ClockThứ Bảy, 28/01/2017 07:13

Huế, nhìn từ bên ngoài xứ Huế…

TTH - Thu nhỏ câu nói về một quốc gia ấy để nói về xứ Huế cũng không có gì sai, nếu muốn Huế có thể thành bất cứ thành phố tân kỳ nào như trên dải đất này, thậm chí trong cả khu vực này, nhưng không một thành phố nào có thể được như Huế.

KTS Bill Bensley

1. Vài tuần trước, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng kiến trúc sư Bill Bensley, người được mệnh danh là “ông Hoàng của các resort”, “top 5” kiến trúc sư hàng đầu thế giới. Bill Bensley là người đã thiết kế khu resort Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Khu resort này ba năm liền được xếp hạng “resort sang trọng bậc nhất thế giới” do World Travel Awards trao tặng. Trong câu chuyện về kiến trúc của khu nghỉ dưỡng luôn được coi là “tuyệt tác kiến trúc” này, Bill Bensley nói với chúng tôi về bản thiết kế cho những căn nhà tại resort được ông lấy cảm hứng từ những ngôi chùa xứ Huế. Từ những ngôi chùa ấy, ông tạo nên một bộ “gien” kiến trúc riêng cho khu resort này mà ông gọi là “ADN” làm mẫu mực cho tổng quan khu vực. “Anh biết không, khi người dân xây chùa, họ đặt vào đó tất cả sự kính trọng và yêu thương, vì thế những ngôi chùa Việt luôn có một ngôn ngữ kiến trúc rất đặc trưng của người Việt. Tôi tinh lọc những tinh hoa kiến trúc ấy để tạo tác cho những đường nét hình khối của khu resort này”.

Quả thực, nhìn những mái ngói nâu đen mang dáng dấp của những mái chùa vừa thanh đạm mà gần gũi, tạo nên một không gian thuần Việt trong hình hài một khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới bên bán đảo này, mới hiểu vì sao người ta gọi Bill Benslay là “ông hoàng của các resort”, bởi trong số hơn 200 resort ông thiết kế ở 34 quốc gia, có hơn 100 công trình đã được nhận giải thưởng về kiến trúc.

Kiến trúc của Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort với bản ADN lấy cảm hứng từ kiến trúc chùa Huế.

Nhưng câu chuyện về Bill Benslay sẽ được nói vào một dịp khác. Điều khiến tôi suy ngẫm là tại sao ông có thể làm được như thế-như ông thú nhận, chắt lọc tinh hoa từ kiến trúc chùa Huế để đưa vào tác phẩm của mình và được vinh danh trên toàn thế giới? Huế phải là một điều gì thật độc đáo và kỳ lạ mà đôi khi chúng ta đã không nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của nó? Để xây những khách sạn cao tầng chọc trời với kiến trúc hiện đại là điều không quá khó với công nghệ tân tiến hôm nay, nhưng trên miền đất Hương Ngự này, để công trình kiến trúc đồng điệu cùng cảnh quan, để bước chân vào đó, chúng ta nhận ra tinh thần Huế có lẽ đã có nhiều cơ hội bị đánh mất. Cả một cuộc đấu tranh quyết liệt, mà câu chuyện về khách sạn trên mái đồi Vọng Cảnh hơn mười năm trước là một minh họa sinh động.

2. Cái “tinh thần Huế” ấy, tôi cũng đã có lần nghĩ tới khi đặt chân tới Vương quốc Bhutan bên sườn nam dãy Hymalaya. Xứ sở mệnh danh là “vườn địa đàng cuối cùng” là quốc gia hạnh phúc ấy cũng có một tinh thần như Huế, quá nhiều những tu viện (dzoong) và con người sống chan hòa với cỏ cây, trong một không gian thấm đẫm Phật giáo Kim Cang Thừa. Cái xứ sở đó không xa hoa tráng lệ, áp cái tiêu chuẩn giàu có của thế giới hiện đại cho họ-những cư dân Bhutan, chắc họ sẽ là một quốc gia nghèo. Nhưng niềm hạnh phúc của họ hiển hiện cụ thể trong từng gương mặt, từng nụ cười, từng vòng đi chậm rãi bên chiếc luân xa quay đều.

Bhutan - miền an lạc

Vì sao nhìn xứ sở Bhutan tôi lại nhớ đến Huế? Trước khi lên đường sang Bhutan, tôi không nhớ cuốn sách của tác giả Cao Huy Thuần “Thấy Phật” đã được một người bạn nào đó đặt vào tay tôi để đọc trên chuyến tàu hỏa lắc lư trở về sau một chuyến công tác dài ngày trên biên ải. Và trong “Thấy Phật”, tôi ngạc nhiên khi biết rằng Bhutan cái xứ sở ấy chỉ với một câu nhận xét này thôi đã mê dụ tôi rồi: “Nếu muốn, Bhutan sẽ trở thành bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng nếu muốn cũng không có quốc gia nào trên thế giới có thể trở thành Bhutan”.

