ClockThứ Hai, 06/03/2017 13:31

Kết buồn không đáng có

TTH - Giải quyết khúc mắc bằng “con đường” vi phạm pháp luật, một số tiểu thương chợ tạm Phú Hậu bị xử lý về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Theo cáo trạng: Ủy ban nhân dân (UBND) TP.Huế đã có kế hoạch di dời chợ tạm Phú Hậu về chợ đầu mối Phú Hậu (chợ mới). Sau nhiều lần tổ chức gặp gỡ, trao đổi (tiểu thương không đồng ý nhiều điểm khi vào chợ mới- pv) nên kế hoạch di dời được điều chỉnh đến hạn cuối là ngày 30/11/2015. Đa số tiểu thương đã chấp hành về kinh doanh tại chợ mới, tuy nhiên vẫn còn một số tiểu thương không chấp hành, vẫn cư trú, buôn bán tại chợ tạm.

Vào các ngày 25, 26/12/2015, một số tiểu thương quá khích đã tập trung tại chợ tạm để hò hét, phản đối chủ trương di dời chợ, gây mất trật tự công cộng. Đỉnh điểm là khoảng 2 giờ sáng ngày 27/12/2015, Lê Thị Hồng, Dương Thị Mỹ Linh, Trần Thị Chớ đều là tiểu thương chợ tạm Phú Hậu, nhưng không đăng ký về buôn bán tại chợ mới đã cùng một số tiểu thương khác tập trung tại đường Nguyễn Gia Thiều phía trước chợ tạm Phú Hậu và UBND phường Phú Hậu (đường được phân cấp đường đô thị, là tuyến đường lưu thông cho tất cả các phương tiện giao thông, người dân kinh doanh buôn bán tại chợ đầu mối Phú Hậu; cũng là tuyến đường chính của TP. Huế với thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang) cùng nhau chặn xe của các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ mới, ép họ phải vào chợ tạm để buôn bán; chặn không cho xe ô tô đi ngang qua đoạn đường này, làm cho việc lưu thông bị ách tắc, gián đoạn.

Đến khoảng 4 giờ cùng ngày, Hồng, Chớ cùng một số người quá khích dùng các vật dụng như xe đẩy hàng, sọt đựng hàng hóa và dây để kết nối thành hàng rào chắn cắt ngang đường Nguyễn Gia Thiều đoạn trước chợ tạm Phú Hậu. Sau đó, Hồng, Linh, Chớ còn dùng chất bẩn ném vào lực lượng làm nhiệm vụ và sân UBND phường, đồng thời cùng nhiều người quá khích khác đặt lư hương giữa đường làm nhiều người hiếu kỳ tập trung ngày càng đông làm tuyến đường Nguyễn Gia Thiều đoạn đi qua khu vực chợ tạm và các hoạt động công cộng tại khu vục này bị đình trệ. Công an TP. Huế phải huy động lực lượng, lập 3 chốt để phân luồng cho người và phương tiện đi qua.

8 giờ ngày 27/12/2015, sau nhiều lần chính quyền địa phương giải thích, vận động, một số người tự tháo dỡ các vật dụng ngăn đường. Còn Hồng, Linh, Chớ và một số người quá khích vẫn tiếp tục chống đối nên công an phải áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giữ, tạm giam để xử lý (Linh, Chớ 10 ngày sau và Hồng hơn 1 tháng sau được cho tại ngoại). TAND TP.Huế đã xử, phạt Hồng 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo; Chớ 1 năm 3 tháng tù, cho hưởng án treo và Linh 1 năm tù, cho hưởng án treo đều về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Phiên tòa hôm ấy dù đông người dự khán, nhưng không khí thật lặng lẽ. Các bị cáo, người thân và nhiều tiểu thương khác ai nấy rầu rĩ; đều bảo, họ không bao giờ ngờ, càng không bao giờ nghĩ rằng có ngày, những tiểu thương suốt đời chỉ biết cần cù một nắng hai sương mưu sinh, nuôi mẹ già, con dại, lại có lúc ra đứng sau vành móng ngựa. Bị cáo Hồng có 4 con, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi. Bị cáo Chớ 4 con, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Và trong 4 đứa con của bị cáo Linh, ngày người mẹ ra sau vành móng ngựa, đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi. Khi sự việc xảy ra, Linh đang mang thai đứa con này, và phiên tòa đã phải hoãn một lần bởi lúc đó bị cáo Linh sắp đến ngày sinh. Lúc đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, đến phần vật chứng thu giữ được gồm 5 sọt nhựa, 1 sọt thùng xốp, 1 sọt tre, những ánh mắt càng buồn, càng chua xót. Đó là những vật dụng hiền lành, cũng “chịu thương, chịu khó”, gắn bó, đồng hành với tiểu thương trong cuộc mưu sinh. Vậy mà... Bị tạm giam kẻ mươi ngày, người hơn tháng, cuộc sống của 3 gia đình đã “lộn tùng phèo” cả lên. Bây giờ, dù được hưởng án treo, nhưng cuộc đời họ dù gì vẫn bị “mang án”.    

Theo các bị cáo, họ đều thuộc diện khó khăn, vậy nên mới thức khuya dậy sớm bám chợ đầu mối (chợ tạm) Phú Hậu, buôn bán hàng măng, lấy công làm lãi, kiếm sống, nuôi con. Nếu vào chợ mới tiền thuê lô rất đắt, họ không thể kham nổi. Cũng không có sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay nợ. Giả sử có vay được vốn để thuê lô, nếu việc kinh doanh không thuận, có thể phải ôm nợ, nên mới bám trụ “ở ngoài” (tức chợ tạm). Nhiều vấn đề bất cập khi vào chợ mới, không chỉ các bị cáo mà nhiều tiểu thương không đồng ý. Vì ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của mình, nên mới bức xúc.

Đó là tâm tư của các bị cáo, đồng thời cũng là tâm tư của không ít tiểu thương chợ tạm Phú Hậu trong thời gian qua, kể từ ngày có chủ trương di dời tiểu thương từ chợ tạm vào thuê lô kinh doanh tại chợ mới Phú Hậu. Tuy nhiên, mọi vấn đề mà tiểu thương cho là khúc mắc, không đồng ý, lẽ ra các bị cáo nói riêng và nhiều tiểu thương khác nên và cần giải quyết bằng con đường pháp luật, tuân thủ pháp luật, để không phải sa vào vi phạm pháp luật, chịu cái kết thật buồn.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khu vườn xanh tươi

Ngoài diện tích đã được dùng để xây dựng nhà, khoảnh đất nhỏ hiếm hoi, trồng ngò gai và hẹ.

Khu vườn xanh tươi
Điều không thể chấp nhận

Sự yên tĩnh của xóm nhỏ bị phá vỡ bởi tiếng quát tháo, vứt ném đồ đạc từ ngôi nhà giữa xóm.

Điều không thể chấp nhận
May mà…

Trưa nắng, đang vội vã chạy xe máy từ thị trấn Phú Đa (Phú Vang) đến xã Phú Xuân nằm trên địa bàn huyện này để kịp cái hẹn làm việc...

May mà…
Cô gái “giàu có”

Cô gái kể, hồi còn trẻ cha mẹ chồng vừa đi làm thuê làm mướn, vừa đổ mồ hôi trên mảnh vườn mới đủ nuôi các con khôn lớn trưởng thành.

Cô gái “giàu có”
Giá như

Ở quê, cô và ba, mẹ tôi có mối quan hệ tình cảm khăng khít, có chuyện vui thì chia sẻ, có khúc mắc trong lòng thường tâm sự, giải bày.

Giá như
Return to top