ClockThứ Hai, 02/01/2017 07:14

Huyền thoại vùng rẫm

TTH - Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông du ngoạn vào Chiêm Thành. Khi ra về, Ngài hứa gả con gái cho Quốc vương Chế Mân.

Bốn năm sau, theo di nguyện của cha, vua Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm với sính lễ là 2 châu Ô, Lý. Người đời vẫn bảo, đám cưới Huyền Trân đã đi qua cửa biển này và trước khi xuất giá sang Chiêm, bà đã ghé lại nơi đây làm lễ bái vọng tổ tiên. Trước đó, dân gian gọi là cửa Ông hay cửa Biện, sang đến nhà Lý gọi là Ô Long, từ nay được đổi là cửa Tư Dung, cái tên do lòng thương nhớ dung nhan Huyền Trân công chúa mà thành. Cửa biển Tư Dung ngày xưa ấy không phải là cửa Tư Hiền nay, được gọi kể từ năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, mà nằm cách đó khoảng chừng vài cây số, ngay dưới chân núi Vinh Phong, thuộc vùng Rẫm. Bây giờ, nó chỉ còn một con lạch triều vừa cạn lại vừa hẹp, không biết bị lấp vùi vào lúc nào.

Cầu Tư Hiền bắc qua Rẫm -Lộc Bình,  góc nhìn từ núi Linh Thái (xã Vinh Hiền). Ảnh: Tư liệu

Nhiều lần về Rẫm, tôi bị hấp dẫn bởi vùng đất huyền thoại này. Bắt đầu từ chân đèo Phước Tượng chạy dài đến tận cửa Tư Hiền nay, Rẫm là dải rừng dài nằm chênh vênh dọc theo đầm Cầu Hai mênh mông sóng nước. Cứ tưởng tượng, một ngày ở Rẫm, buổi sáng lên núi săn thú rừng, chiều xuống đầm Cầu Hai thưởng thức cái thú được chênh vênh trên sóng nước và buổi tối thử ngủ lại trong những hang động, nghe tiếng sóng biển ngoài kia vỗ về. Đó sẽ là một ngày của cha ông hàng trăm năm trước, của thuở hồng hoang. Ngay cả tên Rẫm cũng thật mơ hồ. Tôi hỏi rất nhiều người dân và họ cũng chỉ trả lời, rằng Rẫm là rừng rú, là rậm rạp. Lại có cả Rẫm trên, Rẫm giữa và Rẫm dưới.

Vùng Rẫm có rất nhiều am miếu. Một trong số đó là là miếu Công Thần. Chuyện kể, trong một đêm mưa gió, vua Gia Long đánh vào phòng tuyến Linh Thái - Tư Dung của triều Tây Sơn. Không xác định được vị trí, từ biển nhìn vào chỉ thấy hai đốm sáng. Thì ra, đó là mắt hai con rái cá. Cho là điềm lành, vua Gia Long thốc quân, một mặt đánh trực diện vào vị trí hai con rái cá, mặt khác đánh từ đầm Hà Trung xuống nhằm tạo thế gọng kìm. Quân Nguyễn thắng lớn. Lên ngôi vua, Gia Long phong tặng cặp rái cá là “Lang lại nhị đại tướng quân” để tỏ lòng biết ơn đã phù trợ. Miếu thờ “Lang lại nhị đại tướng quân” hiện nằm ở Rẫm, bên cạnh đầm Cầu Hai. Người dân trong vùng còn gọi là miếu Hung Thần và không dám đến gần.

 Ít ai ngờ, trong 2 cuộc chiến tranh ác liệt, Rẫm lại là căn cứ cách mạng và là nơi tập kết lực lượng cho những trận đánh lớn. Hải quân Việt Nam cộng hòa có 28 duyên đoàn thì một trong số đó đóng ngay ở cửa Tư Hiền, chĩa mũi súng trực tiếp vào Rẫm. Trên đầm Cầu Hai, ngày đêm các loại  tàu thuyền rình rập bủa vây và ngăn chặn mọi sự tiếp tế cho Rẫm. Ở trên này giáp với Phước Tượng, con đường độc đạo về Rẫm bị chặn lại bởi nhiều sắc lính. Vậy mà, trong thế “tứ bề thọ địch” kia, vùng Rẫm lại là nơi đứng chân vững vàng của những lực lượng cách mạng.

