ClockChủ Nhật, 28/04/2019 06:08

“Huế mãi được giữ gìn”

TTH - “Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng (Nhật Bản) báo tin đã xin được kinh phí để tiếp tục các hoạt động nghiên cứu trong 4 năm tới. Như vậy, mô hình “Tour du lịch nghiên cứu sinh thái” ở lăng vua Gia Long sẽ có thêm nhiều cơ hội sớm hoàn thành điều chỉnh để đưa vào khai thác…”, chị Lê Thị Thanh Bình, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Hợp tác Đối ngoại (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) chia sẻ niềm vui.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Nhà lưu niệm cụ Phan Bội ChâuNhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Đại Nội

Nhật Hoàng đến Huế

Từ lời kêu gọi “Cứu vãn Huế”

Hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ công cuộc bảo tồn trùng tu di tích Huế diễn ra từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến nay, thăm khu di sản Huế, rất dễ gặp “bạn bè quốc tế” qua những công trình di tích được trùng tu, phục hồi từ các dự án hợp tác đối ngoại, như: Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Ba Lan, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Ý, Canada… Thông qua các mối quan hệ hợp tác đối ngoại, khu di sản Huế không chỉ tranh thủ được nguồn tài trợ quốc tế, thụ hưởng công nghệ, thiết bị và phương pháp luận bảo tồn hiện đại, mà còn có thể kết hợp đào tạo cho nguồn nhân lực tại chỗ. Chính sự chung tay của bạn bè quốc tế giúp Thừa Thiên Huế tự tin với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế, như khẳng định của cố vấn văn hóa của UNESCO vùng châu Á - Thái Bình Dương Richard A.Engelhardt: “Huế vẫn mãi mãi được giữ gìn”.

UNESCO là tổ chức khơi nguồn, đồng thời cũng đã luôn dành sự hỗ trợ tích cực nhất về mặt tài chính, kỹ thuật cũng như vận động quốc tế tài trợ cho di tích Huế. Gần 40 năm qua, kể từ “Lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế” vào năm 1981 do UNESCO phát động, khu di sản Huế đã có được mối quan hệ hợp tác với hơn 10 chính phủ, 30 tổ chức phi chính phủ, 10 tổ chức quốc tế, thu hút gần 10 triệu USD qua các gói tài trợ về kỹ thuật và tài chính.

Nhật Bản là quốc gia có mối quan hệ hợp tác rất sớm với Thừa Thiên Huế và đối tác đặc biệt trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa Huế. Thông qua UNESCO, các chuyên gia của Đại học Waseda (Nhật Bản) đã đến Huế từ những năm đầu thập kỷ 80 để hỗ trợ việc lập hồ sơ đánh giá, khảo sát về hiện trạng quần thể di tích Cố đô Huế. Từ năm 1990, Nhật bắt đầu các hoạt động tài trợ cho công tác trùng tu, bảo tồn Di sản Huế, với dự án quy mô đầu tiên là trùng tu Ngọ Môn. Tiếp nữa là tập trung giúp Huế lập hồ sơ đệ trình UNESCO để Quần thể di tích Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993. Trên nền tảng đó, đến những năm 1993-1994, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Đại học Waseda chính thức thiết lập các mối quan hệ độc lập. Sự tiến lên một bước mới này đã giúp hai bên xác định những nội dung, phần việc cụ thể cần nghiên cứu. Thông qua các mối quan hệ của mình, Đại học Waseda mời thêm nhiều chuyên gia về gỗ ở các tổ chức khác trên đất nước Nhật Bản, cùng Huế chuyên sâu nghiên cứu những vấn đề liên quan đến vật liệu gỗ để đề xuất giải pháp bảo tồn phù hợp cho khu di sản. Điện Long Đức và điện Chiêu Kính là hai công trình ở Hoàng thành được trùng tu, tái thiết với sự hỗ trợ cả về chuyên môn, kinh phí của đối tác Waseda cùng các cộng sự trong giai đoạn này.

Đến sản phẩm có thể ứng dụng

Qua gần 30 năm trao đổi hợp tác kể từ khi mối quan hệ giữa đôi bên được thiết lập, mối quan hệ hợp tác trao đổi về văn hóa giữa Nhật Bản với Thừa Thiên Huế tiếp tục có những bước phát triển lớn. Nhật không chỉ giúp Huế nghiên cứu sưu tầm, đào tạo nghiệp vụ kỹ năng chuyên môn về trùng tu bảo tồn di tích và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, mà còn là nước có sự tài trợ lớn nhất và quan trọng nhất về mặt tài chính.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Đại học Waseda hợp tác nghiên cứu những vấn đề về bảo tồn bền vững môi trường nông thôn và đô thị lịch sử dọc theo sông Hương trong các năm 2016-2018. Kết quả thu về là những kết luận và kiến nghị mang tính đột phá nhằm bảo tồn khu vực Huế gắn với sông Hương như một chỉnh thể thống nhất và phát triển một cách bền vững. Những kết quả này phục vụ hữu ích cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích Huế, đặc biệt là việc xây dựng hồ sơ tái đề cử cảnh quan văn hóa thế giới mà Trung tâm đang thực hiện.

“Tour du lịch nghiên cứu sinh thái” ở lăng vua Gia Long là một trong những sản phẩm hợp tác cụ thể mà hai bên đạt được trong giai đoạn này. Dự án khuyến khích người dân bản địa chung tay vào việc bảo vệ, sử dụng và quản lý tài nguyên cảnh quan văn hóa tại khu vực lăng tẩm hoàng gia ở thượng nguồn sông Hương; đồng thời, mở ra cơ hội chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân.

Bài: ĐỒNG VĂN - Ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top