ClockThứ Năm, 15/09/2016 10:27

Huế sẽ có bảo tàng mỹ thuật...

TTH - Huế chưa có Bảo tàng Mỹ thuật và không gian triển lãm đúng nghĩa là trăn trở nhiều năm nay của giới mỹ thuật nói riêng và ngành văn hóa nói chung. Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT; họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế.

Nhu cầu bức thiết

Hiện nay, những không gian dành cho triển lãm mỹ thuật đều nhỏ và tạm bợ, Bảo tàng Mỹ thuật cũng chưa có. Theo các ông điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động mỹ thuật của tỉnh nhà?

TS. Phan Tiến Dũng

TS. Phan Tiến Dũng: So với các trung tâm văn hóa khác của miền Trung, Huế có lợi thế và là nơi hội tụ nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng. nhiều triển lãm có tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức ở Huế nhưng địa điểm thì chỉ kết hợp trong không gian các trung tâm văn hóa, thư viện, các bảo tàng… do vậy chỉ mang tính tạm thời và không đáp ứng tính chất cũng như quy mô.

Nhạc sĩ Lê Phùng: Việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật là nhu cầu bức thiết hiện nay của một địa phương giàu truyền thống văn hóa như Thừa Thiên Huế. Trước đó có rất nhiều họa sĩ tài danh tốt nghiệp từ các trường đào tạo mỹ thuật tại Paris, như: Lê Văn Miến, Tôn Thất Đào, Tôn Thất Sa… với những tác phẩm mà chúng ta không thể để bị mai một.

Các thế hệ sau này cũng có nhiều họa sĩ có tác phẩm chất lượng cao nhưng khi vẽ xong, họ không có nơi bảo quản nên phải bán bán thốc, bán tháo, rất đau lòng! Sáng tạo tác phẩm mà không có nơi trưng bày, giới thiệu với công chúng thì họa sĩ cũng bị mai một về tinh thần, ý chí.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: Hiện các không gian trưng bày đều quá nhỏ, không đủ để tổ chức những triển lãm quy mô. Hội Mỹ thuật rất lúng túng mỗi khi tìm địa điểm tổ chức triển lãm và phải cố gắng xoay sở trong điều kiện thiếu thốn.

Điều đó cho thấy bức thiết phải có một không gian triển lãm đúng nghĩa cho Huế, tiến đến là phải có Bảo tàng Mỹ thuật?

Nhạc sĩ Lê Phùng

Nhạc sĩ Lê Phùng: Nhu cầu có Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã đề cập rất nhiều. Trước đây, tại các kỳ họp của HĐND tỉnh, khi đề cập đến thiết chế văn hóa, tôi cũng đã đề nghị đưa việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế vào giai đoạn 2015-2020. Nếu để quá lâu, không có quyết sách khẩn trương thì những tác phẩm như đã nói ở trên sẽ bị mai một trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Huế. 

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: Một không gian triển lãm đúng nghĩa và Bảo tàng Mỹ thuật là điều giới trí thức, văn nghệ sĩ đã mong mỏi, khao khát từ lâu. Bởi, muốn tiếp cận được với nghệ thuật đương đại, với nền hội họa của thế giới, chúng ta phải có không gian trưng bày đúng chuẩn, quy mô. Thiếu nó sẽ mất đi cơ hội tiếp cận với nền mỹ thuật đương đại của thế giới, không chỉ họa sĩ thiệt thòi không được giới thiệu tác phẩm đến công chúng mà công chúng cũng không tiếp cận được với nền mỹ thuật đương đại.

Nhiều nghệ sĩ sẵn sàng nhượng lại tác phẩm với giá rẻ hoặc trao tặng nhưng chưa có bảo tàng nên họ phải dừng lại. Đây là việc cần làm ngay, không thể để mất đi thời cơ.

TS. Phan Tiến Dũng: Tôi đồng tình với ý kiến của anh Tựu và anh Phùng. Việc phải có một trung tâm triển lãm là rất bức thiết bởi vì vấn đề tổ chức giao lưu giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa Huế ở một thành phố văn hóa, thành phố bảo tàng, thành phố du lịch và thành phố festival đang là mong mỏi của người dân Cố đô và nhu cầu của khách du lịch.

Mừng là tỉnh đã xác định trong Quy hoạch các thiết chế văn hóa giai đoạn 2013 - 2030 có việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Trong Đề án phát triển mỹ thuật Thừa Thiên Huế mà UBND tỉnh đã phê duyệt có nội dung nâng cấp Bảo tàng Văn hóa Huế thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Đây là một chủ trương kịp thời, tạo sự phát triển cho mỹ thuật Huế, đồng thời thực hiện đúng Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 18/2013/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bảo tàng văn hóa Huế sẽ được nâng cấp thành Bảo tàng mỹ thuật Huế. Trong ảnh:Triển lãm "Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh" tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Ảnh: Đ.Từ

Cố gắng sớm nhất có thể

Nhưng để thành lập Bảo tàng Mỹ thuật không phải nói là được…?

