ClockThứ Sáu, 07/09/2018 12:45

Hồi sinh di sản

TTH - 25 năm qua, kể từ dấu mốc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa Huế dần hồi sinh trong sự quan tâm của cả nước và bạn bè quốc tế.

Gắn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản HuếTriển khai kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa

Đại Nội, nơi có nhiều công trình kiến trúc cổ được phục hồi, trùng tu. Ảnh: Nông Thanh Toàn

Huế tự hào là địa phương đầu tiên của cả nước có 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận và nay vẫn đang là nơi ghi dấu nhiều loại hình di sản mang tầm quốc tế nhất. Do hậu quả chiến tranh, quần thể di tích Cố đô Huế chỉ còn khoảng 400 công trình (trong số 1.400 công trình lúc còn nguyên vẹn) ở tình trạng đổ nát, hư hỏng. Toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xoá sổ. Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán.

Vì tình trạng đổ nát và hoang phế nghiêm trọng đó, nên kể từ khi được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới (năm 1993), lại nhận được sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Quần thể di tích Cố đô Huế chưa bao giờ ngưng nghỉ công cuộc trùng tu, phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa Huế. Với mức đầu tư khoảng 1.786 tỷ đồng chỉ đầu tư riêng trong lĩnh vực tu bổ, phục hồi và tôn tạo tôn tạo di tích, từ năm 1996 đến nay, đã có khoảng 170 công trình được phục hồi, trùng tu và bảo tồn; trong đó, có nhiều công trình tiêu biểu, như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, lầu Tứ phương Vô sự, điện Long An, 10 cổng thành và Quan Tượng Đài, lăng vua Minh Mạng, Phu Văn Lâu, cung Trường Sanh, Duyệt Thị Đường, cung An Định, nhiều hạng mục ở các lăng: Gia Long, Thiệu Trị, Đồng Khánh, … Sắp tới, với mức đầu tư 123 tỷ đồng, điện Kiến Trung – một trong năm công trình chính trên trục dũng đạo của Kinh thành Huế cũng sẽ được khởi công phục hồi.

Cùng với những nỗ lực phục hồi, tôn tạo hệ thống công trình kiến trúc di tích, nhiều hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của triều đại nhà Nguyễn cũng được thực hiện. Trong đó, phạm vi được đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tập trung chủ yếu ở thơ trên kiến trúc cung đình, lễ nhạc, lễ hội, tuồng, múa… Năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây cũng là loại hình di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản Thế giới. Rất nhiều con người tâm huyết đã dồn tâm sức và tài năng để hỗ trợ Huế đi trên đoạn đường khó khăn ban đầu, như: cố GS. TS Trần Văn Khê, cố nghệ nhân dân gian Trần Kích, cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi, cố nghệ nhân Nguyễn Kế, cố nghệ nhân La Cháu, cố nghệ sĩ nhân dân La Cẩm Vân...

Phát triển rực rỡ ở dưới triều Nguyễn, Nhã nhạc là một loại hình âm nhạc tao nhã, thiêng liêng thường dùng trong các nghi lễ trang trọng của triều đình. Với sự giúp đỡ của UNESCO, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện được nhiều dự án, tiến hành nhiều hoạt động khảo sát, sưu tầm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.

Ngoài việc tổ chức biểu diễn phục vụ du khách hàng ngày tại Duyệt Thị Đường, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) còn tổ chức nhiều đợt biểu diễn tại nhiều tỉnh thành trong nước trong các sự kiện lớn của quốc gia và địa phương. Đặc biệt thông qua các kỳ Festival Huế, những giá trị phi vật thể quý báu của Nhã nhạc đã được giới thiệu một cách tích cực, thiêng liêng và gần gũi qua các chương trình: Đêm hoàng cung, tế Giao, lễ hội thi tiến sĩ võ, tế Xã Tắc, lễ truyền lô, huyền thoại sông Hương, hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình và Văn hiến kinh kỳ… Nghệ sĩ nhân dân Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, chia sẻ: Các công trình kiến trúc di tích càng được phục hồi tôn tạo thì chúng tôi càng phải nỗ lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cung đình Huế. Với chúng tôi, nhiệm vụ này áp lực nhưng cũng là niềm tự hào vì đó là cách tốt nhất để giới thiệu hồn cốt tinh thần của di sản với công chúng, du khách, đồng thời tiếp tục gìn giữ cho thế hệ mai sau.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh: “Điều quan trọng là từ sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, công tác trùng tu, phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa Huế ngày càng chuyển mình theo hướng tích cực, được thực hiện theo quy trình chuẩn mực và được UNESCO đánh giá cao. 25 năm qua là chặng đường khó khăn gian khổ. Nhưng với những thành tựu đã đạt được, chắc chắn di sản văn hóa Huế sẽ tiếp tục là nền tảng cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Cố đô Huế”.

Cố đô Huế có 5 Di sản thế giới đều thuộc về triều đại nhà Nguyễn, ở các loại hình: Di sản Văn hóa vật thể, Di sản Phi vật thể, Di sản Tư liệu. Cụ thể, Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới; năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại; năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới; Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận Di sản Tư liệu trong các năm 2014 và 2016. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Return to top