ClockThứ Sáu, 28/04/2017 15:23

Hồi sinh qua các kỳ festival

TTH - Trải qua 6 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các làng nghề trên địa bàn đã hồi sinh và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm mới, những tour du lịch trải nghiệm kết hợp mua sắm phục vụ du khách.

 Chủ xưởng gốm Phước Tích, ông Lương Thanh Hiền (ngoài cùng bên phải) thao diễn nghề làm gốm phục vụ du khách tham quan

Hiệu ứng

Từ Festival Nghề truyền thống Huế năm 2007, sản phẩm gốm Phước Tích ở xã Phong Hòa (Phong Điền) tái xuất hiện trên thị trường. Du khách được trải nghiệm nghề làm gốm thủ công trên 500 năm tuổi ở Phước Tích.

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sự gắn kết giữa những nghệ nhân lớn tuổi với các họa sĩ trẻ, cũng lần đầu tiên, trên 50 mẫu gốm được ra lò, phục vụ du khách trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế năm 2007. Từ đó đến nay, nghề gốm được hồi sinh, nhiều mẻ gốm lần lượt ra đời, khẳng định thương hiệu gốm Phước Tích bên cạnh các làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng…

Chủ xưởng gốm Phước Tích, ông Lương Thanh Hiền khẳng định: “Nếu không tham gia các kỳ Festival Nghề, nghề gốm có lẽ đã không còn và sản phẩm gốm Phước Tích không có cơ hội đứng chân trên thị trường như hiện nay. Qua các kỳ Festival Nghề, cơ sở đã ký kết nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các điểm bán hàng du lịch ở Quảng Nam, Đà Lạt và Thủ đô Hà Nội, tạo động lực để bảo tồn và phát triển nghề. Cơ sở đang nung 3 mẻ gốm với trên 600 sản phẩm trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017 diễn ra vào cuối tháng 4. Mỗi năm cơ sở thiết kế thêm từ 15-20 mẫu gốm mới, lấy ý tưởng từ các công trình kiến trúc, hoa văn trang trí hay phong cảnh làng quê Việt Nam.

Sự trở lại của gốm Phước Tích mới chỉ là bước khởi đầu và chưa thực sự bền vững. Dù sản phẩm đã có mặt tại nhiều nơi, song doanh số bán hàng chưa cao và du khách vẫn còn đắn đo khi lựa chọn. Để tạo dấu ấn và khẳng định thương hiệu, làng gốm cần có hướng đi riêng, tạo ra những mẫu mã mới mang bản sắc Huế, chú trọng đến khâu quảng bá. Có như vậy, gốm Phước Tích mới thực sự hồi sinh và hấp dẫn khách.  

Ra đời từ 300 năm trước, người dân làng nghề hoa giấy Thanh Tiên vẫn lưu giữ nghề xưa khi cần mẫn tạo ra các sản phẩm hoa giấy phục vụ nhu cầu trang trí và thờ cúng dịp giáp tết. Khi đời sống phát triển, sản phẩm này không còn phù hợp nên đầu ra gặp khó, làng nghề bế tắc. Đầu năm 2007, họa sĩ Thân Văn Huy đã phục chế và phát triển sản phẩm hoa sen giấy, bên cạnh các loại hoa giấy truyền thống. Sản phẩm hoàn thành và được du khách đón nhận thông qua không gian trình diễn nghề “Sắc màu Thanh Tiên” tại Festival Nghề 2007. Từ đó, sản phẩm hoa giấy tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Họa sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy khẳng định: “Cái được lớn nhất của làng nghề qua các kỳ festival đó là sức lan tỏa sâu rộng đến từng du khách, từng doanh nghiệp và cả cộng đồng. Qua 10 năm gắn bó với Festival Nghề, sản phẩm hoa sen giấy giờ đã xuất hiện ở nhiều nơi, từ quán cà phê, khách sạn đến các gia đình Việt. Nhiều du khách nước ngoài đến Huế, thích thú sản phẩm nên đặt hàng về phục vụ người dân bản địa. Đời sống người dân làng nghề khá lên khi hoa giấy tiêu thụ mạnh”.

