ClockThứ Tư, 08/02/2017 06:01

Khắc phục các tuyến đê bao nứt vỡ, cứu lúa đông xuân

TTH - Theo khung lịch thời vụ, đến 5/2, toàn tỉnh sẽ kết thúc việc gieo cấy 28.638 ha lúa vụ đông xuân 2016-2017, nhưng do ảnh hưởng của đợt mưa cuối tháng 1 vừa qua, kết hợp với triều cường, hiện vẫn còn hơn 1.000 ha chưa thể gieo sạ.

Lực lượng công an, bộ đội được huy động cứu đê ở thị trấn Sịa

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay: Từ ngày 1/2 đến 3/2, khu vực Thừa Thiên Huế có mưa vừa và nơi mưa to, tập trung ở vùng núi A Lưới, lượng mưa phổ biến từ 27 đến 117mm; gió lớn gây triều cường, nước trên các sông dâng cao. Hệ thống đê nội đồng ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ thấp từ +0,3m đến dưới +1m; các đoạn đê được đầu tư qua nhiều năm nay đã xuống cấp gây tràn đê, thấm qua đê.

Có mặt tại tuyến đê bao thôn 6, xã Điền Hải, huyện Phong Điền vào trưa 4/2,  chúng tôi chứng kiến có gần 20 người đang xúc cát vào bao, vận chuyển các bao cát bằng thuyền từ trạm bơm số 4 đến điểm đê bị sạt lở. Theo một số người dân ở đây, sự cố vỡ đê xảy ra tối 3/2 làm 18 ha lúa gieo sạ trước Tết Nguyên đán bị ngập sâu. UBND xã cùng HTX đã huy động nhân lực, máy bơm tiêu úng cho đồng ruộng. Đến nay, đã tiêu úng cơ bản diện tích bị ngập do vỡ đê và triều cường.

Ông Hoàng Văn Linh, xã Điền Hải, huyện Phong Điền lo lắng, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi nên vụ đông xuân vẫn còn một số diện tích chưa thể gieo sạ. Sâu bệnh và ngập úng đầu vụ khiến nhiều diện tích lúa bị hư hỏng.

Ảnh hưởng triều cường cuối tháng 1 làm 500m đê nội đồng tại Đạt Tây, Đông Cát, Đông Bền, Hạ Gối tại xã Phong Chương bị tràn, nứt; trong đó có 30m đê thuộc thôn Chánh An bị vỡ, làm 54,1ha (trong đó có 16 ha đã gieo sạ) của HTX Mỹ Phú, Chánh An bị ngập úng nặng. Huyện Phong Điền phối hợp với lực lượng tại chỗ huy động gần 300 người tham gia hộ đê cứu lúa, cùng với đó các máy bơm cũng được huy động để tiêu úng tại các điểm ngập úng. Triều cường còn khiến gần 1.300 ha lúa vụ đông xuân trên địa bàn huyện Phong Điền bị ngập nước, trong đó có gần 100 ha lúa bị chết hoàn toàn phải gieo cấy lại, lúa giống đã ngâm ủ phục vụ gieo sạ cho 41 ha bị hư hỏng toàn bộ.

Lực lượng công an, bộ đội tham gia hộ đê

Tại huyện Quảng Điền, nhiều tuyến đê bao bị sụt lún, nứt vỡ ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa. Theo ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, dự kiến đến ngày 5/2, Quảng Điền sẽ tiến hành gieo cấy xong khoảng 4.250 ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, do triều cường khiến nhiều diện tích ruộng vẫn ngập nặng nên hiện vẫn còn hơn 250 ha lúa chưa thể gieo sạ. Trong đó, tại tuyến trạm bơm tiêu Kênh Trộ, HTX số 1 Sịa, đê bao bờ vùng dài 25m bị vỡ, nhiều điểm bị tràn, nứt uy hiếp 125 ha lúa của HTX Sịa 1 và HTX Đông Vinh. Gần 200 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội, lực lượng ứng trực và cán bộ các cơ quan từ huyện đến xã, thị trấn được huy động dùng bao cát, xe múc, xe ủi gia cố lại những đoạn đê xung yếu có khả năng nứt vỡ.

