ClockChủ Nhật, 27/05/2018 06:45
GIÁO SƯ PIERO CAPPUCCINELLI, VIỆN SĨ VIỆN HÀN LÂM Ý, GIÁM ĐỐC DỰ ÁN CARLO URBANI:

Huế là ngôi nhà thứ hai của tôi

TTH - 17 năm gắn bó với Trường đại học Y Dược (ĐHYD) Huế, với Giáo sư Piero Cappuccinelli (Đại học Sassari, Viện sĩ Viện Hàn lâm Ý, Giám đốc Dự án Carlo Urbani, Giáo sư danh dự của Đại học Huế), Trường ĐHYD và Huế trở thành ngôi nhà thứ hai. Trong dịp về Huế gần đây, Giáo sư Piero Cappuccinelli đã dành cho Thừa Thiên Huế Cuối tuần một cuộc trò chuyện cởi mở.

Trường đại học Y Dược Huế tổng kết dự án Carlo UrbaniLễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của bác sĩ Carlo Urbani và khởi động Dự án Carlo Urbani giai đoạn 3Họp báo Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của bác sĩ Carlo Urbani và khởi động Dự án Carlo Urbani giai đoạn 3

Giáo sư Piero Cappuccinelli

* Mô hình hợp tác giữa Đại học Sassari của Ý và Trường ĐHYD - Đại học Huế được xem là một mô hình hay để các đại học khác học tập. Giáo sư hẳn rất hài lòng với kết quả này?

Đại học Sassari của Ý và Trường ĐHYD – Đại học Huế có mối quan hệ hợp tác với nhau rất tốt. Tôi cảm thấy rất hài lòng. Tôi muốn nhấn mạnh, đây là mối quan hệ rất bền vững và lâu dài đã bắt đầu từ năm 2001 cho đến nay và mối quan hệ này giờ đây vẫn tiếp tục phát triển.

* Trong những thành tựu đã đạt được, theo giáo sư đâu là thành tựu quan trọng nhất?

Thành tựu quan trọng nhất là về đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, vì đào tạo nguồn nhân lực là chìa khóa cho tất cả các thành công khác. Những dự án hợp tác giữa hai trường đại học chủ yếu là về tăng cường nguồn nhân lực cho Trường ĐHYD Huế, trong đó có những hợp phần về hạ tầng cơ sở và cung cấp trang thiết bị, nhưng một hợp phần rất lớn là về đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn hóa các năng lực cũng như các hình thức đào tạo.

Kết quả cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực là: có 19 bác sĩ của Trường ĐHYD Huế hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Sassari hoặc đang trong quá trình hoàn thành khóa học; đào tạo thạc sĩ, đặc biệt là thạc sĩ về công nghệ y sinh học, đến nay đã có trên 60 học viên tốt nghiệp. Chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa đào tạo về lâm sàng không những cho học viên là cán bộ của ĐHYD Huế mà cả các cơ sở y tế khác thuộc các tỉnh miền Trung Việt Nam thông qua dự án Carlo Urbani. Các học viên sau khi học xong tiến sĩ, hiện làm cán bộ chủ chốt ở các phòng, ban cũng như các khoa bộ môn của Trường ĐHYD Huế. Tôi nghĩ, đó là một trong những đóng góp rất lớn của dự án này cho sự phát triển của nhà trường.

Phòng thí nghiệm vi sinh và an toàn sinh học cấp 3, Trung tâm Carlo Urbani

* Giáo sư có thể nói thêm về những kết quả nổi bật của dự án Carlo Urbani?

Dự án kéo dài 10 năm (từ năm 2007 đến 2017), chia làm 3 giai đoạn và mục tiêu chính là kiểm soát bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp. Trong quá trình triển khai dự án, nhiều khóa tập huấn đã được tổ chức cho đội ngũ cán bộ y tế của Huế và các tỉnh miền Trung về dự phòng và điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, đặc biệt là các bệnh lý có nguy cơ lây nhiễm cao.

Trong khuôn khổ dự án, chúng tôi xây dựng một phòng thí nghiệm đạt mức an toàn sinh học cấp 3 - một mức rất cao nhằm chẩn đoán các vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm. Chúng tôi cũng xây dựng đơn vị hồi sức tích cực ở Bệnh viện Trường ĐHYD Huế, trong đó có những phòng dành riêng cho đối tượng là những bệnh lây nhiễm cấp tính và nặng qua đường hô hấp. Đến năm ngoái, ở Việt Nam chỉ có 3 thành phố có phòng thí nghiệm đạt mức an toàn sinh học cấp 3 là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Huế.

* Trong quá trình hợp tác với Trường ĐHYD Huế, giáo sư ấn tượng nhất điều gì?

Tôi đã ở Huế 17 năm và rất ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của Trường ĐHYD Huế.

