ClockThứ Tư, 08/02/2017 21:42

Hơn một vạn người tham dự Lễ hội Cầu ngư

TTH - Lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch, nhằm lưu giữ những tập tục, tín ngưỡng có ý nghĩa sâu đậm của nghề chài lưới và truyền thống khai thác thủy, hải sản trên biển, đầm phá.

Hoạt cảnh đưa thuyền ra khơi đánh bắt

Trước đây, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, dân làng phải tắt bếp và tổ chức ăn cơm chung (theo đơn vị thôn- hiện, chỉ còn tổ dân phố Hải Thành giữ phong tục tắt lửa vào ngày 13 tháng Giêng). Theo chương trình, mùng 10, tổ chức các trò chơi, như: thi bơi, chèo thuyền thúng, kéo dây, nhảy bao bố…; ban đêm, làng mời các đoàn hát bội, ca Huế về biểu diễn. Ngày 11, từ 5 giờ sáng bắt đầu cúng tế ở đình làng và am, miếu. Ngày 12, làm lễ cầu an, tưởng niệm các vị tiền nhân tại đình làng và đua trải trên phá Tam Giang. Sau đó, khai hội diễn trò cầu ngư ngay trước sân đình, gồm các tiết mục, như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản…

Từ đầu quý IV năm 2016, địa phương đã rốt ráo cho công tác chuẩn bị. Theo quy định của làng, các vai diễn tham gia lễ hội đều do dân làng thực hiện, nên chủ động được đội ngũ diễn viên gồm 50 người phụ trách trò “cầu ngư” có phân chia công việc cụ thể. Ngoài ra, nhiều chị em khăn áo sặc sỡ trong vai tiểu thương bán cá chờ khách hàng ban lộc "mì xưa". Ông Nguyễn Đăng Dũng, 52 tuổi, lần thứ 9 tham gia đội làm trò cầu ngư, cho biết: “Hầu hết các thành viên đều đã tham gia diễn xuất nhiều lần nên biểu diễn rất chuyên nghiệp. Mỗi năm cũng có một vài người mới, nhưng đều là con em trong làng nên không khó để nhập cuộc”.

Ngày 12, sau lễ cầu an, chánh tế và tưởng niệm những người đã khuất được tổ chức từ 00 giờ 30, khoảng 6 giờ sáng bắt đầu làm lễ cầu ngư. Các tiết mục hò bả trạo, bủa lưới... đã tái hiện đời sống ngư dân thông qua các ngư lưới cụ thô sơ thu hút hơn một vạn người tham dự.

Bà Trần Thị Oanh, 70 tuổi, Việt kiều Mỹ, tự hào: “Tôi về làm dâu làng Thai Dương từ năm 18 tuổi và bị cuốn hút bởi lễ hội này ngày từ lần đầu tiên. Từ đó đến nay, dù mưa hay nắng và đã có nhiều năm sống ở nước ngoài, nhưng tôi tự hào chưa bỏ qua lần nào”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Nguyệt, người dân trong làng hồ hởi: “Tôi chuẩn bị tiền lẻ tham gia mua cá cầu may cho dân làng. Hy vọng người dân quê tôi sẽ có những vụ mùa bội thu”.

Ông Nguyễn Văn Truyền, 54 tuổi, đang sống ở Vancouver. BC. Canada, trải lòng: “Sau mười năm, lần này tôi nhận thấy nhiều sự thay đổi trong cách tổ chức, âm thanh, ánh sáng và cách trang trí quy mô, hiện đại hơn. Điều đáng trân trọng là lễ hội vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống”.

Cụ Lê Văn Niên, 80 tuổi, làm chủ hội đến nay đã là lần thứ 3, phấn khởi: “Ý nghĩa lớn nhất của lễ hội là nêu cao ý thức "Uống nước nhớ nguồn". Một trong những yếu tố giúp lễ hội thành công là nhờ sự đoàn kết của dân làng nên các tập tục trong lễ hội không thay đổi”.

Kết thúc phần hội, 50 chiếc tàu cá của ngư dân địa phương lần lượt xuất bến khai biển, thả những mẻ lưới đầu tiên mang theo niềm hy vọng một năm đánh bắt bội thu.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch lễ hội: Nỗi lo khách một, chủ nhà mười

Không ít quốc gia trên thế giới làm giàu từ du lịch lễ hội, hoặc khẳng định thương hiệu nhờ lễ hội. Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có không ít lễ hội được tổ chức, nhất là dịp đầu năm, nhưng quan trọng là làm sao khai thác hiệu quả.

Du lịch lễ hội Nỗi lo khách một, chủ nhà mười
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Return to top