ClockThứ Năm, 06/04/2017 14:48

Hy vọng có thêm nhiều đêm nhạc dễ thương như thế

TTH - “Hoành tráng, dễ thương” là bình luận của GS. Trần Hữu Dàng dành cho đêm nhạc Classical Guitar “Tiếng đàn xuân” diễn ra tại hội trường Đại học Huế hồi đầu tháng 3. Và trong dòng người rời hội trường đêm ấy, tôi đã nghe những nhận xét thể hiện sự hoan hỉ và thỏa mãn của hầu hết khán - thính giả.

Hòa tấu của bộ đôi Phạm Hoàng Tín và Lê Công Nam Anh

“Dư âm” sau đêm nhạc

“Đến bao giờ mới có lại một đêm nhạc như thế này”?! Đây không chỉ là lời khen mà còn bao hàm mong ước Huế sẽ tổ chức thường xuyên hơn những hoạt động nghệ thuật có chất lượng cao như đêm nhạc “Tiếng đàn xuân”. Một khán giả khác - anh T.V.H. - từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế vào dịp này, đã “trốn” bạn bè đến xem và ngày hôm sau viết trên Facebook: “… Một music party đầy đủ những âm thanh sang trọng, nghiêm trang và hạnh phúc…”. Nhưng rồi anh đặt câu hỏi, đại ý: “Thế nhưng Học viện Âm nhạc tầm cỡ ngay bên cạnh không thấy đâu mà lại do các cá nhân đứng ra tổ chức?”. Một thắc mắc có thể làm ai đó không vui, nhưng đây lại là một “gợi ý” để trả lời cho câu hỏi ở trên…

“Huế không chỉ có ca Huế, múa hát cung đình; Huế còn có guitar cổ điển”. Đây cũng lại là một nhận xét của GS. Trần Hữu Dàng trong lời phát biểu mở đầu đêm nhạc “Tiếng đàn xuân”. Huế từng là một trong số ít địa phương có “phong trào” chơi guitar, có “lò luyện” guitar cổ điển tạo ra một số cầm thủ được giới ghi ta cổ điển trong nước chú ý. Ngoài lớp guitar của Trung tâm Văn-Thể-Mỹ (Phòng Giáo dục TP. Huế) duy trì nhiều năm, đến nay, Khoa guitar của Học viện Âm nhạc Huế là nơi có điều kiện hoạt động tốt nhất; còn nữa, là Câu lạc bộ Guitar Classic do Phạm Hoàng Tín và Lê Công Nam Anh hướng dẫn tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Câu lạc bộ Guitar của Trường đại học Y và một số lớp tổ chức tại nhà riêng… Nhờ thế, mấy năm qua, vẫn có một số quán cà phê mời các nghệ sĩ guitar đến diễn …

Tuy vậy, phải nói thật là những hoạt động đó còn lẻ tẻ, chưa xứng với tiềm năng người chơi guitar và độ yêu thích bộ môn nghệ thuật này của công chúng ở Huế. Có thể khẳng định điều này thông qua đêm diễn “Tiếng đàn xuân”. Một hội trường chật kín, ai đến sau phải ngồi hai bên hành lang, buổi diễn kéo dài hơn một tiếng rưỡi, vậy mà hầu như không ai về trước, không một tiếng động lộn xộn nào dưới hàng ghế khán giả. Và, sau mỗi tiết mục là tràng vỗ tay nồng nhiệt với rất nhiều hoa.

Không phải vùng đất nào cũng nuôi dưỡng được lớp khán giả có văn hóa như thế! GS. Trần Hữu Dàng hào hứng cho rằng đêm nhạc “sang trọng và dễ thương” là vì thế!

