ClockThứ Sáu, 10/11/2017 15:04

Khắc phục hậu quả mưa lụt, xây dựng kịch bản ứng phó bão số 13

TTH.VN - Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 12 trong những ngày qua khiến các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn “no” nước. Trong khi bão số 13 với dự báo còn diễn biến phức tạp, “kịch bản” điều tiết lũ đang được các cơ quan chức năng tích cực lên phương án triển khai những ngày tới.

Chủ động phòng dịch khi lũ chưa quaTình người trong mưa lũSau lũ, rau củ quả từ ngoại tỉnh và Trung Quốc chiếm lĩnh thị trườngKhơi thông cầu cống, vệ sinh trên cạnLũ trên các sông tiếp tục xuống chậm

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chủ trì buổi họp ứng phó với bão số 13. Ảnh: Hà Nguyên

Sáng 10/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chủ trì buổi họp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về công tác ứng phó với bão số 13. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung và đại diện các địa phương, sở ngành liên quan.

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, sáng 10/11, bão Haikui đã đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km còn có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Đông Nam. Do ảnh hưởng của của hoàn lưu bão, trong đất liền có mưa vừa đến mưa to, có khả năng lũ lên trở lại. Vùng biển ngoài khơi tỉnh có mưa rào và giông, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết, hiện nay, mực nước tại các hồ chứa đang ở mức cao. Trong đó, hồ chứa Tả Trạch đã đạt mức +44,53m. Theo quy trình vận hành liên hồ, chúng ta buộc phải đưa về mực nước đón lũ trong thời gian sắp tới. Hiện nay, lũ ở hạ lưu các con sông như sông Bồ đạt mức báo động 2; sông Hương trên báo động 2. Theo dự báo của các trung tâm khí tượng thế giới như Nhật Bản thì bão số 13 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào; Hải Quân Hoa Kỳ dự báo ngày 14/11, bão sẽ ảnh hưởng đến Huế và kết hợp với không khí lạnh.

Các tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão an toàn. Ảnh: Hà Nguyên

Theo đó, chúng ta sẽ có các kịch bản: Nếu bão vào phía Nam của Huế thì lượng mưa khoảng 200-300mm; vào phía Bắc của Huế thì lượng mưa sẽ giảm hơn nhiều. Do vậy, nếu với một lượng mưa dự báo như thế hiện nay, đưa mực nước các hồ về mực nước đón lũ thì tập trung ở hồ Tả Trạch là chính vì hai hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền sẽ ít tham gia vào việc cắt lũ cho vùng hạ du đợt này. Nếu đưa mực nước hồ Tả Trạch về mực đón lũ +35m, theo tính toán thì phải điều tiết xã lũ tương ứng với hồ Bình Điền, Hương Điền phải 1.800m3/s trong vòng 72 tiếng. Theo đó, mực nước tại Kim Long trên sông Hương, sông Bồ sẽ đạt trên báo động III. Lũ sẽ lên lại, các địa phương sẽ bị ảnh hưởng nặng. Do vậy, cần phải tính toán kỹ các thông số, phối hợp với các sở ngành để có phương án điều tiết phù hợp.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, sáng 10/11, đơn vị đã phát lệnh vận hành hồ chứa các hồ thủy điện trên địa bàn. Các nhà máy đã chuẩn bị sẵn sàng phương án vận hành và các địa phương cũng được giải thích rõ nước ở vùng hạ du trong giai đoạn này sẽ dâng do công tác điều tiết xả lũ, để chủ động phương án “4 tại chỗ” ứng phó. Theo đó, từ 13 giờ ngày 10/11, các hồ thủy điện sẽ bắt đầu điều tiết xả lũ về hạ du. Cụ thể, đối với hồ thủy điện Bình Điền, sẽ vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, để đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +74,5m; đối với thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +56m; đối với hồ Tả Trạch vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin, đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +35m…

