ClockThứ Ba, 21/06/2016 14:03

Hương Bình: Từ xã kinh tế mới đến xã nông thôn mới

TTH - Từ một xã kinh tế mới khó khăn, sau 40 năm xây dựng và phát triển, xã Hương Bình (Hương Trà) đã trở thành địa phương phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Vùng kinh tế mới hôm qua

Sau bao năm bôn ba, những người xa quê có dịp trở về không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của xã vùng núi Hương Bình hôm nay. Với màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, keo,  những con đường thảm nhựa, những căn nhà khang trang… đã dần đẩy lùi cái nghèo “đeo bám” Hương Bình những năm dài sau ngày thành lập.

Cây cao su đem lại thu nhập khá cho người dân Hương Bình

“Năm 1976, theo chủ trương của di giãn dân để xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, hơn 600 hộ dân các xã Hương Phong, Hương Toàn (Hương Trà); Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền); Hương Long, Hương Sơ (TP. Huế)… quyết tâm lên vùng Bình Điền- Khe Điêng (nay là Hương Bình) làm ăn sinh sống”, Bí thư Đảng ủy xã Phan Hữu Tuế nhớ lại.

Với quyết tâm cao để ổn định cuộc sống, đồng thời, theo nguyện vọng của người dân và đề nghị của chính quyền địa phương, ngày 20/6/1979, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có quyết định thành lập xã Hương Bình. Ngày đầu “ra riêng”, tổ chức Đảng chỉ có 3 đảng viên và dân số hơn 2.200 người. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là “phát, cốt, đốt, trỉa” trên diện tích mới được khai hoang.

Theo chân cán bộ văn phòng  ủy ban xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trương Toàn, ở thôn Tân Phong, một trong những điển hình của vùng kinh tế mới Hương Bình. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Toàn mở đầu câu chuyện bằng hồi ức nhọc nhằn: Năm 1976, vợ chồng tôi là một trong những người đầu tiên của đợt di dân lên vùng kinh tế mới. Hồi đó, vùng này chỉ toàn lau lách, hố bom và thú dữ. Không đường, không trạm y tế, không điện thắp sáng, không cả hàng xóm láng giềng… Nhìn đâu cũng thấy gò đồi toàn sỏi đá, chỉ có thể trồng sắn để cứu đói. Lúc đó, nhiều người muốn quay về làng cũ. Chúng tôi động viên nhau ở lại. Sau này (1993) được sự vận động của chính quyền địa phương và cán bộ lâm trường, tôi cùng nhiều gia đình khác trong xã nhận trồng thử nghiệm cao su tiểu điền. Ít ai ngờ, chính cây cao su đã mở hướng phát triển kinh tế cho chính quyền và người dân Hương Bình thoát nghèo.

Xã nông thôn mới hôm nay 

Với lợi thế có diện tích đất tự nhiên lớn (6.637 ha), nghị quyết của Đảng bộ Hương Bình các kỳ đại hội đã xác định mũi nhọn kinh tế của xã là cây cao su và trồng rừng kinh tế. Với 1.169 ha cao su, đến nay, hầu hết diện tích đã đưa vào khai thác với năng suất 4.000 - 4.500tấn/năm. Hiện nay, tuy đầu ra gặp khó khăn nhưng thu nhập từ bán mủ cao su cả xã hơn 30 tỷ đồng. Hương Bình còn có 662 ha rừng, mang lại thu nhập 9 đến 10 tỷ đồng/năm. Chưa kể hàng trăm ha sắn công nghiệp và gần 60 ha cây ăn quả có giá trị. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người ở xã cũng thuộc hàng “top” của tỉnh với trên 30 triệu đồng/năm, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình Trần Viết Tuấn hồ hởi.

Song song với phát triển kinh tế, Hương Bình đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho địa phương. Theo đó, trên 70% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện. Hệ thống điện lưới Quốc gia đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho Nhân dân. Tổ chức thu gom và quy hoạch các điểm tập kết, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Có gần 90% nông dân được trang bị kiến thức nông nghiệp và quản lý... Niềm mong mỏi có nước sạch sinh hoạt của hơn 700 hộ đã thành hiện thực khi địa phương tiếp nhận và đang khẩn trương hoàn thành việc đầu tư hệ thống nước sạch trên toàn xã với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10,5 tỷ đồng. Với việc hoàn thành tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường, mục tiêu “cán đích” nông thôn mới của Hương Bình sẽ không còn xa.

Hương Bình kỷ niệm 40 năm thành lập
Ngày 20/6, xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập xã (20/6/1976 – 20/6/2016). Được thành lập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giãn dân xây dựng vùng kinh tế mới, sau 40 năm, Hương Bình hiện có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từ 9% (2006) xuống còn 4,09 %. Khi mới thành lập, xã chỉ có 3 đảng viên, nay, Hương Bình có 12 chi bộ trực thuộc với 106 đảng viên. Với thế mạnh từ cao su và rừng trồng (hơn 1.800 ha), đã góp phần đưa nền kinh tế của địa phương phát triển tốt; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2010 đến nay trên 30 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 30 triệu đồng/năm... 

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 100 đoàn viên, người lao động miền núi

Ngày 24/8, Hội Kế hoạch hoá gia đình tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Liên đoàn Lao động TX. Hương Trà tổ chức truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình cho đoàn viên, người lao động của 3 xã miền núi Bình Tiến, Bình Thành, Hương Bình.

Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 100 đoàn viên, người lao động miền núi
Phú Lương xây dựng xã nông thôn mới

Ông Hồ Viết Thuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lương, huyện Phú Vang thông tin: Đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện; đường trục thôn và đường thôn; đường ngõ, xóm đều đã nhựa và bê tông hóa 100%, khang trang...

Phú Lương xây dựng xã nông thôn mới
Công bố xã Phú Thanh đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 10/12, Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Phú Vang tổ chức lễ công bố xã Phú Thanh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến dự có ông Nguyễn văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Công bố xã Phú Thanh đạt chuẩn nông thôn mới
Return to top