TS. Phan Tiến Dũng: Quan trọng nhất là tập trung chuẩn bị nội dung trưng bày, phương tiện, kỹ thuật bảo quản và địa điểm thuận lợi cho công chúng tiếp cận. Địa điểm được xác định trước mắt là tại Bảo tàng Văn hóa Huế hiện nay trên cơ sở nâng cấp bảo tàng này.

Trong chiến lược sắp tới, từ năm 2020 trở đi, theo định hướng của tỉnh, nếu khi Khu hành chính tập trung hoàn thành, trụ sở UBND tỉnh sẽ cùng một số cơ quan chuyển đến khu này thì địa điểm UBND tỉnh hiện tại sẽ trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Hiện Sở Văn hóa và Thể thao đang làm dự án và sẽ trình UBND tỉnh để có sự thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi xem xét thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế với kế hoạch và lộ trình thích hợp.

Chúng tôi đang xin chủ trương UBND tỉnh sưu tầm, mua, nhượng lại tác phẩm từ các tác giả và kêu gọi mọi người quan tâm đóng góp, gửi tác phẩm đến trưng bày, bảo quản nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm của công chúng trong ngoài nước. Trước đó, chúng tôi đã sưu tầm một số tác phẩm mỹ thuật đạt giải cao ở các liên hoan mỹ thuật, tác phẩm của các danh họa nổi tiếng của Thừa Thiên Huế và thế giới.

Nhạc sĩ Lê Phùng: Nên chăng tỉnh cần có lộ trình, kiểu như hàng năm giao cho Hội VHNT hoặc Sở Văn hóa và Thể thao, bố trí một khoản kinh phí nhất định hình thành Hội đồng nghệ thuật giúp tỉnh tiếp tục thuyết phục, vận động các họa sĩ hiến tặng tác phẩm, hoặc thương thảo với các họa sĩ, gia đình họa sĩ, nhà sưu tập tranh để mua tác phẩm mỹ thuật có chất lượng cho Bảo tàng Mỹ thuật. Nếu thành lập Bảo tàng Mỹ thuật mà nội lực không có, tác phẩm ít ỏi thì sẽ không hấp dẫn, thu hút.

Đặng Mậu Tựu

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: Nếu có không gian như thế, Hội Mỹ thuật sẽ phối hợp vận động anh em đóng góp tác phẩm, tham mưu về mặt chuyên môn cho bảo tàng.

Việc quy tụ tác phẩm bước đầu có những thuận lợi nhất định, có một số người hiến tặng, dù không nhiều nhưng là tiền đề để thành lập bảo tàng. Như mới đây, họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã tặng cho Huế 3 tác phẩm và nhiều người cũng mong muốn sẽ tặng tác phẩm cho Huế. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng mong muốn tặng bộ sưu tập của hội cho những địa phương thành lập Bảo tàng Mỹ thuật. Đó là một trong những tín hiệu vui để hình thành bảo tàng sớm.

Vậy bao giờ Bảo tàng Mỹ thuật Huế ra đời?

TS. Phan Tiến Dũng: Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ trong các thiết chế văn hóa ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có ghi rõ đầu tư xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế là giai đoạn 2020 – 2030. Nhưng UBND tỉnh yêu cầu, một khi hội đủ các tiêu chí, với sự thiết lập các bộ sưu tập độc đáo, có hệ thống trưng bày đảm bảo yêu cầu, nhân lực... thì sẽ thành lập Bảo tàng Mỹ thuật. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng đã chỉ đạo các ngành phối hợp phải xúc tiến và nhanh chóng thành lập bảo tàng này.

Theo tôi, nếu nâng cấp Bảo tàng Văn hóa Huế trong năm nay, đưa tất cả những hiện vật Chăm-pa về đây và có kế hoạch huy động, tập trung các tác phẩm mỹ thuật để trưng bày thì khả năng giai đoạn cuối năm 2017 hoặc giữa năm 2018, có thể Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ ra đời. Ra đời càng sớm thì càng quy tụ nhiều tác phẩm mỹ thuật cũng như kịp thời tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: Cá nhân tôi thì nghĩ cần phải sớm hơn nữa. Chúng ta có thể thành lập Bảo tàng Mỹ thuật, sau đó tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện. Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần được thành lập sớm ngày nào hay ngày ấy, càng sớm càng có nhiều thuận lợi, huy động được nhiều người ủng hộ tác phẩm và các phương tiện khác cho bảo tàng.

