ClockThứ Năm, 27/08/2015 14:53

Hương thị

TTH - Cây thị ấy đã lặng lẽ tỏa bóng xuống mái tranh nghèo nhà ngoại suốt mấy mươi năm ngược xuôi mưa nắng. Cây thị đã già nhưng mỗi năm vẫn gắng gượng mọc thêm nhiều nhánh mới để dâng tặng cho tuổi thơ những mùa trái mọng thơm. Một buổi sáng trong trẻo sương mai, mở nhẹ ô cửa sổ cũ màu, nghe trong gió hương thị chín thoảng đưa, bỗng nhận ra mùa thu đang khẽ khàng chạm bước.

Cảm giác thật sung sướng khi phát hiện một quả thị chín bói đầu mùa lấp ló vàng trong um tùm vòm biếc. Tôi đem niềm vui ấy đi khoe với lũ bạn trong xóm. Và ngay trong buổi chiều hôm ấy, chúng tíu tít rủ nhau đến mảnh vườn nhà ngoại, ngửa mặt nhìn trái thị chín thơm với ánh mắt thèm thuồng, ao ước. Chưa vội hái quả thị ấy vào, tôi cứ để nó treo lúc lỉu như vậy mà ngắm nghía, xuýt xoa trong niềm hân hoan đơn sơ.

Hôm sau, bằng chiếc sào ngoại làm, tôi khéo léo hái trái thị xuống rồi đem đặt gần gối ngủ để mơ có một cô Tấm hiền lành bước ra từ trái thị...

Mấy ngày sau, thị lai rai chín vàng như những tia nắng lấp lóe trong vòm lá. Tôi chia cho lũ bạn hái mỗi đứa một vài trái mang về nhà. Đối với chúng tôi, những trái thị ấy giống như một thứ báu vật để nâng niu mà chẳng dám ăn dù rất thòm thèm. Chúng tôi cẩn thận giấu trái thị thơm vào cặp mang đến lớp. Để rồi trong buổi học hương thị thoảng êm cứ quấn quýt mãi không thôi.

Sau nhiều ngày chờ đợi, thị đồng loạt chín vàng. Hương thị lúc này không còn thoang thoảng nữa mà trở nên ngạt ngào, mê đắm. Đa phần những trái thị đều to bằng nắm tay người lớn, nhưng tôi lại thích những trái thị nhỏ xinh như chiếc bánh quy mà tôi gọi đó là thị bánh xe. Thị bánh xe tuy bé nhưng có hương thơm rất đậm, lại vừa tay cầm.

Tuổi thơ có nhiều kỷ niệm đẹp bên cây thị thân thương nhưng đọng lại những ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm khảm tôi là hình ảnh tấm vai gầy của ngoại lom khom gánh đôi rổ thị chín đi bán chợ chiều. Những đồng tiền bán thị ít ỏi được ngoại dành dụm, chắt chiu để mua thêm cho tôi bộ quần áo mới dự lễ khai trường.

Tôi về thăm ngoại giữa mùa thị chín. Hương thị bâng khuâng hoài niệm xa xưa. Bạn bè giờ mỗi người một ngả. Chỉ có ngoại vẫn cần mẫn vun vén, tưới chăm gốc thị già như giúp tôi gìn giữ một miền trời ký ức.

Phan Đức Lộc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top