ClockThứ Bảy, 20/01/2018 14:21

“Hồi sinh” đồ cũ

TTH - Những vật dụng bằng gỗ cũ kỹ trong gia đình như, bàn, ghế, cửa, tủ… bị bỏ đi nhưng qua bàn tay của những người thợ, nó được “hồi sinh”.

Cửa gỗ là sản phẩm được phục hồi phổ biến

Trên con đường Đạm Phương, Trần Nhân Tông (phường Tây Lộc, TP. Huế) không biết từ bao giờ xuất hiện nghề thu mua đồ gia dụng bằng gỗ cũ rồi “biến” thành những sản phẩm mới. Những người làm nghề này bảo đây không phải là nghề tổ tiên để lại nhưng tồn tại đã mấy chục năm, có gia đình đã 3 thế hệ mưu sinh với nghề.

Nghề không có tên gọi, chỉ hình dung như thế này: Bàn, ghế, giường, tủ hay tất cả những thứ đồ dùng bằng gỗ đã ố màu thời gian, bị vứt bỏ được các cơ sở tại đây lại thu gom, rồi kỳ công mài giũa, sửa chữa, biến chúng trở thành những vật dụng tiếp tục có ích trong cuộc sống. Bà Khiếu đến với nghề này hơn 20 năm, không hiểu gì về nghề thợ mộc nhưng nhờ học "lỏm", bà thành lập và mở rộng cơ sở, mưu sinh ngay trên thứ mà người khác bỏ đi. “Đây không phải là nghề gia truyền, tui cũng chỉ đi bắt chước rồi về làm mà thôi, nghề ni thịnh hành đã 20 năm nay rồi”, bà Khiếu bộc bạch.

Trong nhịp sống hối hả, chính sự phát triển của những mặt hàng công nghiệp khiến những vật dụng bằng gỗ cũ kỹ bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Trong khi đó, nếu biết làm mới, những loại này có giá trị gấp nhiều lần bởi nó đã tồn tại được qua thời gian. “Tui chuyên làm cửa gỗ cũ. Vào mùa hè hay mùa xây dựng, các loại cửa gỗ cũ bị vứt bỏ rất nhiều. Nếu so sánh về chất lượng, những loại gỗ này tốt hơn gỗ công nghiệp nên nếu chịu khó phục hồi thì nó sẽ trở nên hữu ích, có độ bền cao. Những công đoạn làm mới vật dụng bằng gỗ cũ tuy khá đơn giản nhưng nếu không đủ kiên nhẫn thì không thể làm được. Thông thường, đồ gỗ cũ tui thu mua có giá trị bằng 1/10 so với khi chúng được mua mới, nhưng sau nhiều công đoạn phục hồi, giá trị sẽ gấp lên nhiều lần. Lúc cao điểm, tui phải thuê thêm 5-7 nhân công làm việc”, bà Khiếu cho biết.

Bây giờ, trên hai tuyến đường này đã có hơn 10 hộ dân mưu sinh bằng nghề phục hồi đồ cũ, tạo nên những con phố đặc trưng. Theo nhiều người mưu sinh bằng nghề này, người thợ cần phải tỉ mỉ, cẩn thận, đồng thời phải nắm bắt được tâm lý của khách hàng để tạo nên những sản phẩm đúng với thị hiếu. Ngoài ra, thợ cũng cần phải biết tư vấn cho khách nên chọn những loại nào phù hợp với từng không gian; phục hồi đồ cũ thế nào vừa đẹp, vừa mới, đáp ứng được mọi nhu cầu của khách, khẳng định “tay nghề” mới tồn tại được lâu dài.

“Nghề này “sống” được đến bây giờ là bởi nhiều người vẫn còn thích đồ cũ. Những thứ này không hư hỏng hoàn toàn, tồn tại được qua nhiều năm nên chất lượng gỗ đảm bảo. Muốn phục hồi những vật dụng bằng gỗ cũ trước tiên phải sửa chữa, làm nguội rồi sơn PU nên không khác chi đồ mới”, anh Tôn Thất Minh Tuệ (29 tuổi, một người thợ phục hồi đồ cũ trên đường Trần Nhân Tông) chia sẻ.

