ClockThứ Năm, 08/10/2015 10:31

Huế trong lòng GS Đinh Xuân Lâm

TTH - Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Đinh Xuân Lâm lại đặt tên cho đứa con tinh thần mới ra đời của mình là “Huế trong tôi”.

Chàng thanh niên Đinh Xuân Lâm đã học ở Trường Quốc học Huế từ năm 1941 đến 1945, tốt nghiệp với tấm bằng tú tài toàn phần Ban Triết học văn chương được cấp tại Huế vào năm 20 tuổi. Như lời thưa đầu cuốn sách của PGS.TS Đỗ Bang (Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế) “Với ký ức tuổi học trò đậm nét ở vùng núi Ngự, sông Hương. GS.NGND. Đinh Xuân Lâm có nhiều tình cảm sâu nặng với Huế, môi trường giáo dục của Huế vào tuổi thanh niên đã có ảnh hưởng mang tính định hình trong phong cách của giáo sư sau này.

Sinh thời, GS.Trần Quốc Vượng nhận xét về phong cách văn hóa của GS.Đinh Xuân Lâm, là người có: “Nét tinh tế và nghi thức của văn hóa Huế và sự trong sáng, thanh tao, lãng mạn… của văn hóa Pháp”.
Thật vậy, đọc hết nội dung cuốn sách này 254 trang, tập hợp 26 bài nghiên cứu in trên tạp chí Huế Xưa và Nay (của Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế) trong vòng 20 năm nay, người đọc sẽ thấy rõ hơn “nét Huế” được toát lên và xuyên suốt cuốn sách. Bố cục của cuốn sách được chia làm hai phần chính (phần thứ nhất: Nhân vật lịch sử và đổi mới sử học; phần thứ hai: ký ức một thời).
Ở phần thứ nhất, Giáo sư Đinh Xuân Lâm giới thiệu những nhân vật lịch sử tiêu biểu đã có tác động tích cực đến quá trình phát triển của lịch sử và văn hóa Huế nói riêng và lịch sử và văn hóa dân tộc nói chung. Đó là danh nhân Nguyễn Văn Tường, Đặng Huy Trứ… các sĩ phu yêu nước như Phạm Thận Duật, Phan Đình Phùng, Đào Nguyên Phổ, Bùi Văn Dị, Hoàng Minh Giám… trong đó, Giáo sư Đinh Xuân Lâm dành những dòng tâm huyết và trân trọng đối với cụ Hồ Đắc Điềm – một người con tiêu biểu của xứ Huế “Mãi tới gần đây, cũng nhân đọc cuốn Một tấm lòng với dân trí tôi mới nhận ra cái lý do sâu xa, cái động cơ mãnh liệt đã thúc đẩy vị trí thức Hồ Đắc Điềm đáng kính của chúng ta. Đó là khi giao cho cụ Điềm việc vận động xóa mù chữ ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nói với cụ: “Nghe nói chú nhiều chữ nghĩa lắm phải không? Vậy đừng có độc quyền mà phải san sẻ cho người khác”. Từ đó, cụ Hồ Đắc Điềm suốt trong 25 năm phụ trách Ban Vận động thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa của thành phố Hà Nội đã toàn tâm toàn ý dốc sức cho công tác đặc biệt này”. Lời nói của Bác Hồ có tác dụng như một “cú hích”, là sự cảm hóa tài tình của Bác đối với cuộc đời và sự nghiệp của vị đại trí thức chân chính Hồ Đắc Điềm.
Nếu như phần thứ nhất đề cập đến các nhân vật lịch sử tiêu biểu với giọng văn chính luận súc tích, cẩn trọng thì khi chuyển sang phần thứ hai “Ký ức một thời” người đọc sẽ bị thu hút bởi chất hoài niệm trầm lắng mà bay bổng, chân thật mà lãng mạn và không kém phần bay bổng của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, ấn tượng nhất là khi giáo sư nói về sông Hương “Khi chảy qua Huế, sông Hương - con sông mang cái tên ngọt ngào như cái tên của người con gái hiền dịu -còn được trang điểm thêm bởi màu hoa rực rỡ của hoa phượng vĩ chạy dài hai bên bờ mỗi khi hè tới, hay màu trắng trinh bạch của tà áo nữ sinh nhẹ bay như cánh bướm trước gió mát rượi từ lòng sông. Rồi quang cảnh đôi bờ, nào thành quách, phố xá, vườn hoa, chùa tháp…bóng lộng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng thêm thơ mộng, ngày là dải lụa biếc tắm nắng mặt trời, đêm là tấm thảm nhung phản chiếu trăng sao. Chính sông Hương đã mang lại cho Cố đô Huế cái không khí êm đềm, hiền hòa dịu dàng, yên tĩnh, cái chất thơ trầm lắng, cái chiều sâu văn hóa đặc sắc mà các thành phố khác không có”.Đâu chỉ dừng lại việc say đắm trong miêu tả vẻ đẹp riêng có của con sông Hương, Giáo sư Đinh Xuân Lâm khẳng định vị trí to lớn của con sông trong dòng chảy thẳm sâu của lịch sử và văn hóa xứ Huế “Nhưng đâu chỉ có thế! Cố đô Huế với con sông Hương xinh đẹp, trải qua dòng lịch sử, đã từng chứng kiến biết bao sự kiện bi hùng giàu ý nghĩa lịch sử và thời đại. Dòng sông Hương hiền hòa và xanh ngắt cũng đã bao lần sục sôi cuộn sóng trong tiếng hò reo của nhân dân vùng lên làm cho kẻ thù bạt vía kinh hồn”.
Khi cuốn sách này đến tay bạn đọc, cũng là lúc Giáo sư Đinh Xuân Lâm bước qua tuổi 90. Xin kính chúc Giáo sư mạnh khỏe, trường thọ, như cây đời xanh mãi, luôn có Huế trong lòng.
LÊ VIẾT XUÂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top