ClockThứ Năm, 24/03/2016 05:45

Hướng tới giải ảnh báo chí quốc tế là câu chuyện dài

TTH - Công nghệ phát triển, máy móc tân tiến song muốn có một tác phẩm ảnh báo chí tốt, thậm chí để đạt các giải thưởng không hề đơn giản. Bàn về ảnh báo chí và các yếu tố tác động, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng:

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh

Thời đại nhiều công nghệ mới ra đời, nhiếp ảnh cũng phát triển với tốc độ cao. Tuy nhiên, độc giả cũng như nhiều người cho rằng nhìn tấm ảnh nào cũng quen quen bởi người chụp thường đi theo lối mòn (do đi sáng tác theo nhóm, chưa đi sâu vào cuộc sống, ít có sự đột phá trong góc nhìn…).

Theo tôi, công nghệ không làm giảm tính sáng tạo của người chụp ảnh. Chẳng hạn một thẻ nhớ bây giờ có thể chụp được hàng nghìn files ảnh, qua đó cho phép chúng ta chọn tấm tốt nhất. Thiết bị bây giờ vô cùng hiện đại, nhưng cái quan trọng là sử dụng nó như thế nào cho hợp lý. Đừng lạm dụng công nghệ trong khâu hậu kỳ, làm sao để tính báo chí trong tác phẩm không bị can thiệp quá mức.

 Thời gian gần đây, vấn đề bản quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh được báo chí đề cập khá nhiều. Theo ông vì sao chuyện phạm bản quyền nóng hơn và làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

Thế mạnh của nhiếp ảnh là được kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là sự lạm dụng và vi phạm bản quyền cũng như ăn cắp ảnh của nhau. Nguyên nhân xuất phát từ ý thức của các nhà nhiếp ảnh, ý thức của người sử dụng ảnh. Nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn tùy tiện trong việc sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh. Việc xử lý chưa nghiêm (duy tình nhiều hơn duy lý) như giảng hòa, thỏa thuận đồng tác giả… nên người ta cho rằng thôi thì… “tranh thủ tí, không sao cả”. Điều này rất nguy hiểm.

Muốn giảm tình trạng vi phạm bản quyền cần nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm của những người chụp ảnh, sử dụng ảnh. Bên cạnh đó, luật phải xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, không để hòa cả làng.

Từng làm giám khảo lĩnh vực ảnh trong Giải Báo chí quốc gia nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về ảnh báo chí hiện nay?

Tham gia các hội đồng chấm thi ảnh báo chí quốc gia, kể cả các cấp thấp hơn, tôi cho rằng, ảnh báo chí của chúng ta chưa mạnh vì năng lực của người chụp ảnh còn hạn chế. Một tác phẩm ảnh đăng báo là kết quả của mối liên kết: người chụp ảnh, người biên tập ảnh và tổng biên tập. Mối liên kết này hài hòa, cùng chung một hướng thì sản phẩm đăng tải sẽ mang tính báo chí cao và ngược lại. Hiện các tờ báo đang dừng ở mức độ dùng ảnh minh họa vì tác phẩm chưa đáp ứng đủ tiêu chí hoặc vì khâu biên tập, xử lý…

Hiện nay, rất nhiều báo đã mạnh dạn mở ra trang phóng sự ảnh, đó là hướng đi tốt để phục vụ độc giả, phải xem đó như là một trang báo vừa mang tính thông tin, vừa thể hiện kĩ thuật. Ngoài đề tài hấp dẫn (người chụp mang về những bức ảnh có nội dung tốt), họa sĩ trình bày như thế nào để bắt mắt, thu hút người xem. Tôi cho rằng các tòa soạn báo cần đầu tư và quan tâm vấn đề trình bày hơn nữa trong trang phóng sự ảnh.

Muốn có một bức ảnh báo chí tốt ngoài máy móc tốt, người chụp ảnh phải đảm bảo hai yếu tố: một là tố chất của người làm báo, hai là tố chất của một nhà nhiếp ảnh song rất ít người mang trong mình hai tố chất này, do đó, có một tác phẩm ảnh báo chí đẹp vô cùng khó, kể cả các tác phẩm đạt giải báo chí trong nước và quốc tế. Lãnh đạo mỗi tờ báo quan tâm đến ảnh báo chí thì sẽ có sự cải thiện, nếu không sẽ đi vào con đường dùng ảnh mang tính minh họa.

Dường như chúng ta vẫn có một khoảng cách và con số tác giả Việt Nam đạt giải trong các cuộc thi ảnh báo chí quốc tế còn rất hiếm hoi?

Ảnh báo chí đạt giải quốc tế có quan điểm chính trị hẳn hoi chứ không đơn thuần chỉ là chất lượng một tác phẩm ảnh. Các vấn đề nóng của thế giới như biến đổi khí hậu, chiến tranh, di cư… sẽ kéo các nhà báo tập trung về đó phản ảnh… bởi chúng thu hút sự quan tâm của độc giả. Theo tôi, điều đó cũng rất cần. thiết. Để hướng tới những giải ảnh báo chí quốc tế là một câu chuyện dài song nếu chúng ta mạnh dạn, dám tiếp cận những đề tài gai góc nhưng không được chủ quan, không được quy chụp mang tính bản chất của xã hội, của đất nước… Đó là điểm quan trọng nhất, cần tầm nhìn của người tác nghiệp.

Có lẽ vì vậy mà ông từng tâm sự rằng: ông “mơ về một dĩ vãng bùng nổ”. Vì sao vậy?

(Cười). Thời điểm đất nước còn chiến tranh, công nghệ chưa hỗ trợ gì nhiều cho nhiếp ảnh nhưng người chụp ảnh đã toàn tâm toàn ý cho công việc, sống chết với nghề, lao vào chiến trường, lao vào khói lửa đạn bom không màng sinh mạng…. với tinh thần ấy, ta đã có một tập ảnh quý và đẹp. Hơn nữa, thời điểm đó, Việt Nam là tâm điểm, thu hút sự chú ý của thế giới. Một bức ảnh của ta gửi báo chí nước ngoài đăng tải là một kênh độc lập trong vô số kênh ảnh của đối phương, của phóng viên thế giới… Những tấm ảnh đó rất giá trị vì nó phản ánh đúng thực trạng của xã hội và không hề được “tô màu”, thêm thắt. Điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò của nhiếp ảnh trong công cuộc chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Tôi mong rằng sau này, chúng ta sẽ có những tác phẩm giá trị tương tự, tất nhiên điều đó không dễ nhưng không phải không được, vấn đề là năng lực, định hướng, góc nhìn… của các nhà nhiếp ảnh và các nhà báo máu me nghề nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

TUỆ NINH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những bức ảnh xúc động kể chuyện đại dịch

Đại dịch đã cơ bản được khống chế nhưng kí ức về nó vẫn luôn ám ảnh với mọi người. Với những người thiện nguyện lao vào tâm dịch để giúp đỡ đồng bào đó là những giây phút khó quên và nếu được chọn lại họ vẫn chọn đi theo tiếng gọi con tim, lao vào chỗ hiểm nguy để cứu người.

Những bức ảnh xúc động kể chuyện đại dịch
Return to top