ClockThứ Tư, 10/02/2016 10:28

Khác mùa

TTH - Cuối cùng rồi cũng có những ngày mưa. Đỏng đảnh và thì thụp. Khi trốn vào một nơi khô ráo, với một lặng yên bất ngờ trong chiều, tôi biết mình không trốn gió mà đơn giản chỉ là tìm một chút dư vị của mùa đông cũ. Nhưng chút ướt át cũng chưa thể nào mang mùa về.

Chưa khi nào những thay đổi về thời tiết, khí hậu lại mang lại nhiều lo nghĩ bề bộn đến như thế. Tôi nhớ những ngày về xã, nghe bà con kể về những chân ruộng ngóng nước, về những con sông không dưng lại quá dùng dằng và nước không buồn chảy, đến đỗi lục bình cứ thế mà thi nhau ken dầy khắp mặt nước, mặc kệ cho người dân hai bên bờ sống cùng với nguồn không khí không sạch. Người nơi khác lại lo nghĩ về một vụ mùa chưa đến, chẳng phải vì không có phù sa mà còn vì các cánh đồng không được thau rửa, rồi thì chuột, bọ, sâu rầy sẽ có chỗ mà sinh sôi. Có bác lại chia sẻ về những thửa rau, ruộng hoa năm nay phải sẽ tốn nhiều hơn công chăm đất, làm cỏ mà không biết có vào kịp vụ. Tôi nhớ lúc ấy đã vào khoảng tháng 12 rồi và cây mai trong sân UBND xã Thủy Châu đã nở vàng hết. Cái màu vàng tự dưng trở nên có vẻ gì đó tréo ngoe đến kỳ cục.

Câu chuyện của bà con mà tôi nghe được trong những lần rời văn phòng, rời thành phố cuối cùng chẳng phải là những câu chuyện mang tính thế sự. Đó chỉ là những điều thuần hậu và chân chất như cuộc sống bên dòng sông, con đê, triền lúa, lũy tre làng hay mé cát, đồi dương. Những nỗi lo vốn thường nhật, giờ lại thêm trăn trở nhiều hơn khi ngày khác, gió khác và mùa khác. Mấy ai biết được những đêm khó ngủ, những trằn trọc sau vẻ lành yên và trầm khuất của người nhà nông. Không giống như hôm qua, ngày ra đồng hôm nay của người làm nông có thể nhẹ nhõm hơn khi không phải tay cày, tay cuốc hay đôi quang gánh. Đồng ruộng đã thật sự được cơ khí hóa. Nhưng nỗi lo thì vẫn còn, như của ngày hôm qua. Thậm chí áp lực hơn, đeo đẳng hơn và lắm khi phiền muộn hơn không phải vì chuyện ăn, chuyện mặc mà còn vì chuyện đứa con gái, con trai sau mấy năm đại học, việc vàng vẫn chưa ra môn ra khoai mà vẫn phải tiếp tục đặt kỳ vọng vào những đứa bé hơn trong sự học. Là những chuyện nghi lễ, họ hàng, cưới xin, giỗ chạp...không hiểu vì đâu ngày mỗi nhiều. Tất thảy đều nhờ vào mảnh đất rau trái quanh nhà, mấy mẫu ruộng trước mặt và đôi tay vẫn không thôi chai sạn đi. Thế nên, cái nghe ngóng, cảm nhận đến thất thần hay dằng dặc lo của người quê không phải ở những chỉ số, nguyên do… còn lắm mênh mênh mang mang với họ mà ở những con số rất thực của một bữa chợ, tạ thóc, con heo, con gà... và cái nắng không hiểu vì sao mà cứ ong ong mãi trong những tháng nhẽ ra là đã đông rồi.

Lắm khi, ngoái nhìn ráng chiều thật đẹp trong ngày cuối năm khi qua cầu Dã Viên – cái nắng như là nắng minh mang trong thơ Thu Bồn một ngày Huế đẹp, với bâng khuâng về một nơi chốn, tôi đã thu lòng mình lại. Chẳng phải như cách nghĩ to tát như kiểu người ta thường gọi là ý thức công dân, đơn thuần chỉ vì tôi cũng là một đứa con của Huế, chảy trong nhịp sống của Huế và được nuôi dưỡng bằng tâm hồn Huế, ý nghĩ Huế và những nỗi niềm Huế. Là khi chợt thấy, những điều của riêng mình, xem ra nhỏ nhoi quá trước những ánh mắt, những gửi gắm còn nhiều hơn cả sự chia sẻ mà tôi được tin cậy trao gửi. Dù điều mà mình có thể làm được, cũng chỉ như cơn gió thoảng đi.

Một ngày cuối năm, khi đi qua mưa để đến với công việc thường ngày, thấy lục bình đã trôi ngược từ sông Như Ý về phía Đập Đá, tôi biết con nước đã lên và dòng chảy sẽ thôi dằng đặc. Người dân Thủy Vân có thể đã thở nhẹ với cả khí trời và cả nỗi lo làm thế nào để dọn dẹp bờ bãi. Biết mong ngóng nước về có lẽ đã thôi mông lung như tôi đã thấy trong ánh mắt người đàn ông ngước nhìn lên, sau khi tỳ người đẩy chiếc đò lách từng bước khó nhọc chiều nào ở Thủy Thanh. Cũng chưa biết có con lũ vừa và nhỏ nào ghé qua Huế cho những thửa bắp dọc triền sông có thêm phù sa để ngọt, để mùa thanh trà sang năm sẽ thanh và đầy trái. Mong lũ cũng có vẻ trái khoáy, nhưng khác mùa rồi, lũ hình như cũng trở thành thương nhớ…

Một ngày cũng cuối năm, khi lên chuyến bay từ Cam Ranh để trở về nhà, tôi đã ngó hoài ra biển xốp mây và nắng, tự hỏi bao giờ Huế sẽ lại có mưa. Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi thấy nhẹ nhõm khi bắt đầu một vùng trời mù, lúc máy bay sắp đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Bên kia đèo Hải Vân đã bắt đầu ướt át và người đón tôi đã mặc áo gió.

Nhưng tôi lại thấy mình kỳ cục khi không muốn mưa, lúc trông thấy những bóng người lúp xúp dưới mưa với rau, chuối, trái cây…Ngón tay của những người phụ nữ trong áo mưa dơi dưới trắng trời sẽ nhăn nheo vì lạnh và vì chờ đợi những cuộc ghé qua, dừng lại chóng vánh. Ngày như thế sẽ dài lắm. Nhưng biết làm thế nào khi rủi ro của người này có khi lại là cơ hội của người kia.

Mùa đã khác và ngày cũng đã khác. Không biết tết này nhà ai sẽ có mai. Tôi đi qua những xôn xao của sắc màu gốm sứ và hoa lá nhiều lắm ở mỗi hai bên đường, biết cái gì cũng có thể thay thế và được thay thế.

Còn lại thương yêu, với rất nhiều gói gắm và không muốn bị gió cuốn đi.

Hạnh Nhi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top