ClockThứ Năm, 04/08/2016 06:21
XÉT TUYỂN ĐỢT I Ở ĐẠI HỌC HUẾ:

Khả năng nhiều ngành sẽ tuyển đủ chỉ tiêu

TTH - PGS. TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế nhận định: Năm nay, quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là các trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Gửi qua đường bưu điện, nộp trực tiếp và nộp hồ sơ trực tuyến.

Không nhiều thí sinh nộp hồ sơ trong ngày đầu

Dựa trên phương án chung của Bộ GD&ĐT, ĐH Huế triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho TS, đồng thời tính đến các phương án lâu dài, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng đầu ra của sinh viên.

PGS. TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế

Nộp hồ sơ trực tuyến (online) là phương thức xét tuyển mới. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác tổ chức xét tuyển, ông đánh giá những thuận lợi và khó khăn gì ở phương thức này?

Tuyển sinh trực tuyến sẽ tạo điều kiện cho TS đỡ di chuyển và giảm chi phí đi lại. Hiện nay, với phương thức tuyển sinh trực tuyến, Bộ GD&ĐT cùng các trường đã có những hướng dẫn quy trình cụ thể, nếu nghiên cứu kỹ, các em có thể thực hiện phương thức này, nhất là những TS ở xa.

Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh trực tuyến cũng có một số khó khăn. Đơn cử như một số TS ở miền núi, hạn chế về điều kiện tiếp cận internet, nhiều em phải sử dụng phương thức nộp trực tiếp, hoặc đường bưu điện. Một trường hợp nữa là nếu đường truyền không tốt, cũng có thể xảy ra tình huống không đăng ký được.

Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đợt 1, ĐH Huế có sự chuẩn bị như thế nào?

Năm trước, TS đăng ký nhiều nguyện vọng và được quyền rút hồ sơ chuyển sang nguyện vọng khác. Năm nay, mỗi TS được chọn 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và không được thay đổi sau khi nộp hồ sơ. Đây là một thuận lợi cho các trường.

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, ĐH Huế tập trung thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ trực tiếp: cải tạo tầng 1 ở địa chỉ số 2 Lê Lợi (TP. Huế) hiện tại rất rộng và thoáng, có khu vực tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, bàn ghế để TS viết hồ sơ và nghe tư vấn. Những ngày đầu, lượng TS nộp hồ sơ còn ít, nhưng chúng tôi dự tính được phương án TS sẽ tập trung nộp hồ sơ vào những ngày sau của đợt xét tuyển và với không gian được cải tạo rộng như hiện nay sẽ đáp ứng được khả năng đón một lượng lớn TS. Năm nay, ĐH Huế còn đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh trực tuyến cho TS nên thắc mắc của các em sẽ được giải đáp trong thời gian ngắn nhất.

Năm ngoái, các trường tốp trên thuận lợi trong việc thu hút TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, một số ngành, trường ở tuyến  dưới khó tuyển đủ. ĐH Huế có dự tính gì với tình huống này?

Năm 2016, ĐH Y Dược có ngưỡng điểm nhận hồ sơ cao hơn các trường khác. Thường các năm, đây là trường có số lượng TS nộp hồ sơ lớn. Tuy nhiên, năm nay có sự thay đổi. Năm 2015, nguyện vọng 1 tuyển chưa đủ chỉ tiêu thì nguyện vọng 2 (bổ sung) bắt buộc phải bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1. Năm 2016, Bộ GD&ĐT cho phép điểm chuẩn tuyển bổ sung bằng hoặc thấp hơn. Đây là thuận lợi cho tất cả các ngành.

Các TS viết thông tin vào hồ sơ tại ĐH Huế

Năm nay, ĐH Huế tuyển sinh 113 ngành, với mức điểm sàn 15 thì ĐH Y Dược, ĐH Luật, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Nông lâm khả năng sẽ có nhiều ngành tuyển đủ trong đợt 1. Tuy nhiên, không phải ngành nào điểm chuẩn cũng cao, nhiều ngành sẽ phải lấy ngang điểm sàn.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 của Đại học Huế là 12.780 gần ngang bằng với năm ngoái, dự đoán sẽ không có nhiều biến động trong đợt xét tuyển. Theo tôi, một số trường sẽ tuyển đủ trong đợt 1. Như một vài năm trở lại đây, các trường như: ĐH Nông lâm, ĐH Y Dược, ĐH Luật, ĐH Kinh tế, cơ bản hoàn thành trong đợt 1. Thế nhưng cũng sẽ có một số trường phải tuyển bổ sung, chẳng hạn như một số ngành của ĐH Khoa học Huế.

Với các ngành năng khiếu, số lượng TS đăng ký dự thi khá thấp. Cụ thể, khối H là 86 TS đăng ký/210 chỉ tiêu; khối T là 58/150; khối V là 120/150. Một khó khăn nữa là một số TS đăng ký dự thi năng khiếu nhưng kết quả điểm thấp, dẫn đến càng thiếu chỉ tiêu.

ĐH Huế đang xét tình hình thực tế từng trường và có thể tính đến phương án tổ chức thi tuyển đợt 2. Nhưng để làm được điều này phải có lượng TS đăng ký nhiều vì không thể lập một hội đồng thi chỉ có vài TS dự thi.

Ông dự đoán điểm chuẩn năm nay như thế nào?

Theo tôi, năm nay ĐH Huế chắc chắn sẽ có nhiều ngành điểm chuẩn cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT. So với mặt bằng điểm năm 2015, TS thi khối A và B có phổ điểm các môn trên 5 khá rộng. Do vậy, hy vọng điểm chuẩn các ngành ở khối A, A1, B và cả khối C sẽ cao. Riêng khối D, điểm ngoại ngữ hơi thấp so với các khối còn lại. Tuy nhiên, tôi nghĩ với ĐH Ngoại ngữ thường các năm có mức điểm chuẩn cao, năm nay, điểm chuẩn nếu thay đổi sẽ không thấp quá. Tất nhiên, ở các trường thành viên của ĐH Huế cũng sẽ có những ngành điểm ngang sàn, nhưng số lượng sẽ không nhiều.

Xin cảm ơn ông!

PGS. TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế khuyên: “Các TS phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ ngành, trường mình chọn. Thời gian nhận hồ sơ dài, nên không cần gấp. Các em có thể tham khảo ý kiến các thầy cô hoặc gửi câu hỏi qua ban tuyển sinh của ĐH Huế để được tư vấn”.

Phúc Quang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top