ClockThứ Năm, 29/12/2016 05:51

Hương Vinh: Dân lò gạch tìm nghề mới mưu sinh

TTH - Việc ngưng hoạt động các lò gạch, ngói thủ công ở xã Hương Vinh (Hương Trà) theo chủ trương của Chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con. Người dân nơi đây đang nỗ lực tìm kiếm những công việc làm ăn mới.

Ông Cao Thắng chuyển đổi nghề sản xuất gạch ngói sang đầu tư máy ép củi trấu

Về lại thôn Thủy Phú, Triều Sơn Đông, nơi một thời phồn thịnh với nghề sản xuất gạch ngói thủ công truyền thống giờ đã vắng lặng. Nhiều lò gạch bỏ hoang nay cỏ dại phủ xanh. Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, ông Trần Quốc Thắng chia sẻ: Sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công, điều quan trọng và cần thiết nhất là tạo công ăn việc làm cho chủ lò và người dân. Chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang một số nghề, tận dụng từ lợi thế của địa phương. Xã cũng tạo điều kiện từ những kênh hỗ trợ của Nhà nước (như chương trình khuyến công) để các chủ lò vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh hay ưu tiên dành quỹ đất (7ha) cho các hộ lò gạch thuê với giá ưu đãi để triển khai dự án trồng sen trong mô hình nông thôn mới”... Thực tế, nhiều lao động vốn chỉ quen với nghề làm gạch ngói truyền thống và đều lớn tuổi, nên việc chuyển đổi sang ngành nghề mới là quá trình gian nan, đòi hỏi nhiều thời gian. 

Ông Trần Trọng Kính, từng là chủ lò gạch nay trở thành “nông dân chính hiệu” vui vẻ: “Thời vàng son, hơn 30 lò gạch, ngói thủ công nơi đây ngày đêm đỏ lửa để phục vụ nhu cầu vật tư xây dựng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và trở thành công việc mang lại thu nhập chính của nhiều gia đình. Đến nay, vì nghề không còn phù hợp nên phải xóa bỏ theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. Như hai vợ chồng tui, hết làm chủ lò thì mình làm nông dân. Tận dụng diện tích đất quanh nhà, vừa trồng rau màu vừa nuôi lợn, thu nhập không cao nhưng trước mắt vẫn đủ ăn. Hỏi kinh nghiệm làm nông từ đâu, ông Kính kể: “Thì mình học hỏi, tìm hiểu kiến thức từ nhiều nguồn rồi xem tivi. Như vừa rồi, tôi trồng gừng trong bao theo hướng dẫn từ chương trình truyền hình dành cho nhà nông rất hiệu quả. Một bao cho thu hoạch đến 2kg gừng. Chỉ tiếc là đợt mưa lũ vừa rồi mình cũng thiệt hại khá nhiều”.

Ông Nguyễn Đức Lâm đang khẩn trương xây dựng nhà xưởng ngay trên nền lò gạch cũ của gia đình để làm nhà máy cán tôn. Ông Lâm nói: “Lúc trước gia đình có 2 lò gạch, 1 thủ công và 1 lò đứng. Kinh phí đầu tư khá lớn. Nay không hoạt động nữa, tiếc thì rất tiếc nhưng  mình vẫn phải phá dỡ để tận dụng đất mà kinh doanh”. Nhạy bén với nhu cầu thị trường, bên cạnh cửa hàng vật liệu xây dựng hiện có, ông Lâm vay mượn thêm và xây dựng nhà máy cán tôn với kinh phí dự kiến 1 tỷ đồng.

Với ông Cao Thắng, Trưởng thôn Thủy Phú, sau khi phá bỏ 2 lò gạch thủ công và 1 lò đứng của gia đình (cuối 2015), việc tìm kiếm công việc phù hợp hay theo học các lớp nghề (do thị xã hỗ trợ) khá khó khăn vì “mình cũng đã lớn tuổi”. Sau khi đi nhiều nơi tìm hiểu và được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, Trưởng thôn Thủy Phú quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và mua máy ép củi trấu để sản xuất kinh doanh. Ông Thắng cho hay: “Nghề không còn thì tôi phải kiếm công việc mới để mưu sinh. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, nhân công “gọi” lại những lao động trước đây khi còn sản xuất gạch, “đầu ra” cũng sẵn sàng nên công việc khá thuận lợi. Đến nay, sau một tuần đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất củi trấu đã xuất chuyến hàng đầu tiên cho khách với 4 tấn thành phẩm”.  

Theo Chủ tịch UBND xã Hương Vinh Trần Quốc Thắng, ngoài những trường hợp nói trên, hiện, một số hộ khác cũng đã chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải. Về cơ bản, đến nay, nhiều hộ đã ổn định cuộc sống và sản xuất. Tuy nhiên, các hộ còn gặp khó khăn trong việc tháo dỡ các lò gạch thủ công (19 lò), rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ một phần về kinh phí để các chủ cơ sở phá dỡ các lò gạch, giải phóng mặt bằng.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mô hình lúa “ba giảm, ba tăng” đạt năng suất 74 tạ/ha

Vụ lúa đông xuân mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh (TP. Huế) triển khai mô hình lúa “ba giảm, ba tăng” với giống mới, chất lượng JO2 không chỉ đạt năng suất cao, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, bán được giá.

Mô hình lúa “ba giảm, ba tăng” đạt năng suất 74 tạ ha
Tiêu úng “cứu” lúa

Tổng lượng mưa từ ngày 27 đến sáng 28/1 vùng đồng bằng phổ biến 30 - 60mm, một số nơi cao hơn như Tư Hiền, Lăng Cô (Phú Lộc) từ 91mm đến 116mm, đã làm hàng nghìn ha lúa đông xuân tiếp tục bị ngập úng. Các địa phương đang huy động máy móc, nhân lực tiêu úng bảo vệ đồng ruộng.

Tiêu úng “cứu” lúa

TIN MỚI

Return to top