Nhiều tuyến khác như đê Đông Lâm, tuyến dọc bờ kênh Diên Hồng, dọc phá Tam Giang của HTX Thống Nhất cũng bị nứt, tràn. Huyện Quảng Điền phải huy động lực lượng túc trực và ứng cứu tại chỗ nhằm khắc phục các điểm nứt, giảm ảnh hưởng đến vụ đông xuân; ước tính ban đầu thiệt hại khoảng trên 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 1,3 km đê bao nội đồng bị vỡ, tràn đang khắc phục xử lý (Phong Điền 200m; Quảng Điền 1.000m; Phú Vang 57m). Trước mắt, tỉnh đã hỗ trợ 6,5 tỷ đồng để đấu úng và xử lý khẩn cấp, củng cố các công trình đê bao xung yếu phục vụ sản xuất. Sở đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo các HTX và người dân tăng cường thăm đồng phát hiện sớm các điểm nứt, tràn trên các tuyến đê xung yếu, huy động lực lượng gia cố tạm thời. Đối với những diện tích bị ngập phải tăng cường các biện pháp tiêu úng, sau khi nước rút cần tập trung gieo cấy lại để đảm bảo lịch thời vụ.

Về lâu dài, sở đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch phân bổ kinh phí 183 tỷ đồng nâng cấp các công trình đê bao nội đồng, hạn chế ngập úng. Các địa phương phải chủ động về số lượng các loại giống lúa, nhất là các loại giống lúa ngắn ngày cho các diện tích chưa gieo sạ nhằm đảm bảo hiệu quả cho vụ sản xuất đông xuân này.

Theo Chi cục Thủy lợi, đợt mưa từ 24-26/1 khiến 4.219 ha lúa đông xuân bị ngập, các địa phương phải tiến hành tiêu úng trên diện rộng. Tiếp đó, từ ngày 1 - 3/2, mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ngập úng cục bộ 7.066 ha lúa, làm 1.679 ha lúa bị chết phải gieo sạ lại, lúa giống đã ngâm ủ phục vụ gieo sạ cho 202,3 ha bị hư hỏng. Nhiều nhất là tại Quảng Điền 1.200 ha bị ngập, 335 ha lúa bị chết phải gieo sạ lại và lúa giống đã ngâm ủ phục vụ gieo sạ cho 34 ha bị hư hỏng; huyện Phong Điền 1.316 ha bị ngập, 100 ha lúa bị chết phải gieo sạ lại và lượng giống ngâm ủ phục vụ gieo sạ 41 ha bị hư hỏng.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng phương án chống úng lúa đông xuân

Dự báo ngày 9/2 (30 tháng Chạp, Âm lịch), bộ phận không khí lạnh (KKL) sẽ ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế; vùng biển ngoài khơi của tỉnh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Sẵn sàng phương án chống úng lúa đông xuân
Khắc phục khó khăn đầu vụ

Bước vào đầu vụ đông xuân, nông dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi do thời tiết mưa rét diễn biến phức tạp.

Khắc phục khó khăn đầu vụ
Thông tin doanh nghiệp
Dai-ichi Life Việt Nam hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Nằm trong chuỗi Chương trình “Kết nối Triệu Yêu Thương – Hạnh phúc cho Cộng đồng”, tiếp tục hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai, ngày 15/12/2023, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life VN) đã tổ chức thăm và trao tặng 100 suất tiền mặt trị giá 100 triệu đồng cho 100 hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong các đợt mưa lũ vừa qua tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dai-ichi Life Việt Nam hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Bố trí nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 10 và 11/2023 đã tiếp tục làm sạt lở nhiều vị trí bờ sông, bờ biển, đê bao nội đồng, kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. UBND tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chốngthiên tai (PCTT) đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để khắc phục hậu quả thiên tai.

Bố trí nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai
Return to top