Ông Hùng cũng thông tin, hiện nay các hồ chứa thủy lợi đã đầy, ở mức cao. Do vậy, đối với hồ thủy lợi do đang tràn tự do, đề nghị phía Công ty Công ty Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh tổ chức kiểm tra rà soát các vật tư và bố trí lực lượng trong trường hợp xảy ra sự cố để cứu hộ. Các hồ thủy điện cũng sẵn sàng công tác ứng phó nhất là đường dẫn lên các đập, không thể ách tắc khi xảy ra sự cố. “Công tác ứng phó, chuẩn bị của chúng ta chỉ còn trong vòng 72 giờ tới, đây là “khung giờ vàng”. Theo cập nhật, lượng mưa trong ngày 10/11 ở thượng nguồn giao động rất bất thường từ rạng sáng cho đến nay. Do vậy, chúng ta phải chủ động các phương án ứng phó từ việc tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của bão và mưa lũ”, ông Hùng nhấn mạnh.

13 giờ ngày 10/11, các hồ thủy điện bắt đầu điều tiết lũ về hạ du. Ảnh: Hà Nguyên

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới đề nghị phía thủy điện A Lưới có phương án điều tiết xả lũ phù hợp, tránh “làm khó” cho huyện. “Vừa rồi huyện rất vất vả với thủy điện A Lưới. Đây là lần thứ 2 thủy điện A Lưới điều tiết xả lũ cấp tập khiến nước dâng rất nhanh, chúng tôi không xoay xở kịp. Thủy điện A Lưới xả 3 cửa thì 1.800m3/s thôi, nhưng sau đó lại tăng lên 2.200-2.500m2/s thì vùng hạ du ngập nặng. Đặc thù thủy điện A Lưới có “cái eo” ngay xã Nhâm, khác với lồng hồ các thủy điện khác, khi dưới đập thủy điện nước hạ nhưng nước trên kênh dẫn không qua được “eo”. Do vậy, đề nghị thủy điện A Lưới phải điều tiết đợt này đưa về mực nước thấp nhất để đón lũ”, ông Cường đề xuất.

Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành, địa phương, Bí Thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu đánh giá cao công tác điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ du đối với các hồ thủy điện, thủy lợi trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Lưu cũng lưu ý, về mặt kỹ thuật, các cơ quan hữu quan phải cập nhật số liệu và bàn phương án kỹ đối với các kịch bản, lượng mưa, dự báo chính xác trong thời gian tới để có phương án ứng phó mưa bão kịp thời. “Không thể điều tiết nhằm cắt lũ nhưng lại gây ra lũ được”, Bí thư Lê Trường Lưu nhấn mạnh.

Về rút kinh nghiệm trong việc ứng phó bão số 12 vừa qua, ông Lưu yêu cầu các địa phương tránh tình trạng bị động và thực hện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. “Vừa qua ảnh hưởng mưa bão, cá lồng nuôi chết rất nhiều, thiệt hại rất lớn. Đề nghị Sở NN&PTNT xem lại vấn đề quy hoạch, khung lịch thời vụ đối với việc nuôi trồng thủy sản”, Bí thư Lê Trường Lưu nhấn mạnh.

* Hiện nay, các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả lũ lụt, tại xã Thủy Thanh (TX Hương Thủy), ngày 10/11, 60 chiến sĩ của Sư đoàn 968 Quân Khu 4 bắt đầu về hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân nhân tổng dọn dẹp vế sinh sau khi nước rút.

Các CBCS được tăng cường về xã Thủy Thanh để khắc phục hậu quả lũ, lụt. Ảnh: Thu Huế

Đến sáng 10/11, nhiều đoạn đường về xã Thủy Thanh vẫn còn bị ngập. Tuy nhiên, để sớm giúp dân dọn dẹp vệ sinh tại các công trình trường học, công cộng và các tuyến đường nước đã rút, Ban chỉ huy quân sự TX. Hương Thủy, phối hợp với Sư đoàn 968 đã  tăng cường lực lượng về xã Thủy Thanh, hỗ trợ người dân tổng dọn vệ sinh tại các tuyến đường có nhiều bùn non, trường mầm non, nhà tưởng niệm liệt sĩ, vệ sinh khu vực cấu ngói…

Giúp đỡ người dẫn trên đường. Ảnh: Thu Huế

Dự kiến, sau hai ngày ở Thủy Thanh, lực lượng chiến sĩ được tăng cường sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương khác trên địa bàn TX. Hương Thủy.

