ClockThứ Ba, 03/09/2019 19:31

Học trò trường huyện & khát vọng đổi đời

TTH - Trong số 25 học sinh đạt điểm cao, thủ khoa của các khối trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng, có đến 50% là học trò trường huyện.

Các trường sẽ tổ chức dạy bù nếu chậm chương trìnhHiệu quả từ hoạt động ngoài giờVượt núi học nghề

Một tiết học của học sinh Trường THPT Phú Bài. Ảnh: Hữu Phúc

Khát vọng vươn lên

Ngay sau khi có kết quả về kỳ thi THPT Quốc gia 2019, chúng tôi đã có dịp ghé thăm em Thái Thị Như Ý, học sinh lớp 12B2 Trường THPT Phan Đăng Lưu (Phú Vang), một trong hai học sinh có điểm môn văn cao nhất tỉnh (9 điểm). Như Ý quê ở Phong Điền, mồ côi cha, phải xa gia đình để xin vào Nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng (Phú Vang).

Như Ý đăng ký vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, ngành ngôn ngữ Nhật với mong muốn có một việc làm ổn định sau này sớm giúp đỡ mẹ, và vẫn dành tình yêu với văn chương.

Là ngôi trường tuyến huyện có khoảng 20% số học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, thế nhưng, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền) có đến 98,23% học sinh đỗ tốt nghiệp và 70% học sinh có điểm thi vào đại học từ 16 điểm trở lên. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ đậu đại học của học sinh luôn đạt mức từ 60 - 67%.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức ôn luyện cho các em học sinh lớp 12. Sang học kỳ II, nhà trường tổ chức thi thử, thông quả kết quả rà soát lại những em còn yếu để tổ chức học phụ đạo, tập trung ôn lại kiến thức cơ bản theo sát sức học của từng học sinh để có phương pháp dạy phù hợp. Giáo viên dạy ôn tập cho khối 12 là những người giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm.

Giải thưởng cho trò và thầy trường huyện cũng khá thích đáng. Có trường cứ mỗi học sinh đạt giải cao đều được các tổ chức, cá nhân thưởng 5 triệu đồng, có em nhận một lúc hơn 20 triệu đồng. Không ít trường khá "rủng rẻng" khi có nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh, doanh nghiệp khoảng 200 triệu đồng. Ngay khi các em đang ở trong đội tuyển, doanh nghiệp cũng tài trợ để các em có kinh phí bồi dưỡng trong quá trình ôn luyện. Các trường đã huy động được rất nhiều nguồn để hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi giúp các em yên tâm học tập.

Giờ học tại Trường THPT Phú Bài. Ảnh: Hữu Phúc

Thành tích nổi trội

Một thời, việc tham gia và đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên đối với học sinh trường huyện là một thứ xa vời. Đoạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng có nhiều gương mặt xuất sắc đến từ nông thôn, nhưng đa số trước đó các em được tuyển chọn vào học các trường chuyên, lớp chọn của tỉnh. Tuy nhiên, trong số 25 học sinh đạt điểm cao, thủ khoa của các khối trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng, có đến 50% là học trò trường huyện.

Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 ghi nhận nỗ lực vượt bậc từ các trường huyện. Toàn tỉnh có 698 giải thưởng thì 2/3 trong số đó thuộc về các trường huyện. Nổi bật như Phú Vang với 131 giải, tiếp theo là Phú Lộc với 102 giải. Các em không chỉ đoạt giải mà còn đoạt giải cao. Trong số 18 giải nhất của toàn tỉnh, đã có đến 12 giải thuộc về học sinh trường huyện. Cũng đã có nhiều học sinh đến từ các huyện tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế có 113.333 học sinh dự thi. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt mức 90,42%. Đáng ghi nhận trong số những trường có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cao của tỉnh, đã xuất hiện nhiều trường huyện. Ở huyện Phú Vang có đến 3 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 95% là Phan Đăng Lưu, Hà Trung và Nguyễn Sinh Cung, con số mơ ước của nhiều THPT tại Huế. Huyện Quảng Điền có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT là 95,68%, cao nhất tỉnh, hơn cả TP. Huế (thứ hai với 93,62%).

Thu hẹp khoảng cách

Sau ngày giải phóng miền Nam, toàn huyện Phú Vang trải dài từ vùng trũng, đầm phá và ven biển chỉ có 2 trường trung học là Phan Đăng Lưu và Nguyễn Sinh Cung. Học sinh bậc trung học các xã vùng biển như Vinh Xuân hay Phú Diên phải vượt phá lên Phú Đa, đạp xe hàng chục cây số đường cát về tận Vinh Lộc hay cơm đùm, gạo bới lên học ở Trường THPT Phan Đăng Lưu. Xa xôi và cách trở lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến cho bao giấc mơ học hành dang dở.

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, toàn tỉnh nay đã có 38 trường THPT, trong đó có 27 trường ở các huyện, thị trong tỉnh. Riêng huyện Phú Vang có đến 5 trường. Huyện miền núi A Lưới cũng có 3 trường THPT. Không chỉ thỏa nguyện giấc mơ có trường mà trong thực tế các trường huyện trong tỉnh còn được đầu cơ sở vật chất thỏa đáng, trang thiết bị đồng bộ, đảm bảo nhu cầu “dạy tốt, học tốt”. Tính đến thời điểm tháng 6/2019, đã có 18/38 trường THPT, trong đó có 14 trường thuộc các huyện, thị đạt chuẩn quốc gia, chiếm 47,4%. Thống kê cho thấy, đã có 100% số phòng học ở các huyện thị, gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và Nam Đông thuộc loại kiên cố. Con số này ở TP. Huế chỉ đạt 97,1%.

Chúng tôi có dịp ghé thăm Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc), một trường huyện có tiếng của tỉnh. Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc cập nhật thông tin. Nhà trường đã xây dựng nhà đa năng, phòng máy tính phục vụ các môn học thực hành. Thầy giáo Nguyễn Khả, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông lý giải, nhà trường đã huy động được rất nhiều nguồn để hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi giúp các em yên tâm học tập. Giáo viên luôn sát cánh với các em khi bồi dưỡng kiến thức bằng nhiều hình thức kèm cặp, lên lớp và qua mạng internet... với nhiều kiến thức mới được cập nhật”.

Các em vượt lên khó khăn để học tốt và thi tốt là để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khát vọng đó đã được chắp cánh từ những mái trường thân thương ngay nơi quê nhà.

AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Khát vọng Thái Hòa

Trong thế giới quan Á Đông, mối quan hệ giữa Trời - Người - Đất được kết nối qua thế giới động, thực vật, với vô vàn quan niệm nhân sinh thiêng liêng để trừ tà, cầu an cho con người và vạn vật. Trong đó, Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) khởi đầu từ Rồng là một biểu trưng của tạo hóa trong khát vọng cầu mùa mãnh liệt của cư dân nông nghiệp gắn liền với nắng, mưa... trong tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua tan ôn dịch.

Khát vọng Thái Hòa
Học trò “săn” giải quốc tế

Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

Học trò “săn” giải quốc tế
Mơ về bữa ăn bán trú

Cách đây 1 năm, Trưởng phòng Giáo dục A Lưới Hồ Văn Khởi hào hứng cho biết về đề án xây dựng bếp ăn bán trú ở Trường tiểu học Kim Đồng. Mong muốn, quyết tâm là có, song đến nay, ngoài bậc mầm non, toàn huyện A Lưới vẫn chưa có cơ sở nào tổ chức ăn bán trú cho học sinh.

Mơ về bữa ăn bán trú
Return to top