều không thuộc diện khó khăn, không có nguy cơ bỏ học và đến trường ngay sau đó. Trước Tết,  BGH và giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp lãnh đạo địa phương cấp xã, huy động thêm các đoàn thể đến từng nhà có học sinh trong diện có nguy cơ bỏ học để động viên, thăm hỏi và tặng quà nhằm giảm thiểu tình trạng cho con nghỉ học sớm. Phong Điền còn dành số tiền không nhỏ trong 300 triệu đồng từ nguồn huy động đóng góp của cán bộ, giáo viên toàn ngành để hỗ trợ học sinh nghèo từ trước Tết.

Ở Quảng Điền, tổng số học sinh nghỉ học trong các ngày sau Tết không cao. Bậc tiểu học ngày đầu vắng 1,6%, (6040/6143 học sinh), THCS 3,5 % (5257/5450). Lý do chưa đến trường là ốm đau do thời tiết mưa rét  kéo dài, một số ít do ham chơi.

Theo ông Võ Tuyến (Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã Hương Thủy): Đến thời điểm này, các trường học thuộc khối THCS và Tiểu học của thị xã Hương Thủy chưa ghi nhận có trường hợp học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân. Từ khi học sinh đi học trở lại, có một vài trường hợp nghỉ học nhưng đó là do thiếu sự chuyên cần. Ngay khi được giáo viên vận động, các em đã đến lớp trở lại.

Với nhiều biện pháp quyết liệt trước và sau Tết Nguyên đán của ngành giáo dục và đào tạo, tình trạng bỏ học đi làm ăn xa tuy còn rải rác nhưng đã giảm nhiều so với các năm trước. Đó được xem là một tín hiệu vui.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Ngày 6/4, Trường cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Huế tổ chức hội nghị phân luồng giáo dục lần thứ 4, năm 2024. Chương trình được phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn về một số hoạt động giáo dục, hướng nghiệp gắn với mục tiêu việc làm bền vững cho học sinh, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo theo định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh

TIN MỚI

Return to top