Clip: Thu Huế

Clip: Thu Huế

* Sáng 10/11, Công ty CP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí thuộc Tổng Công ty Cp Xây lắp Dầu khí Việt Nam phối hợp với Tỉnh đoàn và huyện Quảng Điền tổ chức trao quà hỗ trợ các hộ nghèo ở xã Quảng Vinh bị ảnh hượng nặng nề của lũ lụt.

Trao quà cho người dân Quảng Vinh. Ảnh: Hoàng Loan

Tại đây, Công ty trao 50 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng cho các họ khó khăn. Đồng thời gửi lời thăm, động viên người dân vượt qua khó khăn bị ảnh hưởng lụt.

Trao quà tại xã Quảng Vinh. Ảnh: Hoàng Loan

Trong sáng nay, Tỉnh lộ 11A từ cầu Tứ Phú về trung tâm huyện Quảng Điền nước đã cơ bản rút, giao thông đi lại đã thông suốt. Các tuyến còn lại vẫn còn ngập sâu. Hiện vẫn còn 4 xã vẫn ngập sâu 0,7 đến 1m là Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng An… Người dân chủ yếu di chuyển bằng ghe thuyền là chính.

Trao quà hỗ trợ cho các hộ gia đình ở xã Hương Toàn. Ảnh: Liên Minh

Dịp này, Công ty Cổ phần Kết cấu kinh loại và Lắp máy dầu khí cũng đến thăm và dành tặng cho 50 hộ gia đình ở xã Hương Toàn (TX Hương Trà) bị ảnh hưởng bởi thiên tai là 25 triệu đồng.

* Ở xã Hương Toàn, Hương Trà, đến hôm nay 10/11, ghe, thuyền vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân.

Tại thôn Vân Cù, nơi nổi tiếng bởi nghề làm bún truyền thống, dù mưa lũ, hàng chục hộ làm bún tại đây vẫn ngày ngày dùng ghe nhỏ chở bún đi khắp các địa phương. “Vùng này thấp lắm, mới mưa đã ngập nên bà con “sống chung với lũ” quen rồi”, chị Hoa, người thôn Vân Cù nói.

Chủ tịch xã Hương Toàn - Hoàng Trọng Hiệu cho hay: “Là vùng thấp trũng nên vấn đề đi lại trong lũ rất được chính quyền và người dân quan tâm. Để an toàn, hầu như hộ gia đình nào cũng có ghe, đò và trang bị thêm áo phao để đi lại khi nước lớn. Nên lâu nay, Hương Toàn rất ít có trường hợp “sảy chân” vì lũ”.

Cũng vì còn ngập sâu nên Hương Toàn chưa thể thống kê được thiệt hại về hạ tầng giao thông. Về sản xuất nông nghiệp, thống kê chưa đầy đủ, Hương Toàn có 5ha sắn và 4ha hoa màu mất trắng, 2 hồ cá và nhiều lồng cá bị lũ cuốn trôi... Trước mắt, chính quyền địa phương yêu cầu người dân đảm bảo vệ sinh trong và sau lũ với phương châm nước rút đến đâu các hộ gia đình tự chủ động làm vệ sinh đến đó. Việc phun thuốc tiêu độc khử trùng sẽ được thực hiện tại chợ và 5 điểm trường học (hiện học sinh trên địa bàn xã vẫn còn nghỉ học do ngập), ngoài ra, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng cử 30 chiến sĩ về hỗ trợ Hương Toàn trong việc dọn dẹp vệ sinh sau lũ vào ngày 11/11.

Ghe, thuyền được xem là phương tiện di chuyển chính.  Ảnh: Liên Minh

Clip: Liên Minh

Để không bị ướt, người đàn ông này phải cọt áo trên vai và cầm dép trên tay để lội.  Ảnh: Liên Minh

Một điểm trường học ở Hương Toàn vẫn ngập trong nước. Ảnh: Liên Minh

Chiếu được đem ra giặt để trôi bùn ngay trước nhà.  Ảnh: Liên Minh

Chợ họp ngay trên Tỉnh lộ 19.  Ảnh: Liên Minh

Ngập ở thôn Triều Sơn Trung.  Ảnh: Liên Minh

Chính quyền thôn Vân Cù đang thống kê danh sách các hộ thiệt hại để hỗ trợ.  Ảnh: Liên Minh

Trao quà hỗ trợ của xã cho người dân.  Ảnh: Liên Minh

* Đến ngày 10/11, trên địa bàn huyện Phong Điền nước đã cơ bản rút hết ra nhà dân, chỉ còn lại một số đường liên thôn ở các xã Phong Sơn, Phong Chương, Phong Bình vẫn còn ngập lụt. Công tác vệ sinh môi trường nhà ở, đường giao thông, cơ quan, trường học… được người dân và xã chủ động dọn dẹp theo phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”.