Tôi gặp nhiều cán bộ và người lính từng bám trụ ở Rẫm năm xưa, nay phần đông đã “thất thập cổ lai hy”. Cả chục năm ròng, họ phải ở trong các hang động, ngủ trên các tảng đá, đêm về đá lạnh buốt xương. Lúc đầu, phải vào tận mảng dưới Lộc Thủy để mua gạo, thực phẩm, bột ngọt, muối để mang ra dùng. Có gạo nhưng không có thức ăn, đôi khi phải hái môn thục, bìm bìm để nấu canh. Từ Rẫm, người lính được phổ biến “đi không dấu, nấu không khói” bằng cách lội dưới khe, không được đi trên cỏ. Ban ngày, lính hải thuyền hay lên tìm dấu chân. Ở hang đá, nấu ăn không được có khói vì địa hình Rẫm chỉ có núi một mái, nếu sơ hở địch phát hiện sẽ dùng pháo dập.

Cũng đã có lần như thế. Đó là vào ngày 12/7/1968, phát hiện thấy quân ta, Mỹ đã cho máy bay tập kích, quần thảo, thả bom khắp những khu vực nghi có bộ đội ta. Nơi ẩn nấp bị phát hiện và là cuộc chiến không cân sức, sau gần một tuần, các đồng chí của chúng ta lần lượt hy sinh. Chỉ còn lại một người, đó là Trần Thị Hằng. Chị bị thương nặng và đã có 23 ngày đêm một mình nơi rừng vắng, chống chọi với bệnh tật, đói khát, quân thù và chị đã được cứu sống. Để rồi 7 năm sau đó, từ vùng núi rừng này, hàng nghìn chiến sĩ của ta đã tập kết, vượt đầm Cầu Hai sang giải phóng vùng khu III ở bên kia cửa Tư Hiền.  

Hoang sơ và hiểm nguy, thế nhưng đã hàng trăm năm nay Rẫm vẫn là vùng đất của sự khát khao. Từ bên kia khu III, người dân vùng biển vượt cửa Tư Hiền sang Rẫm. Họ khai hoang làm ruộng rẫy, lên núi săn tìm lâm sản, dược liệu và chờ đợi... Rồi khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều gia đình sang Rẫm định cư, lập nghiệp. Năm mươi năm trước, ông Nguyễn Thanh Thảo là Huyện đội phó Phú Lộc, được lệnh về bám trụ ở vùng Rẫm. Nhớ lại năm tháng xưa, ông Thảo nay đã vượt qua lâu rồi tuổi “xưa nay hiếm” vẫn không quên cái cảm giác chạnh lòng. Đó là khi ông cùng với các đồng đội vào những buổi chiều tà ngồi trên các hang đá ở Rẫm nhìn xuống đầm Cầu Hai, chứng kiến cảnh tượng những con đò đậu bên cạnh những trộ sáo, khói lam chiều nghi ngút. Họ đã mơ về một ngay mai thanh bình cho Rẫm.

Hàng chục năm nay, ông Thảo và những người lính năm xưa mỗi khi nhớ Rẫm, lại ới nhau về. Cùng với Rẫm trên đã nên xóm, nên làng hơn trăm năm nay, cả vùng Rẫm rừng rú rậm rạp xưa bây giờ cũng rộn ràng tiếng người cười vui. Không còn là ký ức chiến tranh và chết chóc. Cái tên Rẫm chỉ là hoài niệm, còn bây giờ đã là xã mới Lộc Bình, đang viết tiếp những trang mới cho Rẫm.

Đan Duy

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top