ClockThứ Tư, 27/03/2019 15:32

Hói Mít, Hói Dừa: Làm giàu không còn là giấc mơ

TTH - Suốt nhiều thế kỷ sống "biệt lập" nghèo khó bên đầm Lập An, người dân Hói Mít, Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) như chạm được giấc mơ, khi chủ động nắm bắt thời cơ, hòa nhịp sống mới...

Trang trại sinh thái Đá Bàng-Hói MítHiện vật ở đầm Lập An có từ thế kỷ 14

Vệ sinh ao hồ để nuôi tôm ở Hói Mít

Ngày cũ chưa xa

“Chuyện cực của Hói mít, Hói Dừa ngày trước, không biết dùng câu từ nào tả được". Ông Lê Phước Hy mở đầu câu chuyện trong căn nhà riêng ở thôn Hải Vân, nằm cạnh thôn Hói Dừa. Ông Hy nguyên là Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hải (nay là thị trấn Lăng Cô) sau ngày giải phóng. Năm nay đã ngoài 85 tuổi, trông ông vẫn rắn rỏi, khỏe mạnh, giọng nói vẫn sang sảng. Ông là người dấn thân vào cuộc chiến chống Mỹ suốt 20 năm và từng là đội trưởng trinh sát vũ trang của Tỉnh đội tham gia diệt ác trừ gian, phá hủy nhiều tàu quân sự Mỹ ở Hói Mít. Hòa bình lập lại ông có duyên lập nghiệp bên phía Tây đầm Lập An. Thành ra vùng quê này không có gì lạ với ông. "Hạt lúa mọc lên giữa làn đạn, nhưng tất thảy bà con đều dành cho bộ đội, cho du kích. Nồi cơm được mấy hạt gạo đâu, mà vén qua bên, dân ăn khoai, nhường cơm cho du kích, bộ đội”. Ông Hy kể.

Ngày hòa bình lập lại, Hói Mít và Hói Dừa được mệnh danh là vùng đất khó của Thừa Thiên Huế, một phần vì hậu quả chiến tranh, phần nữa vì địa hình giao thông đi lại khó khăn. Bà con muốn giao thương ở Lăng Cô phải "lụy đò" vượt đầm Lập An mất 2-3 giờ đồng hồ. Nhớ lần thăm vùng quê này đầu tiên, cũng là dịp sau vụ lật tàu E1 thảm khốc tại đây vào năm 2005 mà tôi có thời gian trò chuyện với ông Nguyễn Nguyện, Trưởng thôn Hói Mít nên rõ ngọn ngành ở đây. Ông Nguyện nói, sau những năm ông Hy làm Bí thư xã Lộc Hải, đa phần bà con Hói Mít, Hói Dừa vẫn sống cảnh nhà tạm tranh tre, nứa lá. Đường sá trong làng chỉ có những lối mòn cát trồi lên trụt xuống. Nhiều đoạn, bà con phải bơi ra đầm Lập An chở từng ghe vào đắp. Lương thực, thực phẩm làm nguồn sống cho bà con chỉ là tự cung tự cấp. Một số phải rời quê vào Nam. Số còn lại, đặc biệt thanh niên trai tráng, phải quay vào rừng kiếm sống.

Sau những năm 2000, trong khi nhiều vùng quê đã đổi thay thì cuộc sống bà con Hói Mít, Hói Dừa vẫn khốn khó.

Đổi thay

Ông Nguyễn Nguyện, bây giờ vẫn giữ chức thôn trưởng Hói Mít, nhưng đổi thành Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) Hói Mít cho biết, bước ngoặt đổi thay ở Hói Mít, Hói Dừa kể từ khi tuyến đường nhựa chạy quanh đầm Lập An hình thành vào năm 2008.

Theo ông Nguyện, con đường này không chỉ thuận tiện trong việc đi lại mà còn là biểu tượng của kết nối. Đường hình thành, vùng quê Hói Mít, Hói Dừa hết phận "mồ côi". Trước đó, do giao thông cách trở nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh ở đây. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nhưng đất đai bạc màu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên nghèo khổ luôn bám riết. Sau đó, với chủ trương tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của chính quyền địa phương, bà con mới mạnh dạn vay vốn nuôi tôm sú, nuôi vẹm xanh, trồng rừng kinh tế. Một số quỹ đất hoang hóa được cải tạo trồng rau màu, nuôi gia súc, gia cầm. Sản phẩm làm ra được đưa đi tiêu thụ khắp các nơi. Điều mà người dân thường nằm mơ giờ đã thành hiện thực là cảnh quan nơi đây trở thành những điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách gần xa. Những địa chỉ kể đến, như suối Mơ (Hói Mít), suối Tam Thác Đổ (Hói Dừa); khu du lịch đầm Lập An; điểm di tích lịch sử chiến thắng Hói Mít... Tính riêng ở suối Mơ, năm ít nhất bán vé cho khách vào thư giãn, nghỉ ngơi cũng đạt 400-500 triệu đồng. Nhờ tiềm năng này, nhiều bà con mở dịch vụ ăn uống phục vụ sinh hoạt ở các suối có cuộc sống nhàn hạ.