Tại xã Phong An nhà cửa, đường thôn, xóm được người dân dọn dẹp từ ngày 7/11 gọn gàng, sạch đẹp, không còn bùn đất, rác rưởi như những ngày sau lũ.

Dọn dẹp vệ sinh tại Trường mầm non Phong Sơn 1. Ảnh: Hải Huế

Ông Nguyễn Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong An thông tin, lũ lụt đã làm cho 8/8 thôn Phong An ngập trong nước. Đến nay, công tác vệ sinh môi trường đã được khắc phục cơ bản. Do thời tiết đã nắng ráo nên xã sẽ huy động lực lượng cùng với Trạm y tế xã để phun hóa chất, tiêu trùng khử độc những điểm trường mầm non, tiểu học, THCS và chợ Phù trên địa bàn xã và sẽ hoàn thành trong ngày 12/11. Xã cũng đã hoàn thành công tác thống kê thiệt hại bão lụt với số tiền lên đến trên 4 tỷ đồng.

Người dân Phong An dọn dẹp vệ sinh sau lũ. Ảnh: Hải Huế

Tại xã Phong Sơn, nước đã rút hết ra nhà dân. Tuy nhiên thôn Tứ Chánh và Phổ lại vẫn còn bị chia cắt do đường liên thôn vẫn còn ngập sâu trong nước 1m. Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, đến nay xã đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh tất cả những đường theo phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”. Xã cũng đã phối hợp với trạm y tế xã phun hóa chất tiêu trùng khử độc trường mầm non, khu vực chợ. Việc sập đổ tường rào và hư hỏng đường vào trường mầm non Phong Sơn 2, xã đã huy động lực lượng và sẽ lấp lại đường và dựng lại tường rào vào ngày 11/11.

Các cô giao Trường mầm non Phong Mỹ 1 sửa sang lại đồ chơi cho các béẢnh: Hải Huế

Tại xã Phong Xuân và Phong Mỹ, công tác dọn dẹp vệ sinh cũng đang được chính quyền quyền và người dân, các thầy cô giáo thực hiện. Tuy lũ không gây thiệt hại nhiều cho 2 xã, nhưng cũng gây lụt cục bộ ở nhiều nơi. Tại xã Phong Xuân, chính quyền đã cùng với người dân dọn dẹp đường xá tại thôn Bến Củi, Hiền An và Cổ Xuân, những nơi hứng chịu lụt. Tại xã Phong Mỹ, công tác dọn dẹp vệ sinh đã được thực hiện từ mấy ngày trước khi lũ đã rút. Tại nhiều địa phương khác như các xã vùng trũng Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương cũng đang được chính quyền địa phương và người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường với phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó.

Trường tiểu học Đông Sơn (Phong Sơn) sửa sang cổng trường để đón học sinh vào học trong ngày 13/11. Ảnh: Hải Huế

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, sáng ngày 10/11, huyện đã thành lập 3 tổ để đi kiểm tra tình hình khắc phuc bão  các xã, thị trấn. Đến nay, các xã, thị trấn đã rất chủ động trong công tác khắc phục lũ lụt như: vệ sinh môi trường từ trong nhà, cơ quan, trường học ra đến ngoài đường. Hiện, huyện đã chỉ đạo Trung tâm y tế phối hợp với các xã khẩn trương phun hóa chất tiêu trùng khử độc các loại Berocid, Cloramin B, Hatol tại các trường học, khu vực chợ và khu vực thấp trũng, đảm bảo không xảy ra dịch bệnh sau lũ. Ngoài ra, chỉ đạo Phòng giáo dục phối hợp với các xã khẩn trương khắc phục hư hỏng tại các trường học trên địa bàn nhằm tổ chức dạy và  học ở các cấp học vào ngày 13/11 đề như kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng trành đuối nước cho trẻ sau lũ…

* Huyện Quảng Điền, sáng 10/11 nước đang có xu hướng lên trở lại. Tuyến đường giao thông từ cầu Tứ Phú về trung tâm huyện đã có thể lưu thông.

