ClockThứ Ba, 26/03/2013 06:21

Hương Sơn sang trang

TTH - Núi rừng hiểm trở và hậu quả của chiến tranh để lại khiến đời sống của người dân Hương Sơn (Nam Đông) lâm vào cảnh khó khăn. Trải qua nhiều năm khai hoang mở đất, giờ đây người dân không chỉ ổn định cuộc sống, mà còn vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trở lại Hương Sơn lần này, chúng tôi vui nhất là không còn lo ngại khi phải đi qua những cây cầu treo bị xuống cấp, thay vào đó là những chiếc cầu được xây dựng kiên cố. Từ khi hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư xây dựng và mới đây cầu A2, cầu Hương Sơn đưa vào sử dụng đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Hương Sơn.

 

Cầu Hương Sơn

 

Hạ tầng phát triển

 

Ông Hồ Ánh Liên, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, trong các cuộc chiến tranh, Hương Sơn là căn cứ địa cách mạng, cũng là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Người dân phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề của chiến tranh. Vốn là vùng núi rừng hiểm trở, thêm nhiều đạn bom còn sót lại khiến người dân mất nhiều thời gian và gặp khó khăn trong khai hoang, phục hoá để phát triển kinh tế, xã hội. Hương Sơn còn là địa phương tập trung hầu hết người dân tộc thiểu số sinh sống. Dân trí thấp, tập quán sản xuất lạc hậu chỉ biết dựa vào rừng, phương thức canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa” nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

 

Chiến tranh đi qua, lãnh đạo huyện, xã mất nhiều thời gian, tổ chức nhiều cuộc họp bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với việc vận động nhân dân khai hoang, phục hoá để chăn nuôi trồng trọt, lãnh đạo địa phương xác định trước hết là đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Từ đó, các công trình hạ tầng, hệ thống đường sá trên địa bàn từng bước được đầu tư xây dựng. Nhất là từ năm 2005, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, Hương Sơn đẩy mạnh bê tông, nhựa hoá đường giao thông. Đến nay, hầu hết các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, xóm đều được bê tông, tráng nhựa. Hai cây cầu Hương Sơn và A2 được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi trong việc đi lại đối với người dân, nhất là vào mùa mưa lũ.

 

Ông Trần Xuân Bí ở thôn 7 cho hay, khoảng 10 năm trước, đường sá đi lại chỉ là những lối mòn chằng chịt lau sậy, những con đường bùn đất lầy lội trơn trượt. Giao thông cách trở khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Từ khi giao thông thuận lợi, người dân mạnh dạn khai hoang mở rộng quy mô diện tích sản xuất. Các lái buôn dễ dàng vào tận vườn cây để thu mua nông sản. Người dân cũng thuận lợi khi đưa nông sản đến các chợ trên địa bàn huyện và nhiều nơi khác để bán, tránh tình trạng lái buôn ép giá. Giá sản phẩm cũng tăng gấp nhiều lần so với trước đã kích thích người dân mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Cũng nhờ giao thông thuận lợi, người dân không còn lo cách trở khi đến bệnh viện lúc ốm đau. Ông Hồ Ánh Liên, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, cùng với giao thông, những năm qua huyện, xã cũng quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhất là các công trình trường học, trạm y tế, thuỷ lợi đến nay được xây dựng cơ bản hoàn thiện, tạo động lực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Trường học khang trang

 

Thoát nghèo

 

Chúng tôi đến gia đình ông Hồ Sỹ Thi ở thôn 4. Ông Thi tự hào: “Hương Sơn giờ đây không còn đói nghèo như trước nữa. Có điện, đường, cầu bê tông kiên cố, diện mạo Hương Sơn đã khang trang. Cách đây hơn 10 năm, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành, ông Thi mạnh dạn xin nhận 2 ha đất trồng cao su và 4 ha keo tai tượng. Vài năm trở lại đây, cao su và keo đã cho thu hoạch. Gia đình ông còn chăn nuôi thêm bò mỗi năm 4 – 5 con… Với tổng thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng, gia đình ông Thi không chỉ thoát nghèo, xây dựng nhà khang trang, mà còn có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Ông Thi có ba người con làm cán bộ, trong đó có hai người là chiến sĩ công an, một người cán bộ huyện Nam Đông và hiện còn một đứa đang học phổ thông.

 

Ông Trần Xuân Bí ở thôn 7 cho hay, gia đình ông thật sự thoát nghèo kể từ khi các tuyến đường giao thông được bê tông, thảm nhựa, kết cấu hạ tầng trên địa bàn được xây dựng. Đó là điều kiện để gia đình ông mạnh dạn đầu tư khai hoang, trồng 3 ha cao su, đến nay đã cho khai thác mủ, bình quân, mỗi tháng thu 10 triệu đồng; trồng hơn 2 ha keo và nuôi khoảng 15 con bò… Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhờ thu nhập cao, cách đây khoảng 3 năm gia đình ông xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông Bí nói: “Vợ chồng tôi không còn lo cảnh đói nghèo như trước, mà chuyên tâm làm ăn để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện một đứa đã có việc làm ổn định, một đứa vừa tốt nghiệp đại học...”.

 

Đến nay, toàn xã Hương Sơn có trên 326 ha cao su; 295 ha rừng kinh tế; khoảng 200 ha chuối; 160 ha dứa; 353 con bò lai sin, trên 1.000 con lợn… Đến năm 2012, số hộ nghèo toàn xã chỉ dưới 8%; 98% hộ dùng điện, 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt; thu nhập bình quân đầu người trên 10 triệu đồng/năm...

Ông Hồ Ánh Liên, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, thông qua các chương trình, dự án như: 135, WB, ADB… khoảng 10 năm qua, trên địa bàn xã được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Cơ sở vật chất trường học, y tế được xây dựng, góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Từ khi các công trình giao thông, thuỷ lợi được xây dựng cơ bản hoàn thiện đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành, người dân đưa các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ngoài cây sao su, chuối, cam, chanh, những năm qua người dân đưa một số loại rau màu, cây ngắn ngày vào trồng mang lại thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng cao su, rừng kinh tế, kết hợp chăn nuôi trồng trọt đã vươn lên làm giàu, như: Hoàng Văn Bông, Hồ Sỹ Tương, Nguyễn Ngọc Đưng… Những thành quả trên cũng là động lực để Hương Sơn thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top