Đã đành, trình độ nghệ sĩ đến một mức nào đó mới có thể “hút hồn” người xem. Ngôn ngữ bất lực trong việc diễn tả hết vẻ đẹp của âm thanh, nhưng chỉ đơn thuần xét về “cấu trúc” chương trình, đã thấy sự kết hợp thú vị. 5 nghệ sĩ khác nhau về mọi “chiều kích” như 6 dây đàn guitar mà vẫn hòa điệu nhịp nhàng, khéo léo. Nghệ sĩ Đặng Huy Hoàng từ Mỹ về, thân hình bệ vệ bên Phạm Hoàng Tín mảnh nhỏ như một thiếu niên; Đặng Ngọc Phú Hòa lăn lộn gầy dựng bao lớp guitaris, cùng bác sĩ - PGS.TS. Lê Nghi Thành Nhân - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đại học Y dược Huế kiên trì luyện tay đàn đã mấy chục năm, bên Lê Công Nam Anh, nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng vừa tốt nghiệp đã được giữ lại giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế. Về tiết mục trình diễn, bên những tác phẩm cổ điển nổi tiếng thế giới là các bài chuyển soạn từ ca khúc Việt Nam như “Hòn Vọng phu” của Lê Thương, “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy và dân ca “Bèo dạt mây trôi”…; thứ này tôn vẻ đẹp cho thứ kia…

Để có nhiều đêm nhạc “hoành tráng, dễ thương” như  thế

Vậy thì tại sao quá lâu rồi, Huế mới có một đêm nhạc như “Tiếng đàn xuân”?! Có thể chỉ ra các lý do: Trước hết, đây là môn nghệ thuật có trình độ cao, nên để có một nghệ sĩ hay tổ chức trình diễn đều rất công phu. Số lượng nghệ sĩ ở Huế - tuy còn đang khiêm tốn, nhưng rõ ràng là đã có đủ khả năng kết hợp để làm được những cuộc biểu diễn có chất lượng. Trong đêm “Tiếng đàn xuân”, vai trò của nghệ sĩ Đặng Huy Hoàng quả là rất đáng kể, nhưng giả như không có ông, thì còn các nghệ sĩ tại Học viện Âm nhạc Huế; hơn nữa, nếu biết cách tổ chức, Huế hoàn toàn có thể “kéo” các nghệ sĩ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về cùng biểu diễn và học hỏi lẫn nhau. Đó là chưa nói đến, Huế còn có thể bổ sung chương trình với cây đàn piano… Do vậy, vấn đề còn lại là khâu tổ chức!

Sau buổi trình diễn, trò chuyện với Phạm Hoàng Tín và Lê Nghi Thành Nhân và được biết, các nghệ sĩ đang ấp ủ tổ chức một số buổi biểu diễn trong vài tháng tới, nhưng xem ra còn rất đắn đo. Từ các căn cứ nêu trên, xin thử đóng góp một số giải pháp với mong muốn Huế sẽ có thêm nhiều đêm nhạc tương tự như “Tiếng đàn xuân”.

Đầu tiên, đề nghị với sự chủ trì của Học viện Âm nhạc Huế hoặc Hội Âm nhạc và Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc trao đổi với các đơn vị, các nghệ sĩ có liên quan đến bộ môn nghệ thuật này để tìm cách kết hợp các lực lượng, tiến tới có thể tổ  chức biểu diễn định kỳ (ví như 2 tháng hay 1 tháng một lần…). Nếu có thể thì thành lập một “Ban Tổ chức” hay ‘Ban Điều hành” hoạt động thiện nguyện lâu dài hoặc có “nhiệm kỳ”. Cũng như các ca sĩ thành danh đều có “ông bầu” lo mọi chuyện tổ chức và hậu trường …

Có tiến tới định kỳ biểu diễn và công bố trước, mới có điều kiện mời thêm các nghệ sĩ ở các vùng đất khác, thậm chí tiến tới bán vé cho các tour khách du lịch trong và nước ngoài.