Nhạc sĩ Lê Phùng: Bên cạnh việc phải có kế hoạch chuẩn bị sưu tầm tác phẩm ngay từ bây giờ, việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật cần được tiến hành sớm, vì để càng lâu thì tác phẩm càng bị mai một.

Ngoài Bảo tàng Mỹ thuật, sắp tới, hệ thống bảo tàng, không gian văn hóa nghệ thuật sẽ được quy hoạch như thế nào, thưa ông?

TS. Phan Tiến Dũng: UBND tỉnh đã cho phép xây dựng Đề án trục không gian văn hóa nghệ thuật trên tuyến đường Lê Lợi, khu vực từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân. Tại đây, trong định hướng phát triển không gian văn hóa sẽ tập trung trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trên địa bàn đi đôi với chỉnh trang phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Ngoài việc nâng cấp Bảo tàng Văn hóa Huế thành Bảo tàng Mỹ thuật, lập Bảo tàng nghề thêu, Sở Văn hóa và Thể thao đang báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh chuyển Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị về đường Lê Lợi, hoán đổi vào vị trí tòa nhà Trung tâm Festival Huế hiện nay. Như vậy, tại khu vực này sẽ có Công viên và tượng Chí sĩ Phan Bội Châu, Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Văn hóa Huế (sắp tới sẽ nâng cấp thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế), Trung tâm Văn hóa Phương Nam (sau này có thể trở thành Trung tâm triển lãm văn hóa), Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Văn hóa Liễu Quán, Trung tâm Tổ chức hội nghị (đồng thời là nơi giới thiệu các sản phẩm đặc trưng về văn hóa Huế)…

Ngoài hệ thống trưng bày trên, tại các công viên trên trục đường Lê Lợi hiện còn có 87 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chúng tôi đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh chọn lựa nhiều tác phẩm đưa về đặt ở một số khu vực hai bên bờ sông Hương, từ cầu Dã Viên lên chùa Thiên Mụ phục vụ công chúng. Những nội dung trên đây, Sở Văn hóa và Thể thao đang làm đề án báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2016.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: Điều đó thật quá tốt. Trên trục đường Lê Lợi nếu có nhiều sản phẩm văn hóa thì con đường này sẽ trở nên sang trọng hơn, thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá văn hóa Huế.

Nhạc sĩ Lê Phùng: Đúng là rất tốt. Và, bên cạnh việc xây dựng hệ thống bảo tàng trên trục đường Lê Lợi, cần xây dựng những không gian bổ trợ, như: nơi mua sắm quà lưu niệm, quy hoạch bãi đỗ xe du lịch thích hợp... Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu nên được tổ chức lại để làm không gian vừa đi bộ vừa bán hàng lưu niệm đúng nghĩa của Huế.

Xin cảm ơn TS. Phan Tiến Dũng, nhạc sĩ Lê Phùng và họa sĩ Đặng Mậu Tựu về cuộc trao đổi!

MINH HIỀN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu, một họa sĩ tràn đầy năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Trở về với quê hương bản quán Bình Định, với nơi chôn nhau cắt rốn, ông mang theo cả một gánh hành trang nặng trĩu trái tim mình trong những câu chuyện của sắc màu. Vẫn phong cách tươi tắn sôi nổi, nhiệt huyết yêu thương của một họa sĩ của xứ dừa Tam Quan nhưng lỡ say mê sông Hương núi Ngự, ngỡ rằng đang ẩn mình trong cõi chiêm bao, hóa ra lại trần thế như một hạt bụi nhân gian vô thường vậy.

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu
Đặng Mậu Tựu và chuyến du hành cảnh sắc New Zealand

Không chỉ du hành đời thực, họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã kể lại chuyến du hành đến với quốc đảo New Zealand bằng tài năng hội họa. Xứ sở ấy vốn tuyệt đẹp, nay qua nét cọ của Đặng Mậu Tựu, người xem như lạc lối vào nơi chốn thơ mộng, lãng mạn dẫu chưa một lần đặt chân đến.

Đặng Mậu Tựu và chuyến du hành cảnh sắc New Zealand
Dòng sông tuổi thơ trong tranh Đặng Mậu Tựu

Không phải ai cũng có những tuổi thơ khốn khó mà vui tươi một cách hồn nhiên, được sống trong những không gian kỷ niệm với muôn vàn trò chơi của trẻ nhỏ. Không phải ai cũng có những trải nghiệm rộn vang tiếng cười cùng lũ bạn làng quê từ trò chơi này đến trò chơi khác…

Dòng sông tuổi thơ trong tranh Đặng Mậu Tựu
Return to top