ClockThứ Bảy, 16/07/2011 15:36

Huế là ngôi nhà thứ hai của tôi

TTH - “Còn 3 tuần nữa bà Maureen về nước. Dạy xong hết các lớp mà bà vẫn còn email cho chị và Trưởng khoa tiếng Anh hỏi: “Tôi còn có thể giúp được gì cho các bạn, cho trường không?”, bà ấy sợ đến cuối tháng thì sẽ không còn giúp được nữa. Đối với chị, bà ấy giống như 1 câu tiếng Anh mà chắc em cũng biết: “A good teacher is like a candle - It consumes itself to light the way for others” (Một giáo viên tốt cũng như ngọn nến - nó cháy hết mình để soi đường cho những người khác). Đó là email mà TS. Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ đã gửi tôi để nói về bà Maureen. Và tôi vội vã tìm đến gặp bà trước khi bà rời Huế.

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện về quãng thời gian 4 năm ở Huế của bà. Đó là năm 2005, bà Maureen lần đầu tiên đến du lịch Việt Nam. Sau chuyến đi này trở về Úc, bà đã đến một đại học ở thành phố Canberra, thủ đô Australia, học cách dạy tiếng Anh để có thể dạy tiếng Anh cho các sinh viên ở các quốc gia khác. “Tôi trở lại làm việc tại Việt Nam với tư cách là giáo viên tình nguyện của một tổ chức quốc tế của Chính phủ Úc. Và tôi đã chọn Huế”, bà Maureen kể.

 

Theo TS. Phạm Thị Hồng Nhung, bà Maureen là một trong những GV tình nguyện của trường có năng lực sư phạm tốt. Bên cạnh công việc giảng dạy, bà luôn tìm cách hỗ trợ các SV khó khăn mà bà biết đồng thời tham gia các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng. Đã nhiều lần bà hỗ trợ cho các em SV của trường có điều kiện kinh tế khó khăn, gặp tai nạn hay bệnh hiểm nghèo. Bà không những tự mình hỗ trợ mà còn kêu gọi và quyên góp từ bạn bè và người thân ở Australia để hỗ trợ các hoạt động từ thiện của mình. “Đa số các GV tình nguyện khác đến dạy tại trường và hết thời hạn thì về nước hoặc chuyển đến nơi mới. Bà Maureen thì không như vậy. Sau thời hạn 2 năm đầu tiên bà đã tiếp tục gia hạn thêm 2 năm nữa để tiếp tục giảng dạy cho trường và coi Trường đại học Ngoại ngữ, coi Huế như ngôi nhà thứ 2 của mình. Ngay khi vừa trở lại Huế sau thời gian điều trị tại Australia bà đã email cho nhiều GV và bảo: “Tôi đã trở về Huế, tôi đã về nhà”.

 

Cách đây gần 2 năm, bà Maureen bị tai nạn trong một lần tham gia hội thảo tại Hà Nội. Tai nạn đã làm bà gãy chân và phải qua Thái Lan, sau đó là Australia để điều trị. Nhiều người cho rằng bà sẽ không thể nào quay trở lại để tiếp tục giảng dạy. Nhưng ngay khi chân tạm thời hồi phục, bà đã quay trở lại Huế để tiếp tục thực hiện công việc của GV tình nguyện tại trường. Hình ảnh của bà Maureen đi lại khó khăn trong nhiều tháng trời nhưng vẫn kiên trì đều đặn đến trường giảng dạy cho SV đã làm nhiều giảng viên và SV xúc động và ngưỡng mộ.

 

* Chào bà Maureen. Điều gì gây ấn tượng nhất đối với bà khi mới đến Huế?

 

Thành phố rất dễ thương, có truyền thống và lịch sử lâu đời và có nhiều nơi thú vị để thăm thú, con người rất thân thiện và thức ăn rất ngon, chỉ một điều tôi không thích đó là thời tiết. Trời luôn quá nóng hoặc mưa triền miên. Quá nhiều những đợt lụt. Đó là ấn tượng mà tôi sẽ không bao giờ quên.

 

* Bà nhận xét thế nào về các sinh viên ở đây?

 

Ở các trường học cấp 2, 3 ở Việt Nam, học sinh không được dạy nhiều về kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. Nhiều trong số sinh viên của tôi sẽ trở thành giáo viên, do đó họ phải giỏi hai kỹ năng này và vì vậy, hầu hết thời gian ở đây tôi đều dạy môn nói. Sinh viên học rất chăm chỉ, kiến thức về ngữ pháp và từ vựng rất tốt nên khá dễ để dạy họ nhưng khó khăn nhất là khi học ở trường, Họ học với một cây bút và quyển vở ghi. Tuy nhiên khi học nói và nghe, bạn không học với cây bút và giấy mà học với cái tai và miệng.

 

* Vậy bà có lời khuyên gì để có thể học tốt được hai kỹ năng nghe - nói tiếng Anh?

 

Nhiều gia đình ở nông thôn hiện nay đã có tivi nên có thể xem những chương trình bằng tiếng Anh và phim tiếng Anh. Nhiều sinh viên cũng không còn e dè mà đã mạnh dạn nói chuyện với người nước ngoài để học cách nghe và nói tiếng Anh. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã có chủ trương đưa tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ cấp I và tiếng Anh được dạy ở tất cả các trường. Tôi nghĩ đó là ý tưởng hay và trình độ tiếng Anh của các em sẽ tốt hơn nhiều trong vòng 5 năm tới. Để học tốt kỹ năng nghe - nói nên nghe chương trình radio, kênh tivi phát bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Khi xem phim có phụ đề tiếng Việt, đừng đọc phụ đề tiếng Việt bên dưới mà hãy lắng nghe, lắng nghe. Những đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam cho biết, họ nói tiếng Anh giỏi là do họ thường xuyên lắng nghe đài phát tiếng Anh.

 

* Bà thích điều gì ở Huế?

 

Tôi thích nhất là festival Huế. Tôi đã ở đây vào Festival Huế 2008 và 2010. Festival number one! Thật sự tuyệt vời! Tôi dự định sẽ trở lại vào năm tới Festival Huế 2012 ngay cả khi tôi không trở lại để làm việc thì tôi cũng trở lại để tham dự festival. Tôi có người lái xe taxi quen thuộc luôn đến chở tôi đi dạy và một người xích lô luôn đến đón tôi đi dạo. Tôi rất thích đi du lịch bằng xích lô vào cuối tuần, chúng tôi đi và xem điều gì mới mẻ ở Huế. Chúng tôi đến những làng quê, đi thăm di tích Hổ quyền, những di tích và thắng cảnh ở Huế, đi mua sắm chợ Đông Ba... Con người Huế rất thân thiện và lành mạnh. Tôi thích thức ăn, thích kỳ nghỉ tết ở đây và đặc biệt là hoa tết. Cứ mỗi dịp tết đến, mọi người lại đến chợ hoa mua hoa về nhà, nhiều xích lô chở đầy những hoa, thật dễ thương! Tôi yêu thích thành phố của các bạn và 4 năm ở đây với tôi thật tuyệt vời!

 

*Xin cảm ơn bà và mong sẽ gặp lại bà ở Huế!

 

Ngọc Hà

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương.

Tuyển sinh Đại học 2024 Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

TIN MỚI

Return to top