ClockThứ Ba, 02/10/2018 13:15

Khai sinh những phong trào ý nghĩa

TTH - Thượng úy Nguyễn Bá Truyền được đánh giá là một trong những đảng viên trẻ gương mẫu; là người đầu tiên nhận đỡ đầu cho một trẻ em mầm non khó khăn xã biên giới A Đớt, huyện A Lưới, khai sinh phong trào “Nâng bước em đến trường” trong toàn lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam.

Tư lệnh BĐBP trao tặng 500 triệu đồng cho chương trình “Nâng bước em đến trường”Chia sẻ tình thương, nâng bước em đến trườngĐỡ đầu 11 học sinh theo chương trình “Nâng bước em đến trường”

Thiếu úy Truyền với các cháu mầm non A Đớt, huyện A Lưới. Ảnh: NVCC

Bây giờ là Chính trị viên Đại đội huấn luyện Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Thượng úy Nguyễn Bá Truyền nhớ mãi những ngày lặn lội trong các bản làng xa xôi cách đây 7 năm.

Lúc đó vừa mới ra trường, Truyền được nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Sinh hoạt cùng chi bộ địa bàn, Truyền trăn trở trước cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới. Thương nhất là những đứa trẻ. Cha mẹ nghèo nên nhiều em còn thiếu cơm ăn, áo mặc. Bé Tranh đang học lớp chồi Trường mầm non A Đớt, là một trong những đứa trẻ thiếu thốn mọi thứ. Truyền đặt vấn đề với gia đình và cô giáo hiệu trưởng xin nhận đỡ đầu cho bé. Năm đầu tiên, anh trích lương của mình mỗi tháng hỗ trợ cho bé 250 nghìn đồng. Năm lên lớp mầm, hỗ trợ mỗi tháng 350 nghìn đồng và tăng lên 500 nghìn đồng/tháng khi bé vào lớp lá. Gần tết hay chuẩn bị vào năm học mới, có dịp về phố, thấy quần áo trẻ em đẹp, nghĩ thương Tranh nên Truyền thường mua tặng cháu.

Tình thương của người lính biên phòng ấy không chỉ là sự chia sẻ về vật chất, mà mỗi ngày anh còn thay cha mẹ Tranh đưa cháu đến trường như một người thân. “Cha mẹ bé Tranh nghèo, không có nổi chiếc xe đạp. Người mẹ thường dắt con đi đường tắt, băng ruộng đến trường. Chỗ nào bùn lầy bé đi không được thì mẹ cõng. Để cháu bé đỡ mệt, trong lúc đi địa bàn, tôi kiêm luôn “nhiệm vụ” đưa đón cháu từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Ban đầu người trong thôn lạ lẫm với hình ảnh một chú bộ đội ngày ngày đưa đón cháu bé nên ra tận ngõ để “xem”. Riết rồi quen, hiểu câu chuyện, bà con tặng hai chú cháu những nụ cười thật tươi, những lời hỏi han thân thiết. Tình cảm giữa đồng bào và BĐBP càng được thắt chặt hơn”, Thượng úy Tuyền chia sẻ.

Hành động tiên phong, nhận đỡ đầu cho cháu bé mầm non khó khăn của Thiếu úy Nguyễn Bá Truyền (lúc đó Truyền là Thiếu úy) đã được Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP Việt Nam “nhân” lên. Từ hành động của Truyền, ông phát động phong trào “Nâng bước em đến trường” trong lực lượng biên phòng toàn quốc để hỗ trợ học sinh nghèo trên những dải biên cương xa xôi. Đến nay, 101 cháu nhỏ khó khăn nhưng ham học trên 33 xã biên giới ở Thừa Thiên Huế và 11 trẻ em Lào được lực lượng BĐBP tỉnh (trong đó Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến đỡ đầu cho 5 cháu) chia sẻ yêu thương, nâng bước đến trường.

Cũng những ngày lặn lội địa bàn, người đội trưởng vận động quần chúng hiểu đồng bào gặp khó khăn như thế nào trong cuộc sống, sinh hoạt nên đã có những đề xuất thiết thực, để chỉ huy đơn vị có chủ trương, phương án giúp đỡ, hỗ trợ. Từ đó “khai sinh” phong trào “Ngày về thôn bản” của lực lượng BĐBP tỉnh. Đoàn viên thanh niên các đơn vị gặt lúa, sửa nhà… giúp những gia đình neo đơn; sửa chữa, tôn tạo đường sá, môi trường, cảnh quan.

“Thượng úy Nguyễn Bá Truyền đang tiếp tục phát huy sự năng nổ, chủ động, nêu gương. “Sinh nhật đồng đội” là hoạt động đã diễn ra trong toàn quân, nhưng chưa bao giờ thực hiện trong lực lượng biên phòng tỉnh. Thượng úy Truyền là người đã tổ chức thành công các kỳ sinh nhật đồng đội cho chiến sĩ mới trong mùa huấn luyện, tạo sự gắn bó, đoàn kết, tinh thần phấn chấn, bồi đắp tình yêu nhiệm vụ người lính biên phòng trong tập thể chiến sĩ mới”- Trung tá Trần Văn Tuyển, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết.

Cũng từ trách nhiệm, tình yêu thương, Thượng úy Truyền đã “sáng tạo” hình thức kỷ luật độc đáo, áp dụng đối với những chiến sĩ mới có xích mích, cãi cọ. Hình phạt là trong giờ nghỉ, yêu cầu các “cặp đôi” có xích mích nắm tay nhau đi vòng quanh đơn vị. Sau những “chuyến đi” như vậy, không những mâu thuẫn được hóa giải mà sau đó giữa nhiều “đôi” còn hình thành tình bạn thân thiết.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh

Ngày 23 và 24/3, tại nhiều địa phương, các lực lượng đã triển khai Phong trào ngày Chủ nhật xanh với các hoạt động đáng chú ý như, tổ chức đổi rác lấy quà, tặng quà cho hộ nghèo, khai trương tuyến đường cờ thanh niên, thực hiện mô hình điểm “Cổng trường văn minh – thân thiện – an toàn”…

Triển khai nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh

TIN MỚI

Return to top