ClockThứ Tư, 28/09/2016 05:56

Hợp tác bảo tồn tư liệu Hán Nôm

TTH - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Nghiên cứu Hán Nôm chính thức ký kết hợp tác chiến lược, đánh dấu bước tiến trong hỗ trợ xuất bản, trao đổi tài liệu đào tạo nhân lực…

Đoàn cán bộ Trung tâm BTDTCĐ Huế thăm kho lưu trữ tài liệu Hán Nôm ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) là đơn vị hàng đầu về bảo tồn, nghiên cứu, khai thác tư liệu Hán Nôm và đào tạo cán bộ nghiên cứu Hán Nôm; đồng thời, thực hiện công tác sưu tầm, bảo quản tư liệu chữ Hán, chữ Nôm trên phạm vi cả nước. Hiện, Viện  lưu trữ gần 35.000 tập sách đóng rời và gần 70.000 thác bản văn bia. Trong khi đó, di sản tư liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là kho tàng văn hóa vô giá của Cố đô Huế, mà đến nay có lẽ mới chỉ nhiều người “nghe tiếng” còn hiểu thì không được bao nhiêu, dù hiển hiện khắp nơi trên các công trình kiến trúc cung đình Nguyễn.

Hướng đến sự phát triển chung của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu Hán Nôm ở Việt Nam và dưới triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô và Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhất trí cùng nhau hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực, gồm: Xuất bản sách và ấn phẩm về di sản triều Nguyễn; tổ chức tọa đàm, hội thảo, giao lưu thư pháp, trao đổi nghiệp vụ, trao đổi thông tin…; tổ chức các hoạt động lưu trữ, trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản Hán Nôm triều Nguyễn, di sản văn hóa Huế; trao đổi, cung cấp bản chụp (scan, photo) tài liệu Hán Nôm liên quan, làm phó bản sách Hán Nôm để nhân bản, lưu trữ, trưng bày; Hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực Hán Nôm; Bảo quản, phục chế các văn bản cổ và hiện vật giấy truyền thống. Các hoạt động cụ thể được hai đơn vị cùng trao đổi và có kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2021.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hai đơn vị đã có sự phối hợp trong nhiều hoạt động nhưng chưa ký kết văn bản, cũng như chưa có chiến lược hợp tác bền vững. Sự ký kết hợp tác lần này rất hữu ích, trong đó Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ giúp Thừa Thiên Huế nhiều việc. “Trước mắt, Viện sẽ giúp chúng ta sao chụp lại những tài liệu Hán Nôm liên quan đến triều Nguyễn bằng hình thức phó bản (bản sao từ bản gốc) để đưa nguồn tư liệu này về Huế, phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài. Thứ hai, tạo điều kiện để các di sản tư liệu Hán Nôm dưới triều Nguyễn, nhất là Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, được đưa ra cộng đồng, giới thiệu rộng rãi đến nhiều tầng lớp xã hội. Viện Nghiên cứu Hán Nôm tập hợp được đội ngũ nghiên cứu có năng lực từ rất lâu, nên họ cũng sẽ giúp chúng ta trong quá trình nghiên cứu, xuất bản những công trình khoa học có giá trị; đồng thời, thúc đẩy quá trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ nghiên cứu ở trung tâm”, TS. Phan Thanh Hải nói.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top