Người dân xã Quảng An tập trung tại vị trí sạt lở. Ảnh: Hoàng Loan

Tuy nhiên, các tuyến Tỉnh lộ còn lại vẫn ngập sâu từ 50-70cm; các xã Quảng Thành, Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Phước vẫn ngập sâu từ 0,7 - 1m.

Tại Quảng Thành, đường Thâm Điền Đạc bị sạt lở gần 1,4km; đường Đê Củ, Bàu Mới sạt lỡ 45m. Đê Diên Hồng đi qua địa bàn xã Quảng Phước, thị trấn Sịa nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng (HTX Đông Phước nứt đoạn dài 20m, rộng 5m, sâu 3m; đoạn bờ tả từ cầu Tráng Lực trở ra sạt lở 150m, đoạn trong cầu Hà Đồ lỡ 20m…) nhưng chưa thể khắc phục do nước vẫn ngập rất sâu. Ngoài ra còn nhiều tuyến khác đang bị sạt lở, UBND huyện đang tiếp tục tổng hợp thống kê.

Riêng trong rạng sáng ngày 10/11, tuyến đê dọc hói An Xuân, xã Quảng An bị xói lở nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp an toàn công trình cũng như đe dọa an toàn tính mạng, tài sản người dân quanh khu vực.

Quan sát hiện đoạn sạt lở đi qua công trình thi công đê 5 qua thôn An Xuân sạt lở dài 30m sâu hơn 3m, uy hiếp 2 hộ dân, một cột điện… Hiện nước tại khu vực vẫn chảy siết nguy cơ sạt lở sâu rất dễ xảy ra.

Trong sáng 10/11, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Trương Duy Hải, cùng các ngành liên quan đã trực tiếp đến hiện trường, phối hợp chỉ đạo xã, thôn phối hợp gia cố tạm thời vị trí sạt lở giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền thông tin, hiện các tuyến đê bao trên địa bàn huyện đều được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nên bắt đầu xuống cấp, xuất hiện vết nứt, sạt lở. Những ngày qua nước từ thượng nguồn về với lưu lượng lớn khiến nhiều đoạn đê các xã dọc sông Bồ bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng tại tuyến đê hói An Xuân có địa chất yếu, nhiều lỗ mọi nên khi nước chảy siết đã trực tiếp sạt lở.

Lãnh đạo huyện đã trực tiếp đến vị trí sạt lở nắm tình hình.  Ảnh: Hoàng Loan

Trước đây, các cửa thoát lũ trên đê thông ra phá Tam Giang của cống An Xuân, xã Quảng An có khẩu độ quá nhỏ không thể dẫn nguồn tối đa để hạ thấp mặt nước. UBND tỉnh đã đầu tư cống An Xuân và kè gia cố hai bờ hói An Xuân, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỉ đồng. Giai đoạn một, dự án đầu tư cống đã cơ bản hoàn thành, giai đoạn 2 xây dựng kè gia cố hai bờ hói đang được thực hiện. Công trình được đầu tư góp phần ngăn mặn, tiêu thoát lũ nhanh và không gây ngập úng dài ngày, ngăn lũ tiểu mãn và lũ sớm cho gần 2.000 ha đất nông nghiệp của vùng dự án (gồm các xã: Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành).

Hiện huyện đang phối hợp với xã, đơn vị thi công kè gia cố hai bờ hói An Xuân huy động người dân chặt cây quanh khu vực đóng xà cừ gia cố tạm thời khu vực sạt lở, di dời khẩn cấp 2 hộ sống gần vùng sạt lở. Trong chiều nay (10/11) sẽ tiến hành gia cố tạm thời vị trí sạt lở bằng bao cát, vải bạt ni lông. Tuy nhiên, gia cố chỉ là giải phát tạm thời. Nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng hưởng trực tiếp tới nhiều hộ dân thôn An Xuân và hơn 1.000 ha đất nông nghiệp của 3 xã Quảng Phước 400 ha; Quảng An 400 ha, thị trấn Sịa 200 ha.

