ClockThứ Tư, 01/02/2017 05:31

Huế xa và Huế gần

TTH - Một trong những điều thú vị mà tôi được trải nghiệm khi xa quê là thỉnh thoảng cảm thấy dường như có hai Huế. Một Huế đi rất xa và một Huế gần gụi đến quẩn quanh. Một Huế sáng tạo và một Huế thủ cựu. Một Huế chỉ biết cho phép và một Huế khác luôn sẵn lòng tha thứ.

“Ăn hết cả nội la”

Chiều cuối năm, Huế mưa nắng sụt sùi. Sau ba tuần hương thì đồ cúng được dọn xuống hai bàn dài. Con cháu quây quần theo thứ tự, ngồi vào mâm và cùng ăn bữa cơm tất niên. Người con trai xuống mời mẹ, nhưng mệ không lên, vẫn lui cui dưới bếp. Đồ cúng mệ nấu rất nhiều, con cháu không bụng nào ăn hết, cuối bữa vẫn còn đầy trên bàn. Người con trai lớn đứng lên nhìn một lượt hai bàn rồi nhắc rất nghiêm túc: “Mấy con, mấy cháu phải ăn hết. Ăn hết không chút nữa nội la đó. Ăn hết cả (kẻo) nội la, mấy đứa”.

Đêm Huế. Ảnh: S.P

Việc một người đàn ông Huế đã lên chức ông ngoại, đã bảy mươi tuổi còn sợ mẹ la không có chi đáng ngạc nhiên. Trong nỗi sợ đó cố nhiên có cả tình yêu thương kính trọng, là điều dễ hiểu với nhiều người. Điều lạ là một người phụ nữ ngồi dưới bếp suốt buổi nhưng sự uy nghi dường như vẫn ngự trị trên bữa cơm tất niên với đầy đủ con cháu. Tất nhiên sau lời nhắc của ông, của ba, cháu con cũng không thể nào ăn hết thức ăn trên bàn. Nhưng lời nhắc nhẹ nhàng này lại gợi lên một hệ thống phép tắc bất thành văn, đôi khi bàng bạc, chẳng có “chế tài”, nhưng khiến trong con cháu thức dậy nỗi kính sợ. Không phải kinh sợ mà là kính sợ.

Dường như mỗi người Huế lớn lên, đi đâu làm gì cũng ít nhiều mang theo nỗi “kính sợ” rất riêng đó. Từ nỗi sợ nội la ngoại rầy, cha buồn mẹ khóc đến sợ mang tiếng mang tăm, sợ ăn chơi bảy tiếng, sợ thiên hạ người ta cười. Đó là nỗi kính sợ có nguồn gốc văn hóa sống, có hệ thống phép tắc điều chỉnh. Làm chi cũng phải ngó trước dòm sau, thưa trên hỏi dưới, soi chiếu vào hệ thống phép tắc, tôn ti trật tự. Có phải chuẩn mực văn hóa chặt chẽ này cũng tạo nên nét riêng của Huế, nhất là trong bối cảnh hội nhập và đua tranh, trong tình trạng kim tiền lên ngôi, khắp nơi người ta “thích là nhích”, “lung linh là lên luôn”. Nhưng cũng có phải những phép tắc uy nghi này nhiều khi cũng thật khắc nghiệt. Khắc nghiệt đến mức làm điều đúng mà cũng phải được phép mới dám làm. Làm điều đúng mà chưa, hay bỏ qua, khâu xin phép, thì nội hay ngoại cũng có thể la: Việc ni là tốt, mi làm ra được rất hay nhưng lần sau không được làm lọng lọng như rứa nghe chưa!

Bánh ít nhụy tôm

Ở Huế bây giờ ít nghe ai đọc câu này: Mả cha con mụ nhọn mồm/ Tau ăn bánh ít nhụy tôm răng chừ?!

Nếu nhìn vào thùng đặc sản Huế mà gia đình lớn ở quê nhà thường gửi cho gia đình nhỏ của tôi ở Hà Nội mỗi tháng, chắc khó hiểu lai lịch câu ca này bắt nguồn từ đâu. Mẹ và chị tôi thường vẫn gửi kèm một túi bánh ít ra vì biết cả nhà rất thích món này. Không phải bánh ít đen, mà là bánh ít nhụy tôm thịt, mặn mà thấm thía. Bánh ít đen chỉ có thể ăn đôi cái là ngán, còn bánh ít nhụy tôm thịt thì mỗi người ăn năm, bảy cái, cho dù sau đó hơi nặng bụng.

Tôi tự giải thích cho bản thân, rằng, chắc ngày xưa, Huế chỉ có bánh ít đen, nhân đậu xanh nên mới có câu ca đó. Bánh ít nhụy tôm là dẫn chứng để ví von chuyện điêu toa, chuyện ăn không nói có, chỉ người “nhọn mồm” mới gán vạ cho nhau. Câu ca có thể đóng đinh chuyện quan hệ hành xử người - người một thời, nhưng không thể “đóng đinh” một món ăn, dù là món ăn Huế chăng nữa. Tự bản thân nó vẫn tiếp tục “tiến hóa”, những mẹ những chị bảo thủ nhất vẫn sẵn lòng tiếp biến để bên cạnh bánh ít nhụy đậu xanh có thêm bánh ít nhụy tôm thịt.

