ClockChủ Nhật, 14/01/2018 14:31

Huế vui trong hẻm

TTH - Huế ngó vậy mà vẫn thôi thúc những nhịp vui riêng, không xô bồ như các cung đường lớn, mà phải chui vô kiệt, quẹo vào hẻm mới tìm thấy được...

Sài Gòn hẻmBình yên hẻm nhỏGánh bánh rong xứ Huế

Hẻm karaoke “nức danh” xứ Huế

1 - Huế qua ánh nhìn của những người đi xa trở về thường “răng mà như bé lại”, rồi từ đôi mắt của mấy khách ở xa thì “sao mà buồn”. Tôi được hỏi mãi, dù không thanh minh điều gì, vì đôi khi cũng gật gù đồng ý thật. Nhưng Huế ngó vậy mà vẫn thôi thúc những nhịp vui riêng, không xô bồ như các cung đường lớn, mà phải chui vô kiệt, quẹo vào hẻm mới tìm thấy được.

Dạo này các tuyến phố lớn đang xây dựng lại, hoặc chủ nhà muốn đầu tư những kế hoạch hoành tráng hay sao, mà mấy hàng quán ăn chơi lâu đời cứ bị dồn đi hết. Nhiều bận hay tới tới, lui lui để chực thấy đống cát đá, sắt vụn bỏ ngỏ, nên khuôn miệng cứ thế mà bất giác ỉu xỉu.

Huế nhỏ thật, nên hàng sát hàng, quán sát quán. Nhìn đi nhìn lại nom cũng cái vẻ đông đúc, bận rộn. Để mà nói cho đúng, thì kỳ thực hàng quán mặt tiền cũng ngon, cũng vui nhưng mỗi tội hơi “rát ví”. Tuổi trẻ cái gì cũng chịu chơi được, nhưng vấn đề này vẫn cần phải xem xét nên mấy đứa đang tuổi lỡ cỡ cũng hay đắn đo ghê gớm lắm. Lại chắc cũng bởi lý do này, hoặc một nguyên cớ nào khác bắt nguồn từ ý muốn thay đổi tầm nhìn và lục lọi những góc khuất sâu mà giờ xu hướng vui chơi toàn vào trong hẻm hết. Có những con hẻm của giới trẻ Huế đã có mặt từ hồi lâu, nhưng cũng có những "tân binh" mới vào nghề vẫn được chào đón dữ dội. Quanh cuộc vui khuất trong mấy lần rẽ trái, rẽ phải, các câu chuyện thường to nhỏ luôn trộn lẫn mấy lần kháo nhau với vài câu rất Huế: “Vì răng vô hẻm cái chi cũng ngon, cũng vui hơn mấy lần rứa hèo? Tau không biết, tau biết mô. Chắc lạ, chắc rẻ, với ba mẹ cũng khó mà bất chợt thấy mình”. Ngẫm thì thấy “ừ cũng đúng”.

Quán trong hẻm nhưng vẫn đông

Tôi qua tuổi học trò được vài bữa, nên dù dạo này ít có thời gian hẹn hò với chúng bạn, nhưng cũng tặc lưỡi tự hào về kinh nghiệm lục hẻm tìm quán được tích cóp sau một thời dài đi học. Ví như đi ăn chẳng hạn, mùa lạnh phải tìm cho được quán bánh ép nóng hổi trong hẻm sâu hút gần cầu Đông Ba, nơi dì Na – cô chủ của quán nhanh tay phết nhân, đập trứng, rồi trở, lật khay ép sắt nặng trịch. Sau nếu có ngán tay lật tay quay, thì hôm khác cũng vào tận con đường nhỏ chìm nghỉm giữa hằng hà sa số bảng hiệu to ở đường Trường Chinh để nhâm nhi cho được mấy món trộn và đồ nướng ấm bụng. Nhiều hôm nghĩ cũng chẳng phải thèm ăn vặt, nhưng chỉ là muốn lẩn khuất trong những con ngõ dài loanh quanh, rồi nhìn ngắm và xuýt xoa về độ chuyên nghiệp từ bàn tay của những người phụ nữ đã hai màu tóc nên chiếc xe cứ thế chạy thẳng đến đích mà chẳng kịp suy nghĩ điều gì.

