ClockThứ Hai, 13/03/2017 08:23

Hương Thủy sắp xếp lại các hoạt động văn hóa, lễ hội

TTH - Nhằm tạo không khí vui tươi, có điểm nhấn nhưng tiết kiệm, ngành văn hóa - thông tin thị xã Hương Thủy nghiên cứu, sắp xếp lại các hoạt động văn hóa, lễ hội trên địa bàn.

Thay đổi để phù hợp

Dịp đầu xuân Đinh Dậu, nhiều người thắc mắc khi lễ hội đua trải trên sông Vực không diễn ra, trong khi đó các trò chơi, hoạt động văn hóa lại được tổ chức rộng rãi nhiều địa phương của thị xã Hương Thủy. Hỏi ra mới biết, đây chính là một phần trong phương án tổ chức, sắp xếp lại các hoạt động văn hóa, lễ hội của địa phương này.

Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Thủy cho biết, khoảng 10 năm nay, lễ hội đua trải được tổ chức tập trung tại sông Vực vào dịp mùng 9 hoặc mùng 10 tết. Đây là khoảng thời gian cán bộ, công nhân đã đi làm trở lại, nông dân các địa phương xuống đồng đầu năm, bên cạnh đó là cùng thời điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội ở các địa phương khác, lớn nhất là lễ hội vật Sình (Phú Mậu, Phú Vang) nên thường “chia sẻ” lượng người dân và du khách.

“Ngoài lễ hội đua trải đầu xuân thì giai đoạn cuối năm, nhất là dịp Ngày Đại đoàn kết toàn dân, nhiều xã, phường cũng tổ chức đua. Ngoài nguồn kinh phí chung, các địa phương còn phải sửa chữa ghe, trải, liên hoan sau đua,… tổng kinh phí rất lớn, nên cũng cần nghĩ đến vấn đề tiết kiệm”, ông Toàn giải thích.

Trong phương án tổ chức, sắp xếp lại lễ hội mà ngành văn hóa – thông tin thị xã Hương Thủy nghiên cứu, triển khai thì lễ hội đua trải sẽ được tổ chức lại thành 2 năm/lần (trước đó là hằng năm). Thay vào đó, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội mang tính cộng đồng được tổ chức rộng khắp ở nhiều địa phương hơn, đơn cử như bài chòi, trước đây chủ yếu ở Thủy Thanh nay lan tỏa sang nhiều nơi ở Thủy Phù, Thủy Lương, Phú Sơn và các thôn, tổ; hội hoa xuân trước đây tập trung ở khu vực phường Phú Bài nay được trải rộng ra trên dọc các tuyến đường ở Thủy Dương, Thủy Phương; chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, các đêm thơ Nguyên tiêu,… sẽ được nhân rộng từ mô hình phong trào, nghệ sĩ biểu diễn sẽ tuyển chọn ở các xã, phường của thị xã. Các hoạt động đua ghe hằng năm ở một số địa phương được tính toán lại mốc thời gian tránh trùng lặp, trong khi đó, những lễ hội lớn như Festival chợ quê ngày hội cũng sẽ được nghiên cứu kỹ và phối hợp tham mưu cấp tỉnh nhằm tổ chức có điểm nhấn và thực sự hấp dẫn.

Ông Toàn cho rằng, phương án sắp xếp lại các hoạt động văn hóa, lễ hội có nhiều ưu điểm, đầu tiên là tập trung cho những lễ hội có trọng tâm, trọng điểm. Việc giãn thời gian tổ chức, đồng thời tập trung phân bố các hoạt động văn hóa, lễ hội về cơ sở giúp giãn bớt một lượng người dân, du khách ở giai đoạn cao điểm, tránh xảy ra các hiện tượng mất an ninh, trật tự, giao thông, đồng thời tiết kiệm chi phí, điều này phù hợp với chủ trương đơn giản hóa lễ hội trong khuôn khổ có trọng tâm, trọng điểm.

Ông Đỗ Xuân Giao, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, việc tổ chức, sắp xếp lại các hoạt động văn hóa, lễ hội trên tinh thần tiết kiệm. Với các hoạt động văn hóa dịp đầu xuân, thị xã cũng khuyến khích hội người cao tuổi, đoàn thanh niên… đồng hành để tạo ra không khí vui vẻ khắp nơi trên địa bàn thị xã và phần nào giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Đồng tình

Trong quá trình nghiên cứu phương án nói trên, ngành văn hóa – thông tin thị xã Hương Thủy có nhiều cuộc họp với các địa phương và lấy ý kiến người dân. Điển hình như việc chuyển lễ hội đua trải sang hai năm một lần, nhiều người dân bày tỏ, năm vừa qua miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tai và sự cố môi trường biển, việc tiết kiệm kinh phí để chăm lo đời sống của người dân là điều nên làm. Với những lễ hội có “tầm”, nên nghiên cứu thời gian, hạn chế trùng lặp để người dân có điều kiện được tham gia, trải nghiệm...

Chị Nguyễn Thị Gái, trú tại phường Thủy Phương cho rằng: “Có lễ hội thì gia đình cũng muốn tham gia. Nhưng “ham bữa giỗ thì lỗ bữa cày”, do vậy phương án tính toán sắp xếp lại các hoạt động văn hóa, lễ hội như vậy là phù hợp”.

Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các hoạt động văn hóa, lễ hội được Thủy Thanh và các xã, phường khác thống nhất cao. Phương án này thể hiện được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với người dân trong bối cảnh đời sống, kinh tế còn khó khăn.

Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Hương Thủy: Phát động phong trào bơi an toàn

Lễ phát động bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông TX. Hương Thủy năm học 2023-2024 diễn ra ngày 23/3. Hoạt động do Phòng GD&ĐT và Trung tâm VH,TT&TT thị xã phối hợp tổ chức.

Hương Thủy Phát động phong trào bơi an toàn
Return to top