Một ấn tượng ở đây kể từ khi con đường mở ra, nhiều bà con trước đây nghèo khó vào nam làm ăn thì nay có nhiều người trở về ấp ủ ý định làm giàu trên quê nhà bằng nông gia, nông trại, du lịch sinh thái. Từ mắt thấy tai nghe khi có dịp được anh Trịnh Cao Phong, cán bộ Văn phòng thị trấn Lăng Cô dẫn đến thăm trang trại sinh thái Đá Bàng thôn Hói Dừa với chủ nhân là anh Nguyễn Ty từng sống tỉnh Đồng Nai gần 30 năm trong giai đoạn quê hương nghèo khó. Vừa bước vào cổng trang trại, một con đường cong cong lãng mạn, hai bên đan xen những vườn cây trái ngút ngàn. Theo chủ nhân ở đây, trang trại hình thành sau dịp Lăng Cô lọt vào top 30 Vịnh đẹp Thế giới.

Rộng chừng khoảng 10 ha, tại đây anh Ty đã "sắp đặt" từng khối, mảng trở thành khu sinh thái vườn tự nhiên đúng nghĩa. Có những ao cá, khu trồng rau màu, trại nuôi heo rừng, nhà trưng bày rượu; nhà sinh hoạt, giao lưu âm nhạc... Độc đáo riêng biệt trong khu vườn này, anh Ty thiết kế tạo những chòi đọc sách trên các cây cổ thụ rất đẹp mắt. Anh Ty nói, đã 10 năm rồi nhưng "dự án" chưa hình thành vì anh muốn làm "ra tấm, ra miếng" khác lạ để hút khách.

Anh Nguyễn Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Lăng Cô nói chắc, vùng quê này đang có một cuộc đổi thay rất lớn sau khi con đường phía Tây đầm Lập An ra đời. Dẫu còn một số khó khăn hạn chế, nhưng người dân Hói Mít, Hói Dừa đã năng động nắm bắt cơ hội. Chuyện làm giàu của bà con Hói Mít, Hói Dừa không còn là giấc mơ…

Hiện nay, Hói Mít được gọi là TDP An Cư Tây và Hói Dừa là TDP Hói Dừa. Hiện hai TDP này có hơn 360 hộ; trong đó, Hói Mít có khoảng 240 hộ. Nếu trước kia hộ đói nghèo chiếm trên 30% thì nay cả hai thôn không còn hộ đói, theo chuẩn mới hộ nghèo còn chưa đầy 5% (hầu hết là người già). 100% nhà cửa bà con đã kiên cố hóa bê tông, đường bê tông nông thôn đạt hơn 70%; điện thắp sáng, nước sạch hợp vệ sinh đã đến từng hộ gia đình. Đời sống bà con chủ yếu dựa vào nông lâm, du lịch và dịch vụ.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, trên địa bàn huyện Nam Đông xuất hiện nhiều hội viên, nông dân (HVND) thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới.

Thoát nghèo, làm giàu từ mô hình mới
Giấc mơ rồng Huế

Tết Nguyên đán 2024 là mở đầu của năm Giáp Thìn. Ước vọng cho năm mới thường là một giấc mơ. Nếu có chăng một giấc mơ cho Huế trong năm Thìn, thì có thể gọi tên là “Giấc mơ Rồng Huế”!

Giấc mơ rồng Huế
Giấc mơ không mưa

Nhà bạn ở làng Vân Dương, phường Xuân Phú, TP. Huế. Tôi điện thoại hỏi “nước tới vô mô rồi?”, hắn nói “nửa nhà rồi anh, vô nửa đêm, dọn kê đồ đạc đuối luôn”.

Giấc mơ không mưa
Nguyễn Đức Tùng & giấc mơ công xưởng sáng tạo ở Huế

Lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh 10 năm và đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, song Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Công ty X10 Digital lại lựa chọn trở về Huế với ước mơ xây dựng một “công xưởng sáng tạo” trên chính mảnh đất quê hương.

Nguyễn Đức Tùng  giấc mơ công xưởng sáng tạo ở Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top