Các xã vùng trũng huyện Quảng Điền vẫn ngập sâu.  Ảnh: Hoàng Loan

Huyện Quảng Điền cũng đang tập trung huy động người dân, các HTX tập trung khắc phục tạm thời các tuyến đê, đường giao thông bị sạt lở tại các vị trí nước rút… nhằm giảm thiểu thiệt hại kép khi cơn bão số 13 sắp tới.

* Cùng ngày, 60 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh đã về các xã vùng trũng của huyện Quảng Điền để giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

Tại xã Quảng Phước, mặc dù nước chưa rút hết nhưng các CBCS đã cùng với giáo viên Trường THCS Ngô Thế Lân tiến hành thu dọn cây xanh bị ngã đỗ trong khuôn viên trường và dọn rác thải ùn ứ do mưa lũ.

Bộ đội lội nước dọn cây đỗ ngã do lũ lụt ở xã Quảng Phước. Ảnh: Thanh Thảo

Cũng tại Trường mầm non Sơn Ca 1, thị trấn Sịa những người lính trẻ khẩn trương dọn bùn, sửa chữa, lắp ráp lại các mô hình đồ chơi bị hư hỏng của trường để giúp nhà trường sớm trở lại việc dạy và học bình thường.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và PCCC tỉnh dọn bùn đất tại Trường mầm non Sơn Ca 1, Thị trấn Sịa. Ảnh: Thanh Thảo

Sau khi dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Quảng Phước và Thị trấn Sịa lực lượng quân đội sẽ tiếp tục hành quân về các xã ngập lụt nặng như Quảng Thành, Quảng An…

* Chiều 10/11, các đơn vị biên phòng trên hai tuyến biên giới của tỉnh được đặt trong tình trạng cơ động, chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương rà soát toàn bộ phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, yêu cầu cấp thiết lúc này là công tác rà soát, kiểm tra các khu dân cư trong vùng xung yếu để có những giải pháp kịp thời. Các đồn biên phòng chủ động tham mưu cho địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết để di chuyển Nhân dân. Đồng thời, các đơn vị phối hợp với các cơ quan ban, ngành tăng cường dự báo sớm tình hình bão, triển khai kế hoạch ứng phó đảm bảo phù hợp với đặc điểm mỗi địa phương. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chú trọng đến các đơn vị phụ trách những địa bàn trọng điểm như: Hồng Vân, Hồng Thủy, A Roàng (A Lưới); Hải Dương (Hương Trà); Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang); Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lăng Cô (Phú Lộc); thường xuyên tăng cường công tác tuần tra kiểm soát người và phương tiện hoạt động trên vùng biển, duy trì quân số, phương tiện để sẵn sàng di dời dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK cảng Thuận An kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền cho ngư dân. Ảnh: Bá Trí

Cùng với đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 phối hợp với Ban CHQS các huyện, thị tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai các phương án xử lý tình huống sát với thực tế từng địa bàn. Thượng tá Lê Phước Quảng, Hải đội trưởng Hải đội 2, cho biết: “Bộ Chỉ huy đã phân bổ kịp thời vật chất, trang bị kỹ thuật, kinh phí đảm bảo cho công tác ứng phó với tình hình bão lũ”.

Giúp ngư dân neo buộc chặt tàu thuyền. Ảnh: Bá Trí

Hiện tại, BĐBP tỉnh đã huy động 9 xe ô tô các loại, mỗi đồn biên phòng tuyến biển chuẩn bị 1 ca nô thường trực, Hải đội 2 chuẩn bị 2 tàu chiến đấu, 2 ca nô ST750; bố trí sử dụng 70% quân số hiện có, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có tình huống…

Tăng cường kiểm tra tàu thuyền đang hoạt động trên biển là yêu cầu cấp thiết lúc này. Ảnh: Bá Trí

Hải đội 2 cơ động làm nhiệm vụ. Ảnh: Bá Trí

Nhóm PV

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

TIN MỚI

Return to top