Theo anh Tuệ, những vật dụng bằng gỗ được phục hồi tại đây từ những thứ đơn giản, như song cửa, đến các loại tủ, giường có kích thước lớn, thiết kế hoa văn cầu kỳ tinh xảo. Người thợ phục hồi không chỉ cần mẫn mà cũng cần am hiểu nghề thợ mộc, để làm thế nào khi phục hồi, giữ được nguyên bản những hoa văn vốn có. “Để phục hồi đồ gỗ một cách tốt nhất, tui cũng phải dành thời gian đi học một khóa thợ mộc căn bản. Đồ bằng gỗ cũ rất dễ hư hỏng những chi tiết nhỏ nên người thợ cần phải chú ý để phục hồi lại các chi tiết đó. Tùy theo độ phức tạp mà số lượng sản phẩm được phục hồi mỗi ngày nhiều hay ít. Trung bình mỗi người thợ phục hồi được khoảng 2 sản phẩm/ngày. Đối với những vật dụng có kích thước lớn, cầu kỳ như tủ thờ, tủ đựng áo quần có khi phải mất cả tuần mới xong. Khách hàng tìm đến những sản phẩm của tụi tui không chỉ là các quán cà phê, nhà hàng mà còn là những gia đình vừa mới xây nhà muốn trang trí nội thất. Các sản phẩm này vừa rẻ tiền vừa đảm bảo chất lượng. Khách hàng cũng có thể yêu cầu phục hồi theo ý thích của họ”, anh Tuệ nói.

Sử dụng đồ cũ vẫn được nhiều người lựa chọn bởi tiết kiệm được tiền bạc. Anh Phan Xuân Vỹ, chủ một quán cà phê chia sẻ: “Mình thích không gian của quán có chút gì đó hoài cổ, bóng màu thời gian nên tìm mua vật dụng bằng gỗ cũ để trang trí. Mặc dù đồ cũ nhưng khi được những người thợ phục hồi thì giá trị của nó không khác gì đồ mới, thậm chí chất lượng còn cao hơn”.

Bài, ảnh: Lê Thọ - Diệu Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồi sinh từ thận hiến

Ca ghép thận đầu tiên năm 2001 đã đưa Bệnh viện (BV) Trung ương Huế vào bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đến nay, đơn vị đã phẫu thuật 1.500 trường hợp, đồng nghĩa thắp lên hy vọng tái sinh cho 1.500 con người đang cận kề cửa tử.

Hồi sinh từ thận hiến
Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh

Các khu phố cổ ở vùng đất Cố đô được xem là yếu tố quan trọng kết nối các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Trải qua thời gian, những khu phố cổ ấy được các cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thế nhưng việc triển khai như thế nào vẫn là một bài toán khó.

Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh
Hồi sinh cho vùng "rốn da cam" sân bay A So

Vùng “rốn da cam” là cái tên mà nhiều người đã quan ngại gọi khi nhắc tới khu vực sân bay A So, huyện A Lưới. Chỉ riêng xã Đông Sơn đã có hàng chục nạn nhân nhiễm chất độc da cam, đất đai nhiễm độc nên cây trồng, vật nuôi cũng bị ảnh hưởng. Từ khi Bộ Quốc phòng khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, người dân nơi đây vừa mừng, vừa mong ngóng A So sẽ khác hơn khi chất độc được tẩy sạch.

Hồi sinh cho vùng rốn da cam sân bay A So
Cùng “hồi sinh” làng cổ

Thúc đẩy doanh nghiệp đang hoạt động và gắn bó với làng nghề đệm bàng, làng cổ Phước Tích cũng chính là giải pháp quan trọng “thổi” thêm sinh khí cho làng cổ Phước Tích.

Cùng “hồi sinh” làng cổ
Hồi sinh nón lá từ du lịch cộng đồng

Trong các sản phẩm nghề truyền thống, nón lá trở thành đặc sản văn hóa của du khách khi đến Huế. Cần một hướng đi phù hợp trong việc khôi phục và phát huy hơn nữa nghề chằm nón thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng.

Hồi sinh nón lá từ du lịch cộng đồng

TIN MỚI

Return to top