ClockThứ Năm, 29/09/2016 13:46

Hướng đi cho đồ gỗ xuất khẩu - Kỳ II: Giải bài toán nguyên liệu

TTH - Thị trường rộng mở, DN có tiềm lực nhưng vấn đề đặt ra hiện nay đó là cần phát triển diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC, đồng thời thúc đẩy các cơ sở chuyển sang chế biến tinh, sâu nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và mở cánh cửa vào thị trường các nước lớn trên thế giới.

Hướng đi cho đồ gỗ xuất khẩu - kỳ I: Thị trường rộng mở

Liên kết để cấp chứng chỉ rừng

Hiện, các đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường châu Âu, Nam Mỹ, Mỹ đòi hỏi phải được sản xuất từ nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có trên 95 ngàn ha diện tích rừng trồng, song mới có 10 ngàn ha được cấp chứng chỉ FSC, chiếm chưa tới 10%. Đây là con số khá khiêm tốn và gây khó khăn cho nhiều DN chế biến gỗ khi yêu cầu về truy suất nguồn gốc đối với nguồn nguyên liệu sản xuất ngày càng cao.

Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 ươm giống cây chuẩn bị mùa vụ trồng rừng mới

Thực tế các DN chế biến gỗ trên địa bàn lâu nay chủ yếu chỉ thu gom nguyên liệu từ các địa phương chứ không có diện tích rừng trồng, chưa liên kết với các chủ rừng để cấp chứng chỉ FSC. “Hiện, DN chỉ thu mua gỗ rừng trồng từ các lâm trường, chủ rừng trong và ngoài tỉnh nên nguồn nguyên liệu còn bấp bênh, không ổn định. Song, do thiếu nhân lực, không có diện tích đất nên DN chưa đứng ra trồng rừng để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy”, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản Hương Giang- Cao Đình Hiệp chia sẻ.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã kêu gọi được nhà đầu tư lớn có nhiều dự án chế biến gỗ tại Việt Nam là Công ty TNHH Scansia Pacific. Doanh nghiệp này đang có nhà máy chế biến gỗ tại khu công nghiệp Phú Bài, sắp tới tiếp tục đầu tư dự án chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu với quy mô 10 ngàn khối gỗ/năm trên dây chuyền hiện đại, công nghệ tự động hóa. Với quy trình sản xuất đồ gỗ nội thất kết hợp dăm gỗ xuất khẩu, DN gặp khá nhiều lợi thế khi tận dụng nguyên liệu gỗ lớn để sản xuất sản phẩm nội, ngoại thất, đồng thời thu gom các loại gỗ nhỏ, phế thải để chế biến dăm gỗ.

Để đồng hành với nông dân cũng như chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy mới, Công ty TNHH Scansia Pacific đang hỗ trợ 500 triệu đồng chi phí đánh giá cho các hộ nông dân để được cấp chứng chỉ FSC, quy trình đánh giá kéo dài 4 năm. Doanh nghiệp đầu tư vốn cho 1 hộ nông dân vay 12 triệu đồng để trang trải việc chăm sóc, bảo vệ rừng với mức lãi suất thấp hơn 2% so với ngân hàng thương mại, đồng thời cam kết thu mua nguyên liệu với mức giá cao hơn thị trường từ 15-20%. Đây là hướng đi mới, có tính khả thi khi gắn trách nhiệm, quyền lợi giữa DN và người trồng rừng để đạt mục đích chung đó là nâng diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC.

Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

Toàn tỉnh có khoảng 95.500ha rừng trồng các loại, trong đó rừng trồng khu vực hộ gia đình chiếm 58.800ha. Để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ hoạt động chế biến gỗ xuất khẩu tinh, sâu, Sở Nông nghiệp & PTNT đang trình UBND tỉnh kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, tập trung nguồn lực cải thiện các dòng cây lâm nghiệp như keo lai, keo tai tượng, đưa thêm dòng keo lá tràm có thân gỗ thẳng, tròn cung cấp nguyên liệu sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Thúc đẩy hình thành các cơ sở chế biến tinh, sâu bằng cách kêu gọi đầu tư các DN ở các tỉnh, TP trong cả nước để hình thành chuỗi khép kín trồng- sơ chế- tinh chế - xuất khẩu.

Một trong những vấn đề quan trọng nhằm phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện nay đó là chuyển dần từ ươm giống cây bằng túi chất dẻo sang chất hữu cơ thân thiện môi trường. Qua đó, thúc đẩy các DN tư nhân phát triển việc nuôi cấy mô nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, cải thiện gỗ rừng trồng đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của các cơ sở chế biến. UBND tỉnh đã ban hành chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ cao. Dự kiến cuối năm 2016, sẽ thành lập hội chủ rừng phát triển bền vững, đại diện cho hàng ngàn hộ nông dân để tiếp cận với việc cấp chứng chỉ FSC.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT- Võ Văn Dự cho rằng: “Lâu nay, trồng rừng gỗ nhỏ phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ đã thúc đẩy việc thâm canh rừng, nâng cao năng suất rừng trồng đạt từ 25-30m3/ha đất. Song, hiện nay việc trồng rừng gỗ nhỏ cản trở sự phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp. Bởi, giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp trong sản phẩm gỗ nhỏ chiếm rất thấp. Chủ trương của tỉnh sắp tới là tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó dừng hẳn việc phát triển các cơ sở chế biến dăm gỗ, đẩy mạnh phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm tinh, sâu gồm các sản phẩm như bàn ghế, nội thất, giấy… nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn theo hướng bền vững”.

 Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng USD mạnh gây sức ép lên giá hàng hóa nguyên liệu thế giới

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (28/2), 21 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt giảm giá. Chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,51% xuống 2.125 điểm, kết thúc chuỗi tăng hai ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.700 tỷ đồng.

Đồng USD mạnh gây sức ép lên giá hàng hóa nguyên liệu thế giới
Xuất khẩu của Nhật Bản đạt kỷ lục trong năm 2023

Theo số liệu sơ bộ do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 24/1, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng năm thứ 3 liên tiếp trong năm 2023, đạt mức cao kỷ lục, phản ánh các lô hàng xuất khẩu ô tô mạnh mẽ và sự ảnh hưởng của đồng yen yếu.

Xuất khẩu của Nhật Bản đạt kỷ lục trong năm 2023
Đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

Những ngày đầu năm 2024, đơn hàng xuất khẩu tại nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng trở lại. Các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực tái khởi động, tìm cách để có thêm những đơn hàng mới trong thời gian tới nhằm ổn định sản xuất, phát triển.

Đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top