Dự án Carlo Urbani kết thúc năm ngoái và tôi đang ở đây để hỗ trợ cho dự án có nguồn vốn vay từ Chính phủ Ý và hỗ trợ trực tiếp cho Trường ĐHYD Huế với hai hợp phần: xây dựng viện y sinh học (xây dựng mua sắm trang thiết bị để phát triển các nghiên cứu về mảng y sinh học) và xây dựng tòa nhà 7 tầng cho bệnh viện Trường ĐHYD Huế để chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Đây là hợp tác không chỉ ở tầm đại học mà tầm chính phủ và là sự hỗ trợ của Chính phủ Ý cho Việt Nam, đặt tại Trường ĐHYD Huế. Trong dự án ODA này, không chỉ có hợp phần lớn ở Trường ĐHYD Huế mà còn có hợp phần cho tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

* Cơ duyên nào dẫn ông đến với Trường ĐHYD Huế?

Đây là một sự tình cờ. Những năm 1990 tôi thường đưa sinh viên đến thực tập những nước đang phát triển trên khắp thế giới. Đầu tiên là đến châu Phi. Tại một hội nghị ở Zimbabwe, tôi đã gặp một người làm về hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam. Người này đã khuyên tôi đến Việt Nam. Ngay sau lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi quyết định sẽ ở lại làm việc vì tôi thích đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt là Trường ĐHYD Huế. Tôi coi Trường ĐHYD Huế và Huế như là ngôi nhà thứ hai của tôi. Mỗi năm tôi trở lại đây vài đợt và đợt ở đây lâu nhất có khi đến 3 tháng.

* Vì sao giáo sư lại chọn Huế mà không phải là một thành phố nào khác ở Việt Nam?

Huế là Cố đô của Việt Nam. Năm 1968  trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ định phá hủy Đại Nội Huế và tôi là một trong những sinh viên ở Ý xuống đường biểu tình chống lại việc phá hủy những công trình có giá trị lịch sử ở Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến tôi quyết định chọn Huế.

* Những lúc rảnh rỗi giáo sư thường làm gì? Huế và thành phố quê hương ông ở Ý có những điểm tương đồng gì không?

Tôi thường chạy xe máy loanh quanh thành phố để thăm thú mọi nơi ở Huế. Tôi thích không gian yên tĩnh trong Thành Nội, thích sông Hương, những vùng quê và chùa chiền ở Huế rất đẹp. Về cảnh vật và con người thì hai thành phố hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên, người Ý có nhiều điểm tương đồng với người Việt Nam.

* Giáo sư có thể chia sẻ một vài dự định sắp tới của ông?

Tôi đang làm cho dự án hợp tác của chính phủ Ý với Trường ĐHYD Huế, dự án này sẽ kết thúc vào năm 2020. Đây là dự án của Chính phủ Ý nhưng đơn vị thực hiện là một hiệp hội gồm Đại học Sassari và Tổ chức phi chính phủ AISPO. Vì vậy từ đây tới đó tôi phải hoàn thành các mục tiêu của dự án và tôi cũng làm công tác nghiên cứu giảng dạy ở đây. Tôi rất vui vì trong khuôn khổ dự án Carlo Urbani, các nghiên cứu sinh cùng các giáo sư hướng dẫn đã hoàn thành trên 30 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế và khoảng 40 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học trong nước. Đó là một thành tựu rất lớn.

Năm 2009, tôi đã được phong tặng là giáo sư danh dự của Đại học Huế và Trường ĐHYD Huế. Tôi rất tự hào về danh hiệu này và cũng đang làm việc trên vai trò này.

* Xin cảm ơn giáo sư!

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng hòa nhịp với The Rodeo

Tối 23/6 tại hội trường A, Trường đại học Y Dược Huế (06 Ngô Quyền) diễn ra concert pop-rock của nhóm nhạc The Rodeo.

Cùng hòa nhịp với The Rodeo
Phong tước Hiệp Sĩ cho cố bác sĩ Carlo Urbani

Chiều 7/3, Chính phủ Ý cùng Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế và các đối tác đã tổ chức lễ tưởng niệm và trao Huân chương Ngôi sao Ý cho cố bác sĩ Carlo Urbani.

Phong tước Hiệp Sĩ cho cố bác sĩ Carlo Urbani
GS.TS Võ Tam được nhận Danh hiệu “Top 100 Nhà quản lý, trí thức tiêu biểu hội nhập ASIA”

Thầy thuốc nhân dân (TTND), GS.TS.Võ Tam, Giảng viên cao cấp Bộ môn Nội, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế vừa được nhận Danh hiệu “Top 100 Nhà quản lý, trí thức tiêu biểu hội nhập ASIA”. Hoạt động diễn ra tại Lễ trao giải Top 100 “Nhà quản lý, trí thức tiêu biểu hội nhập ASIA” tổ chức tại thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia từ 21-23/11.

GS TS Võ Tam được nhận Danh hiệu “Top 100 Nhà quản lý, trí thức tiêu biểu hội nhập ASIA”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top