Thu nhỏ câu nói về một quốc gia ấy để nói về xứ Huế cũng không có gì sai, nếu muốn Huế có thể thành bất cứ thành phố tân kỳ nào như trên dải đất này, thậm chí trong cả khu vực này, nhưng không một thành phố nào có thể được như Huế. Bởi cái vỏ vật chất nhà cửa đường sá, xe cộ, hạ tầng... ấy chỉ cần có tiền là sẽ xây dựng ngay trong một đêm như truyện cổ tích, nhưng cái tinh thần Huế, cái không gian sương khói ấy, những ngôi chùa u tịch, những lăng tẩm đền đài, những đồi thông, dòng sông cây cầu, con phố… Huế ắp đầy tinh thần của một miền thiền mà không có xứ nào trên đất nước này có thể có nơi chốn thứ hai.

Tu viện hòa giữa thiên nhiên tương đồng như chùa chiền xứ Huế

Không phải như một câu hát quen thuộc: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”, Huế là một ngụ ngôn tinh thần độc đáo được kết tinh từ thiên nhiên, chùa chiền, con người, lối sống. Người ta có thể ví một xứ sở khác trên đất nước này như Măng Đen là Đà Lạt thứ hai, như Hoa Lư là Hạ Long trên cạn... Nhưng không có một nơi chốn nào để ví von cho Huế, một xứ sở của những thiên hướng về không gian tinh thần, như những cư dân Bhutan quần tụ bên những “dzoong” của họ, an lạc giữa cõi người.

Tôi không tin một người Huế “gộc” lại có thể chọn cao ốc tiện nghi thay cho ngôi nhà vườn xanh cây lá, chọn hào nhoáng lóng lánh thay cho vẻ u trầm rêu phong. Và cách sống cũng thế, một người đạp xích lô vẫn an lạc hạnh phúc nếu con cái học hành tử tế hơn là làm một đại gia nhưng thiếu vắng sách vở. Nhiều ngày mưa, ngồi ở quán cà phê ở Bảo tàng Văn hóa (trụ sở cũ UBND thành phố), nhìn ra công viên Tứ Tượng, tôi luôn thấy một người đạp xích lô vào đó, ngồi dưới tán của cây đèn pháp lam và đọc một cuốn sách, hình ảnh người đàn ông lam lũ đọc sách ấy chính là hiện thân của an lạc, một tinh thần như tôi đã gặp ở Bhutan.

3. Huế độc đáo đến mức có lần xem bộ phim nổi tiếng “ Eat, Pray, Love” ( Ăn, Cầu nguyện và Yêu) tôi chợt nghĩ ngay đến Huế. “Ăn, cầu nguyện và yêu” là bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Elizabeth Gilbert được Ryan Murphy đạo diễn và minh tinh màn bạc Hollywood, cô đào Julia Roberts thủ vai chính – câu chuyện là tự truyện của Gillbert, một phụ nữ có tất cả trong tay những gì mà nhiều người khác mơ ước, sự nghiệp thăng hoa, ngôi nhà tiện nghi, người chồng đẹp trai giàu có... nhưng cô vẫn thấy mất phương hướng. Từ bỏ tất cả, cô lên đường đi tìm sự bằng an cho chính cô, và trên hành trình đó, cô đã “ăn” ở Italia, “cầu nguyện” ở Ấn Độ và “yêu” ở Bali (Indonesia), và như trên đã nói tôi liên tưởng tới Huế vì có đủ cả ba niềm vui trần thế và tâm linh ấy, như là Italia cộng Ấn Độ cộng với Indonesia. Huế có một văn hóa ẩm thực độc đáo bậc nhất xứ sở (ăn), Huế có một không gian tâm linh với hàng trăm ngôi chùa, thiền viện tu viện (cầu nguyện) và thiên nhiên cảnh sắc của Huế đủ sức để những tình nhân hẹn hò lãng mạn (yêu).

Ngày còn sinh viên, khi xem bộ phim tài liệu về sông Hương, tôi nhớ mãi lời bình của nhà thơ Hải Như: “Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương để nhớ, cũng như cuộc đời có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mang theo...”. Huế với nhiều người vừa là dòng sông thương nhớ, vừa là cuộc tình để mang theo...

Bài, ảnh: Lê Đức Dục

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội ngộ “Những người bạn”

Nhóm các họa sĩ đến từ nhiều nơi đã nặng lòng với Huế để rồi vẽ nên những tác phẩm về vùng đất được mệnh danh “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” như tiếng lòng kỷ niệm với xứ Cố đô.

Hội ngộ “Những người bạn”
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Return to top