Có lẽ vì mình còn ham chơi, nên đặng thấy bản thân cứ như một cuốn sổ từ điển, bản đồ về ăn uống nói hoài không hết. Nhưng vì là từ điển, nên kiểu gì cũng phải phân biệt rõ ràng màu sắc, mùi hương. Như gu ăn hàng của mấy món không phải từ xứ mưa, thì phải vào đúng mấy quán gốc mới yên tâm được. Ngặt nỗi mấy chủ không “mô, tê, răng, rứa” vì đến sau, nên không xí được mặt tiền, thế là đành đâm hẻm, lủi ngõ nhiều tất thảy. Nhưng được cái tuổi trẻ nửa muốn vui, nửa muốn chơi nên cỡ gì cũng tìm thấy, thế là tâm hồn lại lấp đầy giọng nói lanh lảnh của cô bán bún đậu mắm tôm gốc Bắc và cả mùi mỡ hành giòn tan của ngôi nhà nhỏ bán bánh khọt Vũng Tàu.

Cảnh đông đúc, nhộn nhịp mà buổi sáng hiếm khi thấy được

2 - Mà đó là vậy, chứ dân Huế đâu có ăn hoài được. Huế bé thế, chứ hẻm chơi cũng nhiều và rôm rả. Nhộn nhịp nhất hẳn phải kể đến hẻm karaoke Nguyễn Huệ, tối nào chạy ngang qua cũng nghe loạt tiếng rình rang của nhiều “nghệ sĩ nghiệp dư” hát mãi mà không thành tài. Lắm hôm ngúc ngắc thấy vài nhà dân ở đây thật sự rất tài tình, khi mấy (mươi) năm vẫn sống và sinh hoạt cùng tiếng nhạc xập xình bất kể ngày đêm như thế. Mà vì là hẻm ca hát, nên quán này sát quán kia, muốn vào đúng quán mình chọn cũng gian nan ghê thật, bởi một phần là rất khó tìm, một phần khác chắc ngại từ những cách tay gọi khách tha thiết của mấy chủ cửa hàng cũng đặng.

Vì Huế nhỏ với nhịp sống nửa chậm nửa nhanh, nên người đi hết là lại muốn trở về. Không chuộng cafe take-away như các thành phố lớn, người xứ này thích ngồi lặng bên tách cafe nóng hổi, hoặc rôm rả cạnh vài cốc trà sữa hơn. Biết thế, nên hẻm nước Nguyễn Thái Học nổi lên như một hiện tượng. Cứ bước vào là không ra được vì kiểu gì cũng có quán ưng. Xanh đỏ đèn chớp, hoặc vắng lặng trầm ngâm. Cứ vào đi, đều có cả.

Rồi cũng hay, chắc nhiều cô chủ, cậu chủ kinh doanh có sở thích trái ngược nhau nên nghĩ ra những hẻm bán áo quần, giày dép, cafe sát sạt tập trung như dọc tuyến Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng... Mấy chàng ngại săn sale biết được thế là gật gù thích thú lắm, do sẽ có chỗ để chờ đợi nàng thương lặn ngụp trong vài ba dãy quần áo, còn mấy nàng lại hồ hởi vì được nước mua sắm nhưng vẫn có người vui vẻ đợi mình. Huế vẫn nhỏ, nhưng mọi người vẫn có chỗ của mình và của chung.

Nhắm mắt lại, mở mắt ra là ngày đã dần tối. Nhịp sống trẻ cũng theo guồng quay đó mà nhộn nhịp, ồn ào. Xứ mưa cũng nhiều mặt ghê nhỉ, khi sông Hương cứ lững lờ trôi với cô gái Huế áo dài nón lá và cả những xập xình theo tiếng hát, lời ca. Bạn tôi đi xa về bảo “Huế không bé lại nhưng có buồn lẫn vui”. Em tôi bảo “Em đi ăn bún đậu mắm tôm ở góc hẻm nớ. Chị đừng kể với ba em đi học về sớm, ba không tìm ra em mô”...

Bài, ảnh: HẠNH AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top