ClockThứ Bảy, 17/02/2018 06:31

Huế và điểm nhấn đô thị đại học

TTH - Đại học Huế vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn thăm và làm việc trong chuyến công tác ngày đầu năm mới 2018. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ đầu tư cụ thể để Huế sớm có một đô thị đại học tầm cỡ với đầy đủ các thiết chế.

Giải tỏa “tâm tư” cho đại học HuếĐại học Huế chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2017Đại học Huế xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại họcĐăng ký tuyển sinh các môn năng khiếu vào Đại học Huế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Giám đốc ĐH Huế và hy vọng ĐH Huế sẽ không ngừng phát triển

Đô thị đại học có thể được hiểu là đô thị được quy hoạch tổng thể với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có các công trình phục vụ mục đích nghiên cứu giáo dục, dịch vụ kết hợp giữa Nhà nước và xã hội hoá... Tất cả đều xoay quanh hạt nhân chính là các trường đại học.

Với khu Trường Bia được hình thành cách đây hơn 20 năm, Huế là một trong 5 địa phương về xây dựng mô hình làng đại học, được xem là “phiên bản” của đô thị đại học. Vì nhiều lý do, làng Đại học Huế cho đến nay vẫn còn dang dở. Đó cũng là  trăn trở của người đứng đầu Chính phủ khi Thủ tướng chỉ đạo đầu tư khu đô thị Đại học Huế tại Trường Bia; trong đó, Thủ tướng giao cho Chủ tịch UBND tỉnh tích cực vận động hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Thủ tướng cũng giao cho các bộ, ngành liên quan vận động tìm nguồn để có được 100 triệu USD từ nguồn vốn ODA, đầu tư xây dựng đô thị Đại học Huế hoàn chỉnh.

Ra đời từ năm 1957, Đại học Huế là cơ sở đại học được hình thành và phát triển sớm nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trải qua 60 năm, với nhiều lần thay đổi về tên gọi, mô hình tổ chức và cả cấu trúc, Đại học Huế có vị thế và vai trò lịch sử không bao giờ thay đổi, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, quy mô lớn và chất lượng đào tạo giáo dục hàng đầu. Với 47.500 sinh viên chính quy, 3.878 cán bộ, viên chức và lao động, trong đó có gần 250 giáo sư, phó giáo sư... cho thấy quy mô lớn đứng hàng thứ hai quốc gia của Đại học Huế, chỉ xếp sau Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Còn con số  8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu, 2 viện nghiên cứu, 7 trung tâm và nhà xuất bản với 119 ngành đào tạo đại học, 81 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, cho thấy tính chất đa ngành, đa lĩnh vực và uy tín hàng đầu của thương hiệu Đại học Huế. Đó là những lý do không phải ngẫu nhiên mà Đại học Huế luôn nằm trong top 5 bảng xếp hạng các đại học cả nước và vị thứ 350 đại học hàng đầu châu Á.

Giáo dục đại học nói chung và giáo dục ở Đại học Huế nói riêng đang đứng trước rất nhiều thách thức trong hội nhập và phát triển. Điều đáng nói là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn đó, Đại học Huế đã luôn vận động và xác định được hướng đi cho riêng mình. Một trong hướng đi đã được khẳng định của Đại học Huế là phát triển theo định hướng nghiên cứu. 5 năm qua, Đại học Huế có 179 đề tài cấp Quốc gia. Mỗi năm, Đại học Huế có khoảng 300 - 400 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và SCOPUS. Xếp hạng theo số lượng công bố ISI giai đoạn 2016 -2017, Đại học Huế xếp hạng 8 trong số 10 đại học hàng đầu Việt Nam, một thành quả đáng tự hào nhưng chưa thật hài lòng.

Theo dõi buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Đại học Huế, dễ dàng nhận thấy điểm gặp gỡ thú vị giữa khát vọng vươn lên của một cơ sở giáo dục hàng đầu với sự cảm thấu và tâm huyết góp phần gỡ khó của người đứng đầu Chính phủ. Trong phát biểu của mình, lời Thủ tướng lưu ý cũng đã chạm vào tâm thức và tình cảm bao người dân Huế: “Đại học Huế phải đào tạo ra những người không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ sư, bác sĩ bình thường, mà còn cả văn hóa, đúng như xứ Huế giàu truyền thống quý báu của chúng ta”.

Hội nhập và phát triển đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và 4 định hướng được Thủ tướng nêu ra là cách “gỡ khó” cho Đại học Huế: Quan tâm phương pháp nghiên cứu, kỹ năng mềm cho sinh viên; đào tạo theo nhu cầu xã hội gắn xu thế quốc tế, sinh viên phải tự lập khởi nghiệp; cần tăng cường ứng dụng công nghệ; cuối cùng là chuyển dần sang tự chủ đại học. Rõ ràng, khi mà tự chủ đang là xu thế quản trị đại học của thế giới, Đại học Huế cần phải đổi mới theo lộ trình đó. Tự chủ về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chủ động về tài chính, về cơ chế, nhân sự và mọi mặt trong hoạt động. Cái đích hướng đến, như khẳng định của Thủ tướng, là “các sản phẩm của Đại học Huế phải được “kiểm định” đánh giá thường xuyên, công khai và được trong nước, quốc tế chấp nhận”.

Khi đặt viên gạch đầu tiên, Đại học Huế đã góp phần bổ sung thêm một giá trị mới vào truyền thống văn hóa của vùng núi Ngự, sông Hương và luôn mong muốn về sự phát triển không ngừng. Đã đến lúc, Đại học Huế cần có sự bứt phá để vươn lên. Trong ý nghĩa đó, chuyến thăm Đại học Huế vào đầu năm mới 2018 của Thủ tướng Chính phủ như một khởi đầu mang tính biểu tượng. Nó đến từ một sự quan tâm đầu tư cụ thể để Huế sớm có một đô thị đại học hoàn chỉnh và góp thêm một điểm nhấn trên mảnh đất Cố đô.

Bài, ảnh: Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Khai mạc giải đua ghe truyền thống phường An Đông

Sáng 16/3, tại khu vực sông An Cựu, UBND phường An Đông, TP. Huế tổ chức lễ khai mạc giải đua ghe truyền thống năm 2024 chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 17 năm thành lập phường An Đông. Tham dự có TUV, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật; lãnh đạo thành phố, các địa phương và đông đảo người dân trên địa bàn.

Khai mạc giải đua ghe truyền thống phường An Đông

TIN MỚI

Return to top