Tôi lớn lên với mặc định người Huế là phép tắc uy nghi, là không bao giờ có chuyện làm lọng lọng được điều chi, là bánh ít nhụy tôm chỉ là thứ điêu toa không thể có. Cho đến khi gặp những người Huế ở xa quê hay những người Huế trẻ sau này.

Khi gặp một môi trường khác, một không gian khác, dường như có một Huế khác. Cũng dám tiếp biến, dám sáng tạo, dám đảm nhận và đảm nhận tốt vị trí trung phong chứ không còn luyện công phu chỉ để tròn vai giữ gôn và khá hơn một chút xíu là hậu vệ trái. Người ở Huế hay nói phải đi xa, đi khỏi Huế mới thành đạt. Đó thực ra mới chỉ là một cách khái quát vội vàng. Nhưng có điều này là có thật, khi rời khỏi không gian quen thuộc, người Huế dường như mới có thể bộc lộ hết những nét tính cách và thi triển được trí tuệ sắc bén, sáng tạo (thực ra) vốn có của mình.

Một chữ “thứ”

Một trong những điều mà người Huế nào, dù xa quê hay đang sống ở nơi đây đều mong mỏi, đó là Huế được bảo tồn nhưng Huế vẫn không ngừng phát triển, trở thành một nơi chốn đáng sống, đồng thời vẫn là một châu thổ văn hóa của cả nước. Cũng như người Nhật một thuở vật vã trước câu hỏi khi đi đến văn minh, là hiện đại hóa có đồng nghĩa với phải phương Tây hóa hay không? Nói rõ hơn là đi tới văn minh thịnh vượng trong thời hiện đại thì có phải trả giá, và trả giá đến mức độ nào đối với những giá trị văn hóa, truyền thống.

Huế ngày nay dường như cũng thế, cũng là câu hỏi đó. Làm bánh ít nhụy tôm và có thể hơn cả thế nữa thì liệu nội ngoại có la hay không? Câu trả lời dường như có sẵn ở ngay trong Huế chứ không phải tìm đâu xa. Chỉ cần đánh thức một điều: tha thứ. Hay nói đúng hơn là đánh thức và nuôi giữ một trạng thái luôn sẵn lòng tha thứ.

Huế vừa có nhu cầu nội tại vừa có nhiều yếu tố tiềm năng để có thể đi thẳng lên xây dựng một thành phố thông minh, đô thị sáng tạo. Muốn đi đến thông minh và sáng tạo thì phải sẵn lòng tiếp biến, vượt thoát những lề thói cũ. Không ai, dù có quyền, dám nói thành lời cho phép xé rào, nhưng việc sẵn lòng tha thứ thì ai cũng có thể. Một cộng đồng dễ tha thứ thì sáng tạo đột phá mới có cơ hội nẩy nở. Thương nhau mà đi tới và dễ tha thứ khi có ai đó đôi lần vấp ngã thì cộng đồng lành mạnh hứng khởi hơn là giở phép tắc ra soi chiếu khắt khe việc ai đó bước tới bằng chân phải trước hay chân trái trước. Nếu có sút ra ngoài cũng khoan vội quy là bán độ, rồi vùi dập người ta mãi, thì mới có thế hệ sau dám mơ và dám làm tiền đạo khi khởi nghiệp đá banh.

Thay vì ôm phép tắc để cho phép bước tới bằng chân nào, nên dọn lòng dễ tha thứ để người muốn đi tới không sợ thất bại, không sợ bị chê cười. Mệ biết mà mệ tạm thời ngó lơ đi thì con cháu mới dám thử làm điều mới. Dễ tha thứ luôn tốt hơn là cho phép. Câu này không phải tự nhiên trên trời rơi xuống, mà là đúc kết của người xứ Bắc Âu, nơi có nền giáo dục khai phóng như Phần Lan và quốc gia sáng tạo như Đan Mạch.

Không thể có sáng tạo đột phá nếu chỉ theo đường xưa lối cũ hay chỉ làm những điều được phép. Những phép tắc nếu đúng đắn và hàm chứa đầy đủ yêu thương tha thứ trong đó thì luôn có chỗ đi tới tương lai. Mệ nội, mệ ngoại dẫu ngồi dưới chái bếp hay đã đi vào cõi vô cùng, vẫn có thể hiện diện đầy yêu kính trong bữa cơm tất niên với con cháu đó thôi.

Hà Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ngày mùa vui thôn trang”

Đọc bài “Đồng cạn, đồng sâu” của tác giả Hà Nhân, một cây bút quen thuộc của báo Sinh viên - Hoa học trò, tôi thấy thấm thía lạ.

“Ngày mùa vui thôn trang”
Return to top