ClockThứ Năm, 06/09/2018 06:15
ĐỂ VÀO “TOP” ĐẠI HỌC NGHIÊN CỨU HÀNG ĐẦU ĐÔNG NAM Á:

Khắc phục bài toán chi nhiều, thu ít

TTH - Đại học (ĐH) Huế có lượng cán bộ chuyên môn học hàm, học vị cao, đa ngành, đa lĩnh vực thuận lợi về nghiên cứu khoa học (NCKH), song nguồn thu từ hoạt động này rất thấp.

Tự chủ ở các trường đại học: Khó nhiều mặt

Cán bộ Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế tham gia nghiên cứu khoa học

Cái khó "bó hiệu quả"

PGS. TS. Nguyễn Khắc Hoàn, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ĐH Huế cho biết, hằng năm, ĐH Huế có khoảng 400 đề tài NCKH từ cấp cơ sở đến cấp bộ (chưa tính đề tài cấp tỉnh do các trường thực hiện), nguồn chi từ NCKH (các cấp) là khá lớn. Chỉ tính riêng cấp ĐH Huế, năm 2018 đã chi khoảng 5 tỷ đồng cho 87 đề tài và kế hoạch chi cho năm 2019 là gần 8,4 tỷ đồng cho 152 đề tài. Đáng trăn trở là, nguồn thu mang lại từ NCKH còn rất thấp, khoảng 3 - 5% so với chi.

Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Hoàn, NCKH tạm chia thành hai dạng là nghiên cứu ứng dụng có thể đem lại nguồn thu và nghiên cứu cơ bản, hầu như không có sản phẩm ứng dụng nhưng có sản phẩm khoa học và đào tạo, nếu có bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín sẽ giúp tăng thương hiệu cơ sở đào tạo. Trên thực tế, ngoài Trường ĐH Y dược, Trường ĐH Nông lâm và một số đơn vị thì đa phần các cơ sở đào tạo thuộc ĐH Huế chủ yếu là ngành nghề liên quan đến khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn… nên sản phẩm ít mang tính ứng dụng, không thương mại hóa và cũng khó mang lại nguồn thu. “Thực trạng chung của nhiều đơn vị đào tạo về khoa học cơ bản cả nước trong bối cảnh hiện nay là việc chuyển giao công nghệ mang lại nguồn thu rất khó. Dù rất trăn trở, nhưng các trường vẫn chưa tìm được giải pháp”, PGS. TS. Hà Văn Hành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế nói.

Cán bộ Trường ĐH Nông lâm tham gia nghiên cứu khoa học

Việc nghiên cứu ứng dụng cũng gặp khó khăn. Nguyên nhân là nguồn đầu tư có hạn, dẫn đến sản phẩm NCKH chưa xứng tầm. Theo PGS. TS. Nguyễn Khắc Hoàn, để một đề tài thực sự chất lượng, cần đầu tư kinh phí lớn, thời gian nghiên cứu lâu. Hiện, bình quân mỗi đề tài cấp trường được cấp kinh phí khoảng 6 - 8 triệu đồng, thực hiện trong một năm là quá thấp, điều đó đã gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu.

Cái khó là cán bộ giảng viên ngoài nhiệm vụ đào tạo còn phải làm NCKH. Với số lượng cán bộ lớn, nếu đầu tư tập trung thì số lượng đề tài nghiên cứu sẽ giảm, có người không đủ điều kiện nghiên cứu và không hoàn thành nhiệm vụ. “Để có những công trình có thể ứng dụng và thương mại hóa tốt phải đầu tư, song khó cho các đơn vị bởi kinh phí chung cho hoạt động NCKH hạn hẹp, nếu tăng nguồn đầu tư để tăng chất lượng thì phải giảm số lượng khiến nhiều cán bộ khác không thể tham gia nghiên cứu. Đây là một vòng luẩn quẩn khó giải quyết”, ông Hoàn nói.

Một khó khăn nữa là cơ sở vật chất còn hạn chế. Xét về tổng thể, nhiều phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất của các trường, khoa, viện đã cũ, trong khi nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp, việc tìm kiếm các nguồn đầu tư bên ngoài không dễ. Thiếu cơ sở vật chất ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu.

Thời gian qua, nhiều đơn vị cũng có liên kết với các địa phương để thực hiện các đề tài NCKH, song trên thực tế, tính ứng dụng và hiệu quả chưa cao, nguồn thu còn giới hạn. Xét mặt bằng chung tại các trường, nguồn thu về NCKH chiếm tỷ lệ rất nhỏ, các trường phải phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí.

Đầu tư có trọng điểm

Tầm nhìn đến năm 2030 ĐH Huế trở thành một trong những ĐH nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực. ĐH Huế phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng nguồn thu từ NCKH lên ít nhất 15%. Theo PGS. TS. Nguyễn Khắc Hoàn, đây là mục tiêu rất khó, song ĐH Huế và các trường phải mạnh dạn và tìm giải pháp để thực hiện.

ĐH Huế đang xây dựng, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút các nhà khoa học thực sự tài giỏi, tập trung đầu tư để có sản phẩm mang tính ứng dụng và tạo nguồn thu. Hướng giải pháp là sẽ tập trung đầu tư có trọng điểm để tránh lãng phí.

ĐH Huế và các trường sẽ tăng cường tìm kiếm các hợp đồng NCKH. Khuyến khích gắn kết NCKH với các doanh nghiệp để không chỉ tìm các hợp đồng NCKH mà còn tìm nguồn kinh phí hỗ trợ và khả năng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Với lợi thế đội ngũ nhân lực giàu chuyên môn và khả năng hợp tác, liên kết doanh nghiệp ở nhiều trường đang ngày càng phát triển, nhất là Trường ĐH Y dược, Trường ĐH Nông lâm thì cơ hội hợp tác NCKH không phải là không có.

Một thuận lợi là Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 523/QĐ-TTg (ngày 14/5/2018) phê duyệt Đề án phát triển Viện công nghệ sinh học (CNSH) ĐH Huế, trở thành trung tâm CNSH cấp Quốc gia tại miền Trung. Theo PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH - ĐH Huế, sự ra đời của đề án góp phần giải quyết những khó khăn hiện nay ở Viện, đồng thời hình thành trung tâm CNSH xứng tầm, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội. “Chúng tôi dự kiến thành lập công ty trực thuộc viện nhằm thực hiện nhiệm vụ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu - vấn đề bức thiết của NCKH hiện nay”, bà Hải nói.

Để giải bài toán nguồn thu, ĐH Huế sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhất là tạo ra cơ chế sử dụng chung cơ sở vật chất giữa các đơn vị thành viên thuộc ĐH Huế phải thực sự hợp lý và hiệu quả, góp phần tạo thuận lợi và đem lại nguồn thu từ NCKH, đồng thời giảm bớt nguồn đầu tư cơ sở vật chất cho từng đơn vị, tiết kiệm kinh phí để đầu tư khoản khác mà NCKH cần.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Return to top