Theo họa sĩ, trăn trở lớn nhất và mục tiêu của người dân làng nghề đó là đầu tư công nghệ cải tiến mẫu, thiết kế thêm các loại hoa giấy có kích thước nhỏ, gọn để du khách dễ dàng vận chuyển khi đi xa. Đây là bài toán đặt ra với mong muốn đưa sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên trở thành quà tặng “made in Huế” phục vụ du khách.

Gắn kết du lịch

Không chỉ thành công ở khâu quảng bá thương hiệu sản phẩm, nhiều làng nghề tưởng như mai một theo thời gian, đã sống dậy như gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền); mây tre đan (Quảng Điền) hay nghề nón (Phú Vang); đúc đồng, kim hoàn (TP. Huế)… Từ đó, nhiều tour tuyến du lịch ra đời, tạo động lực thúc đẩy người dân làng nghề nhập cuộc. Những tour du lịch trải nghiệm kết hợp thao diễn và mua sắm sản phẩm làng nghề như thăm làng hoa giấy Thanh Tiên, đan đát Bao La, dầu tràm Lộc Thủy, thêu Thuận Lộc, làm gốm Phước Tích… hình thành.

Sau khi nghề gốm Phước Tích hồi sinh, UBND huyện Phong Điền đã khai trương tour du lịch “Hương xưa làng cổ”, điểm nhấn là tham quan hệ thống nhà rường cổ, các di tích lịch sử văn hoá Chăm Pa và các làng nghề thủ công truyền thống như gốm Phước Tích, điêu khắc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch…

“Là địa phương có 7 nghề và làng nghề truyền thống, thông qua các kỳ Festival Huế, nhiều du khách đã đến tham quan và mua sắm sản phẩm tại các làng nghề. Cùng với tour du lịch “Hương xưa làng cổ”, UBND huyện đang đầu tư phát triển loại hình du lịch homestay, xây dựng trung tâm trưng bày sản phẩm làng nghề nhằm khai thác tiềm năng, đáp ứng nhu cầu tham quan mua sắm của du khách”. Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Phong Điền, ông Hoàng Bá Nghiễm thông tin.

Tịnh Tâm kim cổ và Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn là hai trong nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch ra đời sau các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế. “Tại Festival Nghề 2007, chứng kiến du khách thích thú khi trực tiếp xem thao diễn nghề kim hoàn, rồi cùng trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm một cách mê mẩn và nhiệt tình nên tôi trăn trở làm thế nào để tạo ra một không gian thao diễn và trưng bày sản phẩm nghề kim hoàn phục vụ khách. Từ đó, ý tưởng xây dựng Tịnh Tâm kim cổ ra đời và nghề kim hoàn Huế được du khách biết đến nhiều hơn”. Nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong, chủ nhân khu trưng bày sản phẩm kim hoàn Tịnh Tâm kim cổ chia sẻ. 

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, Festival Nghề truyền thống Huế không chỉ góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, mà đã tạo bước đột phá trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống. Qua các kỳ festival, nhiều làng nghề đã được vực dậy và phát triển mạnh, các cơ sở đã đầu tư trang bị máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm mới phục vụ thị trường, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

  Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Hồi sinh từ thận hiến

Ca ghép thận đầu tiên năm 2001 đã đưa Bệnh viện (BV) Trung ương Huế vào bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đến nay, đơn vị đã phẫu thuật 1.500 trường hợp, đồng nghĩa thắp lên hy vọng tái sinh cho 1.500 con người đang cận kề cửa tử.

Hồi sinh từ thận hiến
Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh

Các khu phố cổ ở vùng đất Cố đô được xem là yếu tố quan trọng kết nối các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Trải qua thời gian, những khu phố cổ ấy được các cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thế nhưng việc triển khai như thế nào vẫn là một bài toán khó.

Tìm cách “hồi sinh” phố cổ Bao Vinh
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

Thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh chiều 2/1 cho biết, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai sẽ diễn ra đến hết ngày 20/3/2024.

Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và các lễ hội

TIN MỚI

Return to top