ClockThứ Ba, 21/03/2017 12:56

Hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ

TTH - "Để việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đi vào cuộc sống, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” thì thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm". Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông nêu ý kiến về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 32/CT-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh.

Ông Bạch Chơn Đông

Ông Bạch Chơn Đông cho biết, ngày 28/12/2012, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 51 "Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức"  trên địa bàn.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, việc xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử được thực hiện khá nghiêm túc. Ý thức chấp hành quy định về giờ giấc làm việc được nâng lên; tình trạng đi muộn, về sớm, sử dụng thời gian làm việc vào việc riêng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, việc quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị này của một số cơ quan, đơn vị còn hình thức. Năng lực, phẩm chất, trách nhiệm và ý thức phục vụ Nhân dân của số ít CBCCVC chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân công công việc của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chỉ thị của một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên. Trong công tác cải cách hành chính, việc chỉ đạo có lúc chưa sâu sát và chưa tạo được sự đột phá. Nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác...

Ngày 05/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg  "về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp". Ngày 25/4/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU "về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và cơ quan hành chính nhà nước". Sau đó, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 32/CT-UBND ngày 22/12/2016 nhằm tạo đột phá trong củng cố kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Thông qua vai trò nêu gương, nhất là người đứng đầu, tạo sự lan tỏa, từng bước nâng cao kỷ cương trong toàn xã hội, xây dựng chính quyền liêm khiết, gắn bó với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Có ý kiến cho rằng, lâu nay khi phát hiện sai phạm thì chủ yếu là nhắc nhở và có chuyện “đánh trống bỏ dùi”. Ông nghĩ gì về nhận xét này?

Nhận xét nêu trên là chưa hoàn toàn chính xác, khách quan. Qua quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 51, bên cạnh việc nhắc nhở, tùy theo mức độ sai phạm, các địa phương, đơn vị đã tiến hành xử lý kỷ luật CBCCVC theo quy định. Từ năm 2013-2016, các địa phương, đơn vị đã xử lý kỷ luật 103 CBCCVC vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; trong đó, khiển trách 30 trường hợp, cảnh cáo 23 trường hợp, cách chức 4 trường hợp. 

Sở Nội vụ chỉ giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Trách nhiệm chính trong quản lý, xử lý kỷ luật đối với CBCCVC thuộc về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Để việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đi vào thực tiễn cuộc sống và tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” thì thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tránh tình trạng nể nang, né tránh, bao che cấp dưới.

Để thực hiện Chỉ thị 32 một cách hiệu quả, theo ông còn có những giải pháp nào cần quan tâm?

Trước hết, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị 32 đến từng CBCCVC để tự giác thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên và phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính. Xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra việc CBCCVC thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức.

Trên cơ sở vị trí việc làm đã được phê duyệt, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó, chấm dứt tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và chất lượng đội ngũ sẽ được nâng lên. Kiên quyết tinh giản số CBCCVC năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện có hiệu quả việc đánh giá CBCCVC hàng năm; đồng thời, tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và cấp huyện theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị. Cũng cần sớm thành lập Trung tâm Hành chính công của tỉnh và cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ.

Xin cám ơn ông !

 Ngự Bình (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trở lại quán quân trong bảng xếp hạng PAPI

Với điểm tổng hợp đạt 46,0414 điểm, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023. Đây là lần thứ 2 Thừa Thiên Huế quán quân chỉ số này.

Trở lại quán quân trong bảng xếp hạng PAPI
Chuyển biến tích cực trong dịch vụ công trực tuyến

Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn tỉnh năm 2023 đạt 47,3%, tăng 22,3% so với năm 2022 và 28,3% so với năm 2021. DVCTT đang chuyển dần từ cán bộ hướng dẫn làm thay sang công dân tự làm.

Chuyển biến tích cực trong dịch vụ công trực tuyến
Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 công tác triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của TP. Huế cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) thực hiện các TTHC nhanh chóng và hiệu quả.

Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Return to top