ClockThứ Năm, 14/03/2019 14:34

Hương sa

TTH - Trên Fecebook, nhà thơ Bảo Cường bày tỏ cảm xúc bất ngờ khi hay tin về lễ rước phù sa sông Hương, nghe mà như có một cái gì nó mơ hồ đầy tính lãng mạn.

Hương là Hương Giang, còn sa là phù sa. Hương sa là phù sa của sông Hương. Không lạ lùng chi cả, vậy nhưng khi hay tin trong một ngày đầu đẹp trời tháng ba này, ở Huế có lễ rước phù sa dòng Hương Giang (đem ra Hà Nội) để làm gốm “Hương sa”, tôi lại giật mình. Phù sa các dòng sông là đất, là cát, là của quý, là chất liệu tạo nên những làng quê xinh đẹp và những cánh đồng rợp bóng cò bay. Còn bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn, cùng với dòng nước thơm của loại cây thạch xương bồ, phù sa Hương Giang thật đặc biệt, còn là linh khí núi sông dồn tụ.

Phải còn thời gian chờ đợi lâu nữa mới có thể cảm nhận được hết sắc màu, vẻ đẹp và cả những công dụng của gốm Hương Sa kia, nhưng đã thấy thích rồi đó cái ý tưởng phải có một sản phẩm hữu hình có được từ linh khí của dòng Hương Giang hội tụ. Gốm đã được lựa chọn và người ta đã khéo léo tạo nên cuộc “xe duyên”. Phù sa Hương Giang nhiều linh khí, qua đôi bàn tay tài hoa và bí quyết ngàn năm của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng để cho đời có “Hương Sa”. Hãy tin là như thế.

Trên Fecebook, nhà thơ Bảo Cường bày tỏ cảm xúc bất ngờ khi hay tin về lễ rước phù sa sông Hương, nghe mà như có một cái gì nó mơ hồ đầy tính lãng mạn. Chỉ có 5 từ ngắn ngọn “rước phù sa sông Hương” mà sao nghe nó sương khói mơ màng. Rước phù sa về làm gốm, biến hóa thành những tác phẩm nghệ thuật để phục vụ cộng đồng, từ những sản phẩm cao cấp để trưng bày đến các sản phẩm dung dị hàng ngày, như: Bộ bình trà, bộ ấm tích để pha trà… để phục vụ mọi người mỗi khi gặp mặt giao lưu trà dư tửu hậu, một thú chơi tao nhã và lành mạnh.

Hương Giang linh thiêng và thơ mộng được mệnh danh là dòng sông lễ hội. Xưa cho đến nay, ra giêng đã có hội đua trải, rồi vật làng Sình, điện Hòn Chén, lễ hội hoa đăng Rằm tháng tư, tháng bảy… Nay có thêm fesival với sông Hương là sân khấu chính. Ngay cả cái lễ hội “Rước phù sa sông Hương” cũng là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019. Tôi thích ý tưởng lễ hội mới lần đầu tiên xuất hiện trên dòng Hương giang này. Nó gợi đến tính thiêng của một dòng sông huyền thoại. Đó cũng được xem là sự giao thoa văn hóa lần đầu giữa Cố đô Huế và Thủ đô Hà Nội.

Nghi lễ “Rước phù sa sông Hương” lần đầu tiên được tổ chức được xem là để chuẩn bị ra mắt thương hiệu gốm đầu tiên của mảnh đất Cố đô Huế. Còn tôi đã nghĩ đến một hoạt động (trong Festival Huế) và hơn thế, một lễ hội văn hóa mới trên dòng Hương thơ mộng, bổ sung và làm phong phú các giá trị văn hóa cho thành phố du lịch.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếc khẩu trang

Ít người biết rằng, sự ra đời của chiếc khẩu trang mà ta đang đeo trong những ngày dịch bệnh COVID - 19 tràn lan này lại ra đời xuất phát từ một cảm nhận sai lầm.

Chiếc khẩu trang
Đừng vội nặng lời với “check - in”

Không lâu sau “cây mắt biếc”, mạng xã hội lại “gây bão” trong dịp Tết Tân Sửu và ngày lễ Tình nhân vừa qua ở Huế bởi bộ ảnh do Travel Mag giới thiệu về vườn hoa cải vàng tại phường Kim Long.

Đừng vội nặng lời với “check - in”
Aza, lễ hội & di sản

Aza là lễ hội cầu mong mùa màng tươi tốt, thần linh phù hộ cho dân làng yên vui, không ốm đau, bệnh tật... Aza cúng thần nông và cả cúng thần sông, thần núi, trời đất.

Aza, lễ hội  di sản
Thừa Phủ không bí đường ra

Nhớ những năm sau ngày giải phóng, tôi là học sinh Trường cấp 3 Trưng Trắc (Đồng Khánh - Hai Bà Trưng), cùng chung hàng rào với lao Thừa Phủ.

Thừa Phủ không bí đường ra
Return to top