ClockThứ Hai, 21/08/2017 06:21

Hợp sức làm ăn

TTH - Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: “Từ hiệu quả đạt được ở các tổ liên kết (TLK) sản xuất kinh doanh, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn phát triển mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Mô hình nuôi gà an toàn của phụ nữ đang được nhân rộng ở Phú Lộc

Từ nguồn vốn 30 triệu đồng do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ, Hội LHPN huyện A Lưới chọn mô hình trồng rau sạch để xây dựng mô hình KTTT. Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN A Lưới phân tích, nguồn rau sử dụng hàng ngày ở A Lưới chủ yếu đưa từ các nơi khác về, trong khi ở đây đủ điều kiện sản xuất tại chỗ, như: đất đai rộng, nguồn nước từ các con suối quanh khu dân cư dồi dào, phân bón hữu cơ từ việc chăn nuôi heo, bò và trồng nấm...

Tháng 2/2016, hội triển khai thí điểm mô hình trồng rau sạch trên 1.800m2 đất tại các xã: Hồng Thượng, Hồng Quảng và thị trấn A Lưới, với sự tham gia của 6 thành viên. Hội cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn chị em ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm các giống rau phù hợp với thổ nhưỡng, dễ tiêu thụ, như: rau muống, mồng tơi, xà lách, bí đỏ, dưa chuột, đậu cô ve xanh, đậu bắp, bí đao, rau dền, nấm rơm, nấm sò xám… Đồng thời, yêu cầu các thành viên ký cam kết trồng rau hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ và mở một gian hàng bán rau sạch tại chợ A Lưới để tiêu thụ sản phẩm.

Chị Đặng Thị Hồng, giáo viên Trường THPT A Lưới, một trong những thành viên của TLK nói: “Nhà sẵn rau nên giảm chi phí nuôi heo, còn phân heo phục vụ việc trồng trọt. Cứ thế, cái này hỗ trợ cái kia, mùa nào thức ấy, hầu như ngày nào tôi cũng có rau để bán, thu nhập bình quân từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày”. Bà Tường cho biết, hiện sản phẩm nhiều lúc cung không đủ cầu, nhất là những đợt mưa lạnh dài ngày. Riêng dịp tết, gia đình thu nhập từ 15-30 triệu đồng nhờ bán rau.

Tương tự, bên cạnh mục đích chính là bảo vệ làng nghề truyền thống, 6 thành viên của TLK sản xuất bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo ở phường Hương Hồ (TX. Hương Trà) đặt mục tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lên hàng đầu. Bà Tôn Nữ Thị Dành, Tổ trưởng TLK cho hay: “Quá trình sản xuất bánh được các thành viên chú trọng đến công tác ATVSTP trong tất cả các khâu”. Sát cánh cùng hội viên, Hội LHPN TX. Hương Trà cùng tham gia giới thiệu sản phẩm của làng nghề truyền thống bằng nhiều kênh thông tin. Đến nay, ngoài những đơn đặt hàng thường xuyên, TLK bắt đầu có nhiều khách du lịch đến địa phương tham quan và mua sản phẩm về làm quà cho người thân.

Ở Phú Lộc, mô hình nuôi gà an toàn được hình thành từ năm 2015 chỉ với 2 thành viên tham gia là chị Ngô Thị Lý và Vương Thị Nga đều ở tổ dân phố 1, thị trấn Phú Lộc. Dựa vào lợi thế đất đai rộng, các chị mua lưới thép về khoanh từng khu vực nuôi để giữ vệ sinh chuồng trại. Sau khi tìm hiểu, các chị ra tận Thái Bình mua giống gà Rinai có chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với điều kiện thời tiết và tận dụng được thức ăn sẵn có tại địa phương.

Chị Lý cho biết: “Khi mới nhập gà giống về, chúng tôi cho tiêm văc xin ngay. Chuồng trại được xử lý theo quy trình nên lứa nào gà cũng lớn nhanh và ít bị bệnh. Tham gia TLK, chúng tôi đã có cam kết không sử dụng chất cấm”. Với hàng nghìn gà thịt và hàng trăm gà mái trong chuồng, mỗi năm, 3 lần suất chuồng gà thịt, mỗi ngày thu hoạch gần 100 trứng gà, chị Lý, chị Nga có lợi nhuận từ 80 đến 100 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, các chị còn tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nhàn rỗi với thu nhập 120.000 đồng/người/ngày.

Gà nuôi thả vườn đồi thịt săn chắc nên được người tiêu dùng ưa chuộng ưa chuộng. Vì vậy, trên địa bàn huyện Phú Lộc đã có thêm một số cơ sở tham gia nuôi gà an toàn.

Hiện, toàn tỉnh có 8 mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường được thành lập dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh với hàng chục thành viên tham gia. Sau một năm xây dựng mô hình kinh tế tập thể, nhiều hội viên tham gia các TLK có nhiều kinh nghiệm hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều thành viên và một số lao động nhàn rỗi trong gia đình có thu nhập ổn định, góp phần đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm

Sau hàng chục năm phát triển, du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế vẫn còn yếu ở khâu làm sản phẩm. Điểm na ná nhau trong nhiều sản phẩm du lịch giữa các địa phương phần nào cho thấy sự bế tắc, đó được xem như “gót chân Achilles” trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.

Du lịch còn yếu khâu làm sản phẩm
Làm tốt hai vai

“Phát huy tinh thần đảng viên - cựu chiến binh (CCB), trong cả “hai vai”, ông Hoàng Đặng Trúc, Chủ tịch Hội CCB xã Vinh An (Phú Vang), Bí thư chi bộ thôn An Mỹ đã đồng hành, vận động hiệu quả hội viên và người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới...” - ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An khẳng định.

Làm tốt hai vai
Làm giàu bằng di sản

Sau thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, cuối tuần qua, Festival Huế 2022 đã được khai màn với chương trình nghệ thuật mà ở đó...

Làm giàu bằng di sản
Return to top