Về các điều kiện vật chất, trong khi dự án xây nhà hát của tỉnh trên đường Lý Thường Kiệt chưa có điều kiện thực hiện, và nếu chưa tìm được địa điểm nào tốt hơn, có lẽ tốt nhất là đề nghị Đại học Huế cho mượn miễn phí hội trường theo lịch định trước. Và như thế, mặc nhiên Đại học Huế là một thành viên Ban Tổ chức; do đó có thể phân bổ vé mời từng kỳ biểu diễn cho sinh viên các trường. Chắc chắn điều này sẽ được sinh viên hưởng ứng nồng nhiệt. Và có thể, từ lớp khán giả trẻ sẽ có thêm những tài năng âm nhạc được mọi người biết đến.

Cũng không thể không nhắc đến việc các nghệ sĩ theo đuổi môn nghệ thuật này đòi hỏi quá nhiều công phu, nên không thể cứ diễn “miễn phí” mãi. Khâu tổ chức, trang trí… cũng cần tiền. Việc bán vé thì chưa thể thực hiện, ngân sách công thì eo hẹp; như vậy, các đơn vị hữu quan tạo điều kiện cho Ban Tổ chức các cuộc biểu diễn vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ. Trước mắt, cũng có thể thử nghiệm đặt “Thùng đóng góp tự nguyện cho Quỹ phát triển nghệ thuật guitar cổ điển” tại các cuộc biểu diễn. Thiết nghĩ đây là cách làm chính đáng, tương tự như độc giả bỏ tiền mua sách tại các cuộc giới thiệu tác phẩm văn học vừa qua ở Huế…

Tuy là người “ngoại đạo”, nhưng vốn quan tâm đến guitar cổ điển, xin mạnh dạn đề xuất một số ý kiến, rất mong được các cơ quan hữu quan, các nhà chuyên môn bàn thảo, góp ý thêm để có thể giúp phát triển bộ môn nghệ thuật mà Huế từng có thế mạnh và theo tôi là phù hợp với “phong vị” cũng như “tính cách” Huế …

Nguyễn Khắc Phê

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa tinh thần thiện nguyện, vì cộng đồng từ đêm nhạc Kenny G Live in Vietnam

Tại buổi gặp gỡ báo chí trước Chương trình “Kenny G Live in Vietnam" chiều 13-11, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình khẳng định, toàn bộ kinh phí thu được từ bán đấu giá cây kèn của nghệ sĩ cũng như vé đêm nhạc sẽ được sử dụng cho hoạt động thiện nguyện.

Lan tỏa tinh thần thiện nguyện, vì cộng đồng từ đêm nhạc Kenny G Live in Vietnam
Hào hứng với đêm rockshow “Chạy lụt”

Sôi động và đầy hào hứng, tối 12/3, hơn 300 khán giả đã có một đêm bùng cháy hết mình với rockshow mang tên "Chạy lụt" do Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học (ĐHKH), ĐH Huế tổ chức.

Hào hứng với đêm rockshow “Chạy lụt”
“Giai điệu mùa Xuân” mừng Đảng và xuân Quý Mão

Chương trình nghệ thuật “Giai điệu mùa Xuân” được Học viện Âm nhạc Huế tổ chức vào tối 24/2 tại khán phòng nhà hát Sông Hương nằm trong sự kiện mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Quý Mão 2023.

“Giai điệu mùa Xuân” mừng Đảng và xuân Quý Mão
Hàng ngàn người dân xuống phố dự Countdown - Chào năm mới 2023

Hàng ngàn du khách và người dân cùng nhau chia tay năm cũ 2022 và chào đón năm 2023 bằng một bữa đại nhạc tiệc với những chương trình âm nhạc đặc sắc, sôi động và hòa mình cùng chương trình đếm ngược Huế Countdown 2023 vào tối 31/12 tại sân khấu ngoài trời giao lộ ngã 6 Hùng Vương, TP. Huế.

Hàng ngàn người dân xuống phố dự Countdown - Chào năm mới 2023

TIN MỚI

Return to top