ClockThứ Sáu, 03/03/2017 10:07

Huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng

TTH - Trong cuộc chiến chống suy thoái, biến chất mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề ra, sự tham gia góp sức của Nhân dân càng trở nên cần thiết và quan trọng.

1. Hiện nay, tình trạng suy thoái, biến chất của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, đặc biệt là các cán bộ đảng viên giữ vị trí lãnh đạo không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu với những biểu hiện nguy hiểm, đã và đang gây nhiều tác hại trong xã hội. Trong những năm gần đây, số vụ án liên quan đến sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên ngày càng tăng, với quy mô và mức độ thiệt hại ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng: Có móc nối trong - ngoài, trên - dưới, có “đường dây” để “chạy”: “chạy” dự án, "chạy” vốn, “chạy” chức, “chạy” tội, “chạy” để “được” và “chạy” để khỏi bị “mất”... Những vụ tiêu cực đã làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng.

Quan điểm huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu từ những giai đoạn cách mạng trước. Thật ngạc nhiên, những giải pháp để giải quyết những vấn đề rất “nóng” của xã hội hiện nay đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ” [1]. Người còn viết: “... Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên” [2]. Người chủ trương: “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” để “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” [3].

Trong những nhiệm kỳ Đại hội gần đây, vấn đề huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, cùng với Đảng chống suy thoái, biến chất đã được Đảng triển khai trong thực tiễn, bằng những công việc cụ thể và đã thu được một số kết quả nhất định, phần nào đã tăng cường được vai trò kiểm tra, giám sát trực tiếp của đảng viên và Nhân dân với các tổ chức Đảng và các cơ quan dân cử... Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa như mong đợi. Việc giám sát, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng của Nhân dân với Đảng chưa thành nếp trong suy nghĩ và hành động của từng người dân, chưa được luật hoá trong đời sống chính trị - xã hội. Nhìn vấn đề ở tính hệ thống và toàn cục, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống chính sách, chế tài cụ thể và những hiểu biết về quyền hạn và trách nhiệm của số đông Nhân dân trong lĩnh vực này còn khá mơ hồ.

Nhìn thẳng với những khiếm khuyết, nhược điểm để sửa chữa, khắc phục, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh giải pháp: “Tăng cường công tác dân vận của Đảng và của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của Nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trước mắt, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của Nhân dân”. Đồng thời phải “Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” .

2. Để thực hiện những giải pháp đã nêu, cần trả lời rõ ràng những câu hỏi cụ thể: Nhân dân được giám sát những nội dung gì? Phản ánh đến cơ quan nào, cho ai ? Việc khen thưởng và bảo vệ (nếu cần thiết) cho những người phản ánh cho Đảng những biểu hiện thoái hoá, biến chất, những vi phạm của cán bộ, đảng viên có thể nhận được ở đâu, mức độ ra sao...?

Các quan chức và ở mức thấp hơn là cán bộ công chức có thể dễ bị cám dỗ và sa ngã hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt những lợi ích cho cá nhân nếu họ tin rằng những hành vi sai trái của mình khó có thể bị bóc trần trước công chúng và bị dư luận lên án. Một “kênh” có thể trợ giúp tốt cho việc huy động Nhân dân tham gia cùng với Đảng chống suy thoái, biến chất là các phương tiện thông tin đại chúng. “Kênh” này có vai trò như một cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của các cơ quan và những người nắm giữ các chức vụ. Sự giám sát và phản biện xã hội được coi là một lực cản khá lớn với các “bệnh tật” có thể phát sinh từ cả hệ thống bộ máy và các cá nhân.

Để khẳng định mạnh mẽ sự chủ động, quyết liệt và thật tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các tổ chức Đảng cũng như các đảng viên cần phải tự đến với dân và chú ý lắng nghe những ý kiến của Nhân dân. Từ những ý kiến đóng góp phê bình và xây dựng của Nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên trước tiên tự chỉnh đốn cá nhân mình và sau đó góp sức chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Một vấn đề cũng đang đặt ra là cần nâng cao hiểu biết của Nhân dân về những quyền lợi của mình (đang bị xâm phạm bởi các cán bộ đã suy thoái, biến chất), tạo được dư luận xã hội lên án mạnh mẽ những hành vi sai phạm, các cá nhân sai phạm cũng như làm cho Nhân dân nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc tố giác những sai phạm.

Điều quan trọng nhất khi huy động Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng là phải thay đổi được thái độ của Nhân dân trước những tiêu cực để Nhân dân tham gia tích cực, ủng hộ những cố gắng của Đảng trong việc xây dựng, chỉnh đốn. Nếu từ những người dân bình thường đến những nhà doanh nghiệp có thói quen coi bệnh tham nhũng, quan liêu, lãng phí như những “điều xấu tất yếu” của bộ máy và có thói quen hy vọng đạt được những mục đích trong công việc của mình dựa vào việc hối lộ “bôi trơn” cho những người có quyền ra quyết định thì mọi cuộc vận động chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều sẽ thất bại.

TS. Ngô Vương Anh

[1] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 13, tr. 421

[2] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 15, tr. 547

[3] